Ngẫm từ kỳ thi trung học phổ thông quốc gia

13-07-2017 16:03 | Thời sự

SKĐS - Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố điểm thi và phổ điểm các môn của kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) Quốc gia 2017, trong đó có hơn 4.200 bài thi đạt điểm 10.

Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) vừa công bố điểm thi và phổ điểm các môn của kỳ thi Trung học phổ thông (THPT) Quốc gia 2017, trong đó có hơn 4.200 bài thi đạt điểm 10. Con số này chiếm 0,082% trong hơn 5 triệu bài thi, lớn hơn 60 lần so với kỳ thi THPT Quốc gia 2016.

Trước “cơn mưa” điểm 10 như vậy, nhiều người hoài nghi về tính trung thực của những điểm số, hay cho rằng đề thi quá dễ, rồi lo lắng các trường đại học sẽ chọn sinh viên ra sao khi điểm các thí sinh đều cao chót vót… Cho đến khi Bộ GD-ĐT công bố phổ điểm thi, cho thấy, hầu hết các bài thi, môn thi đều có điểm trung bình từ khoảng 4,5 - 6,5 điểm, giá trị của điểm trung bình gần sát với điểm trung vị. Như vậy, điểm thi có sự đan xen giữa bộ phận thí sinh có điểm thi cực kỳ thấp và những thí sinh nào học toàn diện thì chắc chắn điểm cao. Đồng thời, thí sinh đã quen dần với hình thức thi trắc nghiệm. Số bài thi đạt điểm 10 chiếm 0,082%. Tỉ lệ này là bình thường, học sinh giỏi lại được ôn luyện kỹ, được làm quen trước kỳ thi với các bộ đề thi minh họa của Bộ GD-ĐT, cùng với sự hướng dẫn của thầy cô sẽ không quá khó để bài thi đạt điểm tuyệt đối. Thi trắc nghiệm mang tính chất khách quan lớn. Câu đúng, câu sai phân biệt rạch ròi. Chấm bằng máy nên không có chỗ cho cảm tính xen vào.

Chúng ta đạt được mục đích là kỳ thi nghiêm túc, gọn nhẹ, tiết kiệm nhưng để chọn lọc được học sinh xuất sắc theo đúng nghĩa thì chưa đạt. Có không ít ý kiến cho rằng, đề thi năm nay dễ, chưa phân loại được thí sinh, điều này chưa chính xác. Đề thi vừa rồi có câu dễ (nhận biết), câu thông hiểu thì quen thuộc. Có thể đề thi nặng về mục tiêu xét công nhận tốt nghiệp THPT? Điều này dẫn đến học sinh giỏi có nhiều thời gian hơn tập trung cho những câu vận dụng, vận dụng cao. Một số câu vận dụng cao có phương án gây nhiễu chưa hay nên thí sinh không khó để loại được phương án sai (điều này, các em hoàn toàn không thể làm được nếu thi theo hình thức tự luận và cả hình thức trắc nghiệm khách quan mà có câu điền khuyết, ghép đôi, đúng sai...).

Những năm gần đây, môn tiếng Anh được nhiều tỉnh thành, nhiều trường đề cao và có những giải pháp tăng cường dạy và học nhằm đào tạo ra những học sinh có khả năng ngoại ngữ tốt. Nhưng qua kỳ thi vừa rồi cho thấy, môn tiếng Anh vẫn là môn thi mà học sinh có điểm dưới trung bình khá cao, chiếm 69%. Dạy và học môn này cho những năm tới đây như thế nào - đó là điều các cơ sở giáo dục luôn trăn trở. Đề án Ngoại ngữ quốc gia đi hơn nửa chặng đường mà sự thay đổi như mục đích của đề án đặt ra ban đầu chưa đạt. Khi người thầy dạy tiếng Anh còn lúng túng trong giao tiếp với người nước ngoài, khi mà kỹ năng nghe đang là nỗi sợ hãi, ám ảnh của giáo viên tiếng Anh thì kết quả thi THPT Quốc gia bộ môn này vẫn là một gam màu xám…

Học sinh đạt điểm thi cao, xã hội vui mừng, cha mẹ phấn khởi, tự hào. Thế nhưng, tư duy của chính phụ huynh vẫn đang sa đà trong một nền giáo dục lấy thi cử làm trọng. Đành rằng có học thì phải có thi. Ai cũng mong Bộ GD-ĐT sẽ mang đến một kỳ thi chất lượng, phản ánh đúng năng lực của con em mình nhất. Thế nhưng, giữa những so đo thiệt hơn về điểm thi trên bài làm của các em, có lẽ chúng ta nên nhìn thẳng vào thực lực, vào nguyện vọng, vào cách lựa chọn tương lai của chính các em. Bất cứ điểm số nào có được cũng đều đáng quý. Nhưng có lẽ chúng chỉ thực sự có ý nghĩa khi là thành quả của những cố gắng, nỗ lực mà các em - những thanh niên tuổi 18 đang dần trưởng thành - đã làm để chịu trách nhiệm cho chính tương lai, cuộc đời mình chứ không phải là kết quả của sự may rủi hay đơn giản là “học vì sĩ diện gia đình”.

Kỳ thi THPT Quốc gia với 2 mục đích đã “đi” được nửa chặng đường. Liệu với kết quả điểm thi cao thì có đạt được mục đích thứ 2 là xét tuyển đại học? Trong vài ngày tới, Bộ GD-ĐT sẽ phân tích kết quả thi và sẽ xác định ngưỡng điểm đầu vào. Khi có số liệu đầy đủ để phân tích thì sẽ hình dung được điểm trúng tuyển vào các trường, điểm chuẩn vào các ngành khác nhau. Điều này phụ thuộc vào phổ điểm tổng hợp của 3 môn mà trường lựa chọn. Nếu việc phân bố đều, không bị dốc thì việc chọn điểm chuẩn sẽ thuận lợi hơn. Bởi vì khi ta tăng hoặc giảm nửa điểm thì số lượng thí sinh không tăng hoặc không giảm nhiều. Đó là điều mà các trường rất mong muốn để chọn được thí sinh phù hợp. Trong trường hợp phổ điểm bị “dốc” thì các trường buộc phải sử dụng các tiêu chí phụ để chọn học sinh sẽ vất vả hơn một chút. Đánh giá sơ bộ, nhiều khả năng phổ điểm năm nay sẽ không “dốc”. Các trường sẽ không khó tuyển sinh và thí sinh sẽ dễ lựa chọn được ngành học. Đó cũng là mong ước lớn nhất của cả đội ngũ những người làm trong ngành giáo dục và cha mẹ cũng như học sinh.


BÍCH HỒNG
Ý kiến của bạn