Ngày nay, khi đời sống kinh tế, xã hội phát triển, việc tăng cân quá mức trong thai kỳ cũng dẫn đến nhiều nguy cơ không tốt cho sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Những phụ nữ tăng cân quá mức khi mang thai phải đối mặt với việc sinh nở khó, nguy cơ tai biến sản khoa, tình trạng béo phì sau sinh là tất yếu xảy ra và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch...
Ảnh hưởng của việc tăng cân khi mang bầu
Đối với thai phụ, sự tăng cân của các bộ phận trong cơ thể trong thai kỳ như sau: trẻ: 3.300g; bánh rau: 700g; nước ối: 900g; tuyến vú: 500g; trọng lượng tử cung: 900g; thể tích máu: 1.300g; mỡ cơ thể: 2.300g; mô và dịch cơ thể: 1.800g - 3.200g.
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, do bị nghén, có nhiều bà mẹ ít tăng cân hoặc không tăng cân nhưng nhìn chung vẫn tăng được khoảng từ 1 - 2kg. Trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ: Với phụ nữ có cân nặng bình thường trước khi mang thai: mức độ tăng cân duy trì 0,4kg/tuần. Với phụ nữ có cân nặng thấp: mức độ tăng cân duy trì 0,5kg/tuần. Với phụ nữ thừa cân: mức độ tăng cân duy trì 0,3kg/tuần. Các nhà chuyên môn cho rằng trong 3 tháng đầu của thai kỳ, người mẹ nên tăng 1 - 2kg; 3 tháng giữa tăng 4 - 5kg; 3 tháng cuối tăng 5 - 6kg.
Tăng cân trong khi mang thai phụ thuộc vào tình trạng của người mẹ, không có thai kỳ nào giống thai kỳ nào, cũng không có người phụ nữ nào giống nhau hoàn toàn. Thai phụ có cân nặng trung bình, khi mang thai nên tăng khoảng 12 - 15kg. Thai phụ gầy khi mang thai nên tăng 13 - 18kg. Trường hợp thai phụ thừa cân (béo), khi mang thai nên tăng khoảng 8 - 12kg. Thai phụ mang song thai thì nên tăng 18 - 21kg. Nếu để tăng cân quá mức cần thiết trong thai kỳ thì thai phụ có nguy cơ thừa cân so với chỉ số cân nặng cơ thể và kích thích chứng béo phì khó kiểm soát sau sinh.
Phụ nữ sau sinh cần có chế độ ăn uống khoa học, vận động hợp lý để giảm cân. Ảnh: TM
Để cải thiện cơ thể, tránh béo phì sau sinh
Ít vận động và việc bồi dưỡng nhiều thức ăn bổ dưỡng trước và sau sinh khiến các thai phụ vẫn tiếp tục tăng cân. Do vậy, phụ nữ sau sinh cần lựa chọn cho mình phương pháp phù hợp nhất để giảm cân bằng chế độ ăn uống khoa học và cân bằng, vận động hợp lý.
Vận động sau sinh: Theo nghiên cứu của y học hiện đại, trừ những sản phụ bị băng huyết hoặc sinh mổ, sau khi sinh 6 tiếng là có thể vận động được. Sau khi sinh, tùy từng thể trạng, khi cơ thể hết đau, sản phụ đã có thể bắt đầu với các bài tập nhẹ nhàng như nằm ngửa co duỗi chân, thực hiện động tác đạp xe trong không khí, hít thở - thở sâu, đếm đến 8 thì từ từ thở ra. 2 ngày sau khi sinh, sản phụ đã có thể đi lại nhẹ nhàng, 1 tuần sau khi sinh có thể di chuyển gần như bình thường, 1 tháng sau sinh đã có thể bắt đầu tập luyện. Nên tập những bài tập nhẹ nhàng, từ từ tăng dần thời gian cũng như cường độ tập luyện. Nếu tập mạnh hoặc quá sức sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Sản phụ cũng nên tập luyện khi ngực không bị căng sữa, thường là sau cữ bú. Điều quan trọng là cần kiên nhẫn trong khi tập luyện.
Dinh dưỡng khoa học, hợp lý: Trong mấy tháng đầu cho con bú, sản phụ sẽ rất nhanh đói và khát nước hơn bình thường, tuy nhiên, không nhất thiết sản phụ phải ăn uống thật đặc biệt nhưng phải xác định hấp thụ đủ canxi, sắt, các vitamin và chất khoáng. Chế độ ăn phải đảm bảo cung cấp đủ cho cơ thể các chất dinh dưỡng cần thiết để tạo nguồn sữa cho con bú là chế độ ăn có nhiều rau tươi và hoa quả, nhiều tinh bột và nhiều chất đạm, giảm bớt năng lượng nạp vào cơ thể, đặc biệt là chất béo từ mỡ động vật. Uống đủ nước, ít nhất là 2 lít nước mỗi ngày. Chia nhỏ các bữa ăn, thực hiện cân bằng giữa nhiệt lượng hấp thụ và nhiệt lượng tiêu hao.
Tránh stress, trầm cảm sau sinh: Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng stress là thủ phạm lớn nhất làm tăng cân; nó không chỉ gây hại cho nhiều bộ phận cơ thể mà còn làm tăng cân vùng bụng. Với cùng một chế độ ăn giàu năng lượng, người bị stress có thể tăng gấp 2 lần trọng lượng so với những người không stress. Stress có thể làm chậm quá trình trao đổi chất. Stress làm cho cơ thể sản xuất ra nhiều cortisol làm cho người ta thèm ăn, ăn nhiều và lâu dài cơ thể phát phì và sinh ra béo bụng…Do vậy, sản phụ cần tạo cho mình có một cuộc sống vui vẻ, hài hòa, phù hợp, tinh thần thoải mái, giảm căng thẳng, bớt lo lắng, tránh tối đa những xung đột, stress trong công việc và trong cuộc sống.