Sự tích kể lại rằng:
“Ngày xưa nơi vùng núi Tây Bắc, có cô gái xinh đẹp tên là Ban. Ban nết na, có giọng hát mê đắm lòng người. Biết bao chàng trai trong làng ngoài bản say đắm cô nhưng nàng đã trao hết tình cảm cho Khum. Khum là chàng trai siêng năng, chăm làm và giỏi săn bắn. Nhưng vì Khum nghèo, nên cha Ban chê chàng. Và có ý định gả Ban cho người con trai vừa gù vừa lười lao động của tạo mường. Một ngày, khi thấy cha cùng gia đình tạo mường bàn chuyện cưới xin. Ban liền chạy đến nhà người yêu để cầu cứu, tìm cách dừng chuyện này. Đúng lúc chàng Khum đi xa cùng cha, không có ở nhà. Trong lúc tuyệt vọng, nàng đành buộc lại chiếc khăn Piêu của mình vào cầu thang nhà Khum rồi bỏ đi băng đèo, vượt núi đi tìm chàng. Cuối cùng, khi sức lực đã cạn kiệt, nàng gục ngã và chết trên núi. Nơi nàng chết sau mọc lên loài cây có hoa trắng buốt khi nở rộ độ xuân về. Dân mường gọi loài hoa này là hoa ban tượng trưng cho tình yêu thủy chung của đôi lứa. Còn Khum sau khi trở về biết chuyện Ban đã bỏ đi tìm mình, cũng đi tìm nàng khắp các núi đồi. Cuối cùng, vì kiệt sức chàng cũng ngã xuống và chết, hóa thành một con chim, sống lẻ loi nơi rừng núi.”
Vì vậy, hằng năm, cứ độ xuân về hoa ban nở trắng vùng Tây Bắc, các chàng trai cô gái lại rủ nhau cùng đi chơi hội. Cùng nhau hát ca, múa xòe, hái hoa mừng xuân và thổ lộ tình cảm, đón nhận tình yêu đôi lứa. Thể hiện mong muốn có một tình yêu chung thủy sắt son như cặp đôi Khum và Ban.