Ngăn chặn bệnh tai khi đi bơi

18-07-2017 06:46 | Đời sống

SKĐS - Mùa hè là mùa du lịch, mùa vui chơi, được đi nghỉ mát, tắm biển và bơi lội thỏa thích. Bơi là một hình thức tập luyện thể dục tuyệt vời và cực kỳ thư giãn.

Nhưng trong khi bơi nếu không được bảo vệ thích hợp, nước xâm nhập vào tai, tồn đọng và bị mắc kẹt bên trong ống tai tạo cơ hội phát triển các bệnh tai của người bơi. Viêm tai ngoài cấp tính là bệnh thường gặp ở người hay bơi lội. Để ngăn chặn tình trạng này, chúng ta cần biết một số cách xử trí cơ bản.

Các triệu chứng bệnh tai ở người đi bơi lội

Bệnh tai khi đi bơi biểu hiện từ mức độ nhẹ đến nghiêm trọng. Các triệu chứng nhẹ bao gồm da có màu ửng đỏ; ngứa nhẹ; đau khi chạm vào hoặc kéo tai. Các triệu chứng trung bình bao gồm có rất nhiều vết đỏ trong da ống tai; tăng đau tai; ngứa nặng; chảy nước hoặc mủ tai. Triệu chứng nghiêm trọng bao gồm đau không chịu nổi có thể khu trú ở tai hoặc có thể lan tới hàm, mặt, đầu và cổ; nghẽn ống tai hoàn toàn; sốt; sưng đỏ và sưng lan ra tai ngoài; sưng hạch bạch huyết ở vùng cổ.

Ngăn chặn bệnh tai khi đi bơiBơi là một cách tập luyện thể dục tuyệt vời nhưng nếu không được bảo vệ thích hợp, nước xâm nhập tai, tồn đọng và bị mắc kẹt bên trong ống tai tạo cơ hội phát triển các bệnh tai.

Cách gì ngăn chặn bệnh?

Tránh kích ứng tai: Nhiều người trong chúng ta có thói quen nhét vào ống tai chồi bông và các đồ vật khác. Đây không phải là một thói quen lành mạnh và nên tránh bằng mọi giá. Điều này có thể gây kích thích lớp niêm mạc của ống tai và làm cho nó dễ bị nhiễm khuẩn hơn. Điều tốt nhất là vệ sinh tai ngoài bằng khăn mềm và không bao giờ chèn bất kỳ thứ sắc bén nào vào tai.

Chắc chắn rằng bơi trong nước sạch: Để tránh bị nhiễm khuẩn tai khó chịu, cố gắng hết sức để bơi trong nước sạch. Bơi trong nước nhiễm bẩn có số lượng vi khuẩn cao có thể dẫn đến nhiều bệnh nhiễm khuẩn. Luôn đảm bảo kiểm tra chất lượng nước là an toàn và tránh bơi khi nghi ngờ về ô nhiễm môi trường nước.

Rửa khô và sạch sẽ sau khi bơi: Sau khi bơi, nghiêng đầu sang hai bên để tai có thể ráo nước. Hãy tắm sau đó và lau tai. Bạn có thể sử dụng khăn sạch hoặc máy sấy tóc để làm khô hoàn toàn tai. Điều này làm giảm nguy cơ bị nhiễm khuẩn tai. Có một số lời khuyên nên dùng một ít rượu để làm khô tai nhưng đừng lạm dụng nó. Việc sử dụng cồn quá nhiều làm nhạy cảm da của tai có thể dẫn đến nhiễm khuẩn.

Chăm sóc da tai: Da trong ống tai có nhiệm vụ ngăn ngừa bất kỳ loại nhiễm khuẩn nào để duy trì sự toàn vẹn của ống tai. Nếu da trong ống tai bị hư hỏng, khô hoặc nứt, là yếu tố làm dễ cho nhiễm khuẩn. Các bệnh lý da như eczema và viêm da có thể ảnh hưởng đến vùng da khu vực này và có nhiều cơ hội phát triển bệnh tai của người bơi lội.

Chú ý đến ráy tai: Ráy tai có tác dụng để bảo vệ tai khỏi bị nhiễm khuẩn. Ráy tai đẩy nước và không cho phép nước tồn đọng trong ống tai. Nhưng quá nhiều ráy tai có thể dẫn đến tắc nghẽn ống tai, nếu có tình trạng ráy tai gây tắc nghẽn nặng bạn nên đến bác sĩ chuyên khoa để giải quyết.

Một số biện pháp khác: Cẩn thận khi sử dụng các sản phẩm làm tóc như thuốc nhuộm tóc hoặc xịt tóc. Các sản phẩm này chứa rất nhiều chất hóa học và có thể gây kích ứng da gây ra phản ứng dị ứng và nhiễm khuẩn. Để ngăn những hóa chất này đi vào tai, bạn có thể sử dụng bông nút tai trong khi nhuộm tóc hoặc xịt tóc. Những người sử dụng máy trợ thính cần phải cẩn thận hơn vì có thể đẩy ráy tai vào sâu hơn. Nếu bạn nghĩ mình bị ráy tai quá mức hoặc có bất kỳ bệnh nào trên da ống tai, hãy tham khảo ý kiến chuyên gia tai mũi họng.

Ngăn chặn bệnh tai khi đi bơiCần chăm sóc tai đúng cách để tránh bị viêm nhiễm.

Một số cách xử trí bệnh tai khi đi bơi

Áp tai với khăn nóng và khô: Áp tai vào một khăn nóng và khô có thể giảm đau và rất hữu ích để kiểm soát các triệu chứng. Có thể làm nóng khăn trong lò vi sóng, đặt khăn trong túi niêm phong và kiểm tra nhiệt độ trước khi áp vào tai để tránh bị bỏng. Hãy cẩn thận nếu áp dụng cho trẻ nhỏ.

Hỗn hợp rượu và giấm: Trộn một ít giấm trắng và cồn 70% với lượng bằng nhau và làm ấm lên một ít. Nhiệt độ của hỗn hợp phải ở cùng nhiệt độ với cơ thể. Nhỏ hỗn hợp vào bên trong tai bằng một ống tiêm và để chất lỏng chảy ra. Hãy cẩn thận khi làm việc này và đừng cố gắng nếu có dấu hiệu nhiễm khuẩn tai nặng.

Liên hệ với bác sĩ tai mũi họng nếu bạn mắc bệnh đái tháo đường hoặc bất kỳ tình trạng sức khỏe tiềm ẩn nào khác. Cần tới cơ sở y tế ngay nếu có nhiều vết đỏ, sưng, chảy máu hoặc sốt. Chóng mặt, mất thính lực, yếu các cơ mặt cũng là các dấu hiệu cảnh báo và cần được chuyên gia đánh giá ngay.

Kháng sinh có thể được sử dụng để điều trị nhiễm khuẩn tai nặng dưới dạng thuốc nhỏ tai, đường uống hoặc tiêm. Những người bị suy giảm miễn dịch, có loét trong ống tai, đái tháo đường hoặc bất kỳ bệnh nặng khác cần được chăm sóc đặc biệt và điều trị các bệnh đi kèm. Phẫu thuật, thủ thuật áp tai được khuyến cáo trong những trường hợp rất nghiêm trọng để lấy sạch mủ và làm sạch ống tai.


BS. Nguyễn Hải Lê
Ý kiến của bạn
Tags: