Hà Nội

Ngăn chặn bạo lực học đường: Cần thiết lập quy trình an toàn 24/24 cho con

18-04-2023 15:37 | Thời sự
google news

SKĐS - Qua sự việc học sinh lớp 10 ở Nghệ An tự tử nghi do bị bạo lực học đường, các chuyên gia giáo dục cho rằng, mỗi khi học sinh có chuyện gì ấm ức hay buồn chán, gia đình và thầy cô cần phân tích đúng - sai, giải tỏa sớm.

"Sống" cùng xúc cảm, tâm lý của các con chứ không phải ngồi trong phòng chờ các con đến

Chia sẻ với PV báo Sức khỏe&Đời sống về vụ việc này, cô Nguyễn Kim Anh (giáo viên Phòng Tư vấn học đường Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội) cho rằng, trẻ tự tử ở lứa tuổi học đường là điều vô cùng đau xót. Nếu không được tư vấn tâm lý học đường đúng cách và kịp thời, học sinh có thể dần trở nên khép kín, tách biệt với xã hội nếu gặp phải các vấn đề sang chấn. Bên cạnh đó, tự sát được đánh giá là hệ lụy nghiêm trọng nhất, bởi khi không được chia sẻ, thấu hiểu sẽ khiến các em dần trở nên bế tắc và tuyệt vọng, lâu dần nảy sinh ý định tự sát để tự giải thoát cho chính mình.

Theo cô Nguyễn Kim Anh, không phải tự nhiên mà công tác tư vấn tâm lý học đường lại trở thành một trong các lĩnh vực quan trọng và được nền giáo dục đặc biệt quan tâm. Thực tế nhận thấy rằng, nhiều giáo viên, phụ huynh thường lơ là và quên mất rằng học sinh là lứa tuổi vô cùng nhạy cảm, các con ở độ tuổi đang có biến động về tâm lý.

Đặc biệt, học sinh từ 12 đến 18 tuổi phải đối mặt với khá nhiều khó khăn trong học tập lẫn cuộc sống. Trong giai đoạn này các em phải tiếp nhận sự thay đổi lớn về mặt cơ thể và cả trong suy nghĩ và tính cách. Đây là giai đoạn các em chưa trưởng thành nhưng cũng không còn là trẻ con. Những nhận thức và cảm xúc của các em trong giai đoạn này chưa thật sự chín chắn và có thể sai lệch nếu không có sự quan tâm và giúp đỡ từ phía gia đình và nhà trường.

Các em rất nhạy cảm với việc bị bố mẹ la mắng hay trách móc, các em dễ nổi nóng, bốc đồng và thiếu suy nghĩ trong lời nói và hành động… Ngoài ra, các em trong độ tuổi này cũng rất thích chứng tỏ bản thân, tập làm "người lớn" và thích khám phá mọi thứ xung quanh mình.

Ngăn chặn bạo lực học đường: Cần thiết lập quy trình an toàn 24/24 cho con - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Việc các em dùng bạo lực ở độ tuổi này không chỉ là cách giúp các em cảm thấy dễ chịu, giải tỏa những áp lực từ gia đình (sự kì vọng quá mức từ bố mẹ), áp lực học tập, thi cử hay áp lực về tương lai (giàu có, thành đạt) mà còn giúp các bạn khẳng định vị trí của mình với mọi người, chứng tỏ bản lĩnh với những đứa trẻ đồng trang lứa. Vì thế đã khiến bạo lực học đường diễn ra mạnh mẽ và rầm rộ hơn.

Cô Kim Anh cho biết, quá trình tư vấn tâm lý học đường cho học sinh không chỉ giúp các em giải quyết được những vấn đề đang gặp phải mà còn hỗ trợ cải thiện tốt các mối quan hệ giữa con cái với cha mẹ, học trò với thầy cô, giữa bạn bè với nhau… Phương pháp này sẽ giúp cho học sinh tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc trong quá trình học tập cũng như cuộc sống. Các em sẽ cảm thấy thoải mái, dễ chịu, giảm bớt các căng thẳng, mệt mỏi, áp lực để giúp cho việc học tập hiệu quả hơn, cuộc sống cũng được cân bằng và vui vẻ.

"Tại Trường THPT Phan Huy Chú – Đống Đa, giáo viên chủ nhiệm chính là nhà tâm lý tốt nhất của học sinh chứ không phải chỉ ở phòng tâm lý học đường. Phòng tâm lý nào cũng bắt đầu từ giáo viên chủ nhiệm, mỗi giáo viên chủ nhiệm chính là một nhà tâm lý, một người thân của học sinh.

Phòng Tư vấn học đường Trường THPT Phan Huy Chú không áp dụng sư phạm uy quyền mà áp dụng sư phạm dân chủ nên học sinh luôn cảm thấy ấm áp và thoải mái. Mỗi khi học sinh có chuyện gì đó ấm ức, không vui có thể chia sẻ với thầy cô để được phân tích đúng - sai và giải tỏa sớm. Như vậy mọi chuyện sẽ qua đi rất nhanh và các con học sinh sẽ trở lại học tập vui chơi bình thường một cách hồn nhiên".

Cũng theo cô Kim Anh, có những sự việc không thể nắm ngay được, biết hết nhưng mà không thấu, hết của sự việc chứ không phải hết của tâm lý. Ví dụ như còn có những việc dài lâu mà có con bị ẩn ức như do hoàn cảnh gia đình bố mẹ ly hôn hay giữa bố mẹ và con cái không có tiếng nói chung - những trường hợp này thì sau 3 năm học vẫn thỉnh thoảng đến trường và mong thầy cô quan tâm.

"Việc của Phòng tư vấn học đường là sẽ phát hiện sớm những khó khăn của các em trong học tập, quan hệ bạn bè, những đụng độ, căng thẳng để ngăn chặn ngay lập tức. Các thầy cô ở phòng tư vấn tâm lý sẽ chủ động hiểu, "sống" trong cùng xúc cảm, tâm lý của các con chứ không phải ngồi trong phòng chờ các con đến".

Thầy cô và phụ huynh nên bày tỏ sự đồng cảm, cởi mở với học sinh

PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết: "Khi xem thông tin trên báo nói nữ sinh tự tử nghi do bị bạo lực học đường, cảm xúc của cá nhân tôi là tức giận trước sự tắc trách của người lớn. Cả gia đình và nhà trường chưa hành động vấn đề đến nơi đến chốn và không bảo vệ được nữ sinh này".

Theo PGS.TS Trần Thành Nam, một đứa trẻ nếu bị bạo lực học đường thì cần phải thiết lập quy trình an toàn 24/24 cho con, gia đình và nhà trường cần kết hợp để có các biện pháp chấm dứt ngay việc bị bạo hành. Cần xem xét con bị tổn thương tâm lý như thế nào sau khi bị bạo hành? Con có biểu hiện của trầm cảm, có suy nghĩ tự sát hay không? Sau khi vụ việc bạo hành đã được con tiết lộ rồi thì cần hỏi con để biết tình hình con có bị bạo hành tiếp không? Đã được cải thiện chưa?... để có cách thức hỗ trợ con tiếp theo.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS. Nguyễn Hồng Thuận - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học - Giáo dục học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, học sinh lớp 10 đang ở trong giai đoạn lứa tuổi chuyển đổi tâm sinh lý nên rất dễ bị tổn thương, dễ bị sang chấn và khủng hoảng về tâm lý, tình cảm.

Học sinh ở độ tuổi này thường thiếu các kỹ năng sống cơ bản như: kỹ năng kiểm soát cảm xúc, kỹ năng giao tiếp - hợp tác, kỹ năng giải quyết vấn đề...  khi gặp khó khăn trong học tập, em đã không biết chia sẻ và tìm sự trợ giúp, nên đã dẫn đến những quyết định và hành động rất đáng tiếc. Ngoài ra, có thể còn những nguyên nhân khác mà chúng ta cần tìm hiểu thêm khi bạn học sinh này lại có hành động như trên.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Thuận cho rằng, để xảy ra sự việc đau lòng như thế này thì cha mẹ, nhà trường chưa thực sự đồng hành, đưa ra phương pháp hay tạo cơ hội để học sinh có thể chia sẻ được những lúng túng, thậm chí là những bế tắc của học sinh khi giải quyết những khó khăn trong học tập, tình cảm hoặc quan hệ bạn bè. "Nhà trường, thầy cô giáo và phụ huynh nên bày tỏ sự đồng cảm, cởi mở thì các em mới có thể bày tỏ suy nghĩ cũng như lo lắng của mình".

Chuyên gia đưa ‘kế sách’ giải quyết vấn nạn bạo lực học đườngChuyên gia đưa ‘kế sách’ giải quyết vấn nạn bạo lực học đường

SKĐS - Theo GS. Peck Cho, bạo lực học đường ở Việt Nam nếu so sánh với Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ hay châu Âu thì mới đang ở giai đoạn bắt đầu và nhiều khả năng những năm tiếp theo sẽ còn tệ hơn.


Đỗ Vi (thực hiện)
Ý kiến của bạn