Hà Nội

Ngăn chặn chứng tiêu chảy buổi sáng

25-05-2019 09:55 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Tiêu chảy buổi sáng là tình trạng đau quặn bụng khẩn cấp và phải vào phòng vệ sinh ngay sau khi thức dậy mỗi sáng. Nó có thể liên quan đến các rối loạn khác nhau. Thường không có gì lo lắng quá mức, nhưng đôi khi tiềm ẩn bệnh đòi hỏi phải điều trị ngay lập tức.

Một số nguyên nhân gây tiêu chảy buổi sáng

Hội chứng ruột kích thích: Hội chứng ruột kích thích (IBS) chiếm tỷ lệ cao nhất của chứng tiêu chảy buổi sáng. IBS xảy ra khi ruột già và ruột non co bóp bất thường. IBS cũng có thể xảy ra do một số thói quen ăn uống không lành mạnh và do phản ứng dị ứng với thực phẩm. Rối loạn này thường được điều trị bằng cách thay đổi thói quen ăn uống như ăn sớm hơn vào buổi tối, dùng nhiều thức ăn tự nhiên hơn và giảm lượng muối ăn vào. Bên cạnh đó, ăn chuối và yaourt làm tăng sự ổn định của phân, do đó giúp điều trị hiệu quả IBS.

Do nhiễm vi khuẩn và virut:  Nhiễm khuẩn này có thể là do thực phẩm bị ô nhiễm. Nguyên nhân phổ biến nhất là do vi khuẩn E.coli và ngộ độc thực phẩm. Nôn mửa và tiêu chảy do nhiễm vi khuẩn và virut có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày. Tuy nhiên, có những trường hợp các triệu chứng chỉ xuất hiện vào buổi sáng, đặc biệt là khi cơ thể phản ứng với thực phẩm ăn vào đêm trước hoặc nếu nhiễm khuẩn nhẹ.

Ngăn chặn chứng tiêu chảy buổi sángLạm dụng rượu bia buổi tối hôm trước có thể gây tiêu chảy sáng hôm sau.

Bệnh viêm ruột: IBD là một chứng bệnh mạn tính gây ra do viêm thành ruột. Các loại IBD chính là viêm loét đại tràng và bệnh Crohn. Cả hai loại IBD vừa nêu đều gây ra tiêu chảy có máu, nước hoặc có chất nhầy trong phân. Tiêu chảy xảy ra trong các đợt tấn công cấp tính hoặc giai đoạn nặng hơn của bệnh. Tiêu chảy có thể không nặng vào buổi sáng nhưng nó sẽ bắt đầu khi bệnh nhân thức dậy. Các trường hợp tiêu chảy nặng sẽ khiến bệnh nhân thức dậy nhiều lần vào ban đêm để đi đại tiện.

Nhiễm ký sinh trùng hoặc nấm Candida: Tiêu chảy buổi sáng là hệ quả thường gặp của nhiễm ký sinh trùng hoặc nấm Candida. Ngoài ra còn có một số ký sinh trùng gây ra tiêu chảy, bao gồm Giardia lamblia, Cryptosporidium và Entamoeba histolytica. Các triệu chứng khác của Candida và ký sinh trùng bao gồm táo bón, dị ứng thực phẩm và mệt mỏi.

Sử dụng chất gây nghiện: Uống nhiều rượu, bia và sử dụng nhiều nicotine gây kích ứng ruột. Hầu hết mọi người lạm dụng các chất này vào buổi tối trong các cuộc giao lưu và sau đó có thể bị tiêu chảy vào buổi sáng khi thức dậy.

Phản ứng thuốc: Các loại thuốc như kháng sinh có thể gây ra tiêu chảy buổi sáng. Tiêu chảy liên quan đến kháng sinh có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, tiêu chảy đầu buổi sáng xảy ra bởi vì các cơ quan nội tạng bắt đầu hoạt động khi chúng ta thức dậy.

Mang thai: Mang thai làm tăng nồng độ kích thích tố như HCG và hormon estrogen. Sự gia tăng các hormon  này gây ra chứng ốm nghén và có thể dẫn đến tiêu chảy buổi sáng sớm.

Căng thẳng tinh thần: Nhu động ruột giảm đi khi thư giãn hoặc ngủ. Nhưng nhu động ruột tăng lên khi thức dậy với cảm xúc mãnh liệt, có thể là lý do gây tiêu chảy buổi sáng. Tuy nhiên điều này sẽ giảm khi tình huống căng thẳng được giải quyết.

Mất cân bằng điện giải và mất nước: Chất điện giải là các khoáng chất tích điện như: magiê, phosphate, natri, kali, clo và canxi. Khi các chất điện giải trở nên quá cao hoặc quá thấp trong cơ thể, có thể dẫn đến mất nước. Các triệu chứng như tiêu chảy, táo bón và chuột rút liên quan đến mất nước và mất cân bằng điện giải.

Nguyên nhân khác: Sự thay đổi nhịp sinh học vào buổi sáng. Các hoạt động thể dục thể thao cường độ cao. Ăn bữa sáng ngay sau khi thức dậy có thể làm phản xạ tống phân tăng lên và dễ gây ra tiêu chảy. Tiêu chảy buổi sáng thường gặp ở những người không dung nạp lactose sau khi uống sữa và người bị hấp thụ kém fructose sau khi uống nước ép trái cây.

Các cách tự nhiên để ngăn tiêu chảy buổi sáng

Probiotic: Probiotic là những vi khuẩn hữu ích được dùng để khôi phục hệ vi sinh vật ruột, quan trọng nhất là Bifidobacterium bifidum và Lactobacillus acidophilus. Probiotic có thể có tác dụng bảo vệ chống lại các nhiễm khuẩn tiêu hóa, bao gồm cả Rotavirus và Clostridium difficile. Bổ sung probiotic có thể ngăn ngừa tiêu chảy gây ra do kháng sinh và thúc đẩy phục hồi chức năng ruột.

Bệnh viêm loét đại tràngBệnh viêm loét đại tràng.

Phát hiện và loại bỏ thực phẩm gây dị ứng: Một số thực phẩm nhất định có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng tiêu hóa ở một số người. Đó là lý do tại sao việc xác định thực phẩm nào có thể là những yếu tố kích thích tiềm ẩn và loại bỏ chúng là cần thiết.

Thảo mộc chứa Berberine: Cây có chứa berberine có giá trị trong điều trị tiêu chảy lây nhiễm. Trong các nghiên cứu lâm sàng, berberine đã được tìm thấy có hiệu quả chống tiêu chảy gây ra bởi ký sinh trùng, E. coli, shigellosis, cholera, và ngộ độc thực phẩm.

Bổ sung khác: Các chất bổ sung khác có thể hỗ trợ điều trị bệnh tiêu chảy bao gồm enzyme tiêu hóa, than hoạt tính, L-glutamine, lactase, vitamin C và vitamin A.

Ngoài ra, giảm lượng thức ăn và thức uống gây kích thích, bao gồm thức ăn cay, rượu, sữa, đồ uống chứa caffein và chất làm ngọt. Bù đủ nước và chất lỏng khác khi tiêu chảy vào buổi sáng lặp lại hàng ngày. Một số loại tinh dầu có tính chống co thắt ruột giúp giảm bớt chứng đau bụng và tiêu chảy hàng ngày, bao gồm dầu chanh, hoa oải hương và dầu hoa cúc.


BS. Hoài Châu
Ý kiến của bạn