Hà Nội

Ngăn biến chứng do sỏi bàng quang

06-10-2014 14:00 | Y học 360
google news

SKĐS - Sỏi bàng quang (SBQ) là bệnh xảy ra chủ yếu ở người 50 tuổi trở lên (chiếm khoảng 1/3 các trường hợp có sỏi ở hệ tiết niệu), nam gặp nhiều hơn nữ.

Sỏi bàng quang (SBQ) là bệnh xảy ra chủ yếu ở người 50 tuổi trở lên (chiếm khoảng 1/3 các trường hợp có sỏi ở hệ tiết niệu), nam gặp nhiều hơn nữ. Bệnh gây nhiều biến chứng phức tạp, ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt của người bệnh.

Biểu hiện và đối tượng mắc bệnh

Người bệnh có biểu hiện đau bụng dưới (ở nam giới đau hoặc khó chịu trong dương vật), đi tiểu đau, hay đi tiểu, đặc biệt là vào ban đêm, tiểu khó hoặc bị gián đoạn dòng chảy của nước tiểu, rò rỉ nước tiểu, nước tiểu sẫm màu (có máu). SBQ có thể do sỏi từ thận, niệu quản theo nước tiểu đi xuống hoặc sỏi được hình thành ngay tại bàng quang do hiện tượng ứ đọng nước tiểu trong bàng quang. SBQ hay gặp ở người uống ít nước, ngại đi tiểu, không có thời gian để đi tiểu (u xơ tiền liệt tuyến, chít hẹp niệu đạo, công tác văn phòng bận rộn,...) hoặc do bàng quang có dị tật (túi thừa bàng quang). Hoặc có thể gặp ở người đã từng thông niệu đạo, bàng quang (do bí đái, tắc đái ở bệnh nhân hẹp niệu đạo, u tuyến tiền liệt, chít hẹp cổ bàng quang); hoặc sau phẫu thuật đường tiết niệu, thông niệu đạo, thăm dò bàng quang. SBQ cũng có thể được hình thành do quá trình người bệnh sử dụng thuốc điều trị các bệnh khác có nhiều chất làm kết tủa, lắng đọng gây ra sỏi (vitamin C, canxi,...).

Nên uống đủ 2 lít nước một ngày phòng sỏi bàng quang.

Nên uống đủ 2 lít nước một ngày phòng sỏi bàng quang.

SBQ gây nhiều biến chứng phức tạp

Cần lưu ý SBQ có nhiều triệu chứng giống với bệnh của tiền liệt tuyến (nam giới), u bàng quang, lao bàng quang, ung thư bàng quang (tiểu dắt, khó, són tiểu, tiểu đục, đau vùng hạ vị, thậm chí tiểu ra máu), gặp khá nhiều ở người cao tuổi, cả hai giới. Khi sỏi to sẽ chèn ép, bít tắc chỗ nối bàng quang và niệu đạo gây đau buốt vùng hạ vị, bộ phận sinh dục, tầng sinh môn, thậm chí có thể bí tiểu hoàn toàn và do tắc niệu đạo bởi sỏi rơi xuống hoặc nhiễm khuẩn cấp tính làm nước tiểu ứ lại trong bàng quang gây căng phồng, được gọi là “cầu bàng quang” ở trên xương mu.

Một biến chứng nguy hiểm là viêm thận do nhiễm khuẩn ngược dòng (vi sinh vật từ niệu đạo lên bàng quang và từ bàng quang lên thận qua hai niệu quản gây viêm thận). Nếu không được chẩn đoán và điều trị sớm sẽ dẫn đến biến chứng viêm bàng quang (cấp, mạn tính) hoặc teo bàng quang... lâu ngày có thể gây suy thận.

Rò bàng quang là một biến chứng rất phức tạp bởi vì nước tiểu sẽ chảy vào tầng sinh môn hoặc âm đạo gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt và lâu ngày gây nhiễm khuẩn. Ngoài ra, người bị SBQ cũng có nguy cơ cao bị ung thư bàng quang do hóa chất hoặc các đối tượng gây ra kích thích kinh niên của thành bàng quang, bao gồm sỏi bàng quang.

Phòng SBQ bằng cách nào?

Để phòng bệnh SBQ, cần tuân thủ điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ. Khi nghi ngờ có SBQ, đặc biệt nếu thấy đái buốt, dắt, đục, thậm chí có máu cần đi khám bệnh sớm để được điều trị kịp thời.

Cần uống nhiều nước (khoảng 1,5 - 2 lít/ngày, bao gồm cả nước có trong thức ăn, trái cây), không nên nhịn tiểu. Cần tập thể dục đều đặn, tốt nhất là đi bộ để cơ co bóp bàng quang được hoạt động, không dùng những thuốc gây lắng đọng cặn, canxi quá liều chỉ định của bác sĩ.

BS. Đặng Phương Linh

 


Ý kiến của bạn