Văn hóa đọc thời công nghệ
Sự lo lắng của người lớn đều có cơ sở, ví như ở Nhật, một khảo sát cho thấy thói quen đọc sách của sinh viên cần được hình thành từ thời học phổ thông. Theo đó, 53,1% sinh viên được hỏi cho biết họ không hề đọc, tăng 18,6% so với cách đây 5 năm và là lần đầu tiên vượt ngưỡng 50%. Khảo sát được thực hiện từ tháng 10-11/2017 đối với khoảng 10.000 sinh viên các trường đại học công và tư trên cả nước. Chỉ 4% cho biết họ có đọc, nhưng lần gần đây nhất là vào năm 2016.
Có thể khẳng định, tín hiệu lạc quan của ngành xuất bản có một phần quan trọng đến từ dân số trẻ và các mảng sách dành cho họ.
Có thể nói, lười đọc là căn bệnh chung của giới trẻ. Một giáo viên chia sẻ: “Lười đọc sách nên vốn từ ngữ của các em rất nghèo nàn, tố chất văn chương ngày càng kém. Khi chấm những bài thi, bài kiểm tra, tôi rất buồn vì những câu văn ngô nghê, cẩu thả, trích dẫn tác phẩm sai lệch, râu ông nọ cắm cằm bà kia... Ngay cả trong lời ăn tiếng nói hằng ngày, các em cũng nói chuyện cộc lốc, “đệm” tiếng Anh, tiếng Việt tùy tiện...”.
Máy tính bảng, điện thoại thông minh, máy tính xách tay... dường như đã trở thành biểu tượng của thế hệ trẻ từ nhiều năm nay. Với số đông dân số trẻ tuổi, đồ chơi công nghệ hiện đại là vật bất ly thân, gắn bó với họ trong phần lớn hoạt động làm việc, học tập và giải trí hàng ngày. Theo logic đó, việc đọc sách điện tử lẽ ra cũng phải ngày càng được ưa chuộng hơn là đọc sách giấy truyền thống. Nhưng kết quả khảo sát mới đây của các nhà khoa học thuộc Đại học Arizona (Mỹ) lại cho thấy thực tế không phải như vậy. Nghiên cứu được công bố vào tháng 4 vừa qua cho biết, các độc giả trẻ có thể vẫn thích ngồi cuộn tròn thoải mái đọc một cuốn sách giấy hơn là nhìn vào màn hình và sách điện tử, thậm chí còn hơn là so với những đối tượng lớn tuổi làm khảo sát cùng họ. Có thể nói đây là một tín hiệu vui, cho thấy văn hóa đọc truyền thống sẽ không bao giờ mất đi.
Người trẻ viết cho người trẻ đọc
Có thể khẳng định, tín hiệu lạc quan của ngành xuất bản có một phần quan trọng đến từ dân số trẻ và các mảng sách dành cho họ. Hội Sách TP.HCM diễn ra hồi đầu năm, sự kiện xuất bản năng động nhất trong cả nước, là minh chứng rõ ràng cho xu hướng này tại Việt Nam. Ngay từ những ngày trước và đầu hội sách, số đông độc giả đến đây lại là những người trẻ. Bên cạnh sách truyện chữ, Hội Sách TP.HCM cũng là không gian của truyện tranh với các tác giả được cộng đồng mạng yêu mến và đã xuất bản sách như Phan Cao Hà My, Phan Thành Trí, Nguyễn Huỳnh Bảo Châu... Điều đặc biệt, đây đều là những tác giả của truyện tranh dành cho giới trẻ chứ không phải thiếu nhi. Bên cạnh các tác phẩm lẻ là những dòng sách được lập ra để quy tụ những tác giả trẻ, độc giả trẻ như Sống của AlphaBooks (thương hiệu vừa ra mắt cuốn Bão lửa U23 viết về đội tuyển U23 Việt Nam), cuộc thi Người Việt viết sách của Saigon Books.
Theo BTC Ngày Sách Việt Nam thì Ngày Sách Việt Nam 2018 là dịp để tổng kết 5 năm tổ chức các hoạt động Ngày Sách Việt Nam (2014-2018) trên khắp cả nước, để từ đó, tới năm 2019 sẽ tôn vinh những tổ chức, cá nhân, sự kiện, hoạt động liên quan tới sách, những cuốn sách... có ý nghĩa, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng những người yêu mến sách trong và ngoài nước suốt thời gian qua.
Từ những kết quả hoạt động trên phạm vi toàn quốc thời gian qua cho thấy, Ngày Sách Việt Nam đã thực sự lan tỏa với quy mô ngày càng lớn, nội dung và hình thức các hoạt động ngày càng phong phú, đa dạng, thu hút được sự quan tâm của đông đảo người dân. Hội Sách năm 2018 có sự tham gia của gần 80 đơn vị xuất bản trong và ngoài nước, với quy mô trên 100 gian hàng cùng khoảng 50.000 tựa sách có các chủ đề đa dạng, phong phú, nhiều thể loại, nhiều lĩnh vực khác nhau: kinh tế, chính trị, khoa học kỹ thuật, công nghệ, giáo dục, văn hóa, xã hội, môi trường…
Nếu như trước đây, khái niệm “trẻ” trong ngành xuất bản Việt Nam là những tác giả 35-45 tuổi thì nay, “trẻ” nghĩa là từ 20 đến xấp xỉ 30 tuổi. Điều này khiến thế hệ đi trước hoài nghi về khả năng viết, trải nghiệm sống của lớp tác giả mới, nhưng họ vẫn ồ ạt ra sách và bán tốt, vì khó có ai nói lên tâm tư của giới trẻ thật như chính giới trẻ. Trong đó phải kể đến Bản kế hoạch hạnh phúc, Nụ hôn trong lòng tay và Ngoảnh nhìn ấu thơ, đây là 3 tập sách thuộc bộ sách Quà tặng trái tim mà NXB Kim Đồng vừa gửi đến độc giả trẻ tuổi.
Nếu như Bản kế hoạch của hạnh phúc là mười bốn câu chuyện nhỏ xinh về gia đình, ông bà, cha mẹ, anh chị em thì Nụ hôn trong lòng tay là mười lăm câu chuyện dẫn vào vùng đất của những rung động đầu đời và Ngoảnh nhìn ấu thơ là mười sáu câu chuyện về quãng thời gian đẹp nhất, hạnh phúc nhất của đời người: thời ấu thơ.
Với Bản kế hoạch của hạnh phúc, độc giả tìm thấy những chia sẻ vừa ngộ nghĩnh vui tươi, vừa hài hước, như “Hồi xưa mỗi lần đi họp phụ huynh, ba đều hỏi: “Ủa năm nay con học lớp mấy?”. “Hôm đó tôi thay đồ đi thi đại học, ba nhìn tôi rồi hỏi: “Ủa nay nghỉ học đi chơi hả”. Hay những suy tư có thể làm mắt bạn rơm rớm: “Điều buồn nhất là mình mãi giận những trận đòn roi năm nào, mà không nhận ra lưng bố đã còng, tay mẹ đã run, còn mình thì vì đòn đau mà đã nên người”.Sau mỗi câu chuyện, cuốn sách còn dành “đất” là những trang trống để bạn viết nên chính câu chuyện hay suy nghĩ của mình.
Mới đây, NXB Kim Đồng cũng vừa giới thiệu cuốn sách mới trong Tủ sách Làm cha mẹ, mang tên Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu của tác giả Phan Linh, một người mẹ đang sống và làm việc ở Na Uy, đất nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất trên thế giới. Trong cuốn sách, tác giả Phan Linh hé mở với độc giả những câu chuyện cảm động trong hành trình làm cha mẹ. Cô cũng dành nhiều trang để mô tả về cuộc sống của người Na Uy, quan điểm giáo dục trẻ em, những kiến thức đặc biệt quan trọng khi lần đầu làm mẹ. Phan Linh đã viết: “Không có định nghĩa chính xác nào về “nghề” làm cha mẹ. Cũng không có khái niệm hoàn hảo hay tuyệt đối về những ai làm cha mẹ. Chúng ta chỉ có thể lớn lên trong hành trình làm cha mẹ và cuộc phiêu lưu không đoán trước đang chờ đón tất cả chúng ta”.
Bằng việc chia sẻ những câu chuyện của bản thân trong suốt những ngày mang thai bé Ốc, những cảm xúc thành thật, những trải nghiệm quý giá khi ngắm nhìn đứa trẻ lớn lên mỗi ngày, Phan Linh truyền cảm hứng cho rất nhiều bà mẹ trẻ hiện đại niềm tin, sự vững tâm khi quyết định có con và nuôi dạy con một cách tử tế. Tác giả cũng đưa ra nhiều khuyến cáo về thông tin y tế, sức khỏe tràn lan trên mạng internet. Có rất nhiều nguồn chưa chính thống hoặc không có cơ sở thực tiễn được tác giả dành thời gian đọc, nghiên cứu, tìm tòi và sàng lọc để giúp các bà mẹ trẻ lần đầu nuôi con nhỏ trang bị kiến thức chu đáo, vững tâm hơn trong hành trình mới.
Có thể thấy, công nghệ dù phát triển đến mấy thì cái hồn của văn hóa đọc truyền thống vẫn không thay đổi giá trị. Nói cách khác, cuộc sống càng hiện đại, người ta càng biết nâng niu và trân quý cảm xúc - thứ mà công nghệ không bao giờ có thể chạm tới.