Xã Thượng Lộc được xem là “thủ phủ” trồng cam của huyện Can Lộc với hơn 600 hộ trồng trên diện tích hơn 230 ha. Nơi đây nổi danh với đặc sản cam giòn, cam chanh.
Thời điểm này, các giống cam nơi đây bắt đầu chín. Theo người dân địa phương, năm nay cam đạt năng suất cao hơn năm trước, cùng với đó, giá bán ở mức cao khiến nông dân rất phấn khởi, kỳ vọng một mùa thu hoạch bội thu.
Gia đình bà Phan Thị Hiền (54 tuổi, trú thôn Anh Hùng) có gần 2.000 gốc cam giòn và cam chanh. Mỗi vụ, vườn cam này cho sản lượng 40 - 50 tấn xuất ra thị trường. "Vườn chúng tôi có hàng chục gốc cam gần 20 năm tuổi và có 2 gốc cam được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh gắn biển hiệu cây cam chanh đầu dòng. Ngoài việc thu hoạch quả, gia đình còn lấy mắt ghép để bảo tồn giống cây”, bà Hiền nói.
Hiện nay, với mức giá thu mua cùng sản lượng ở mức cao đưa lại thu nhập khá cho nhiều hộ gia đình trồng cam ở Thượng Lộc . Nhiều diện tích đất đồi cũng được người dân chuyển đổi trồng cam.
Những cây cam chanh cả chục năm tuổi với gốc to lớn, thân cành phủ đầy rêu phong.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh gắn biển hiệu cây cam chanh đầu dòng cho một số gốc cam cho chủ hộ.
Trồng cam theo hướng VietGAP và được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh từ năm 2019, sản phẩm cam chanh và cam giòn của bà Hiền đã khẳng định được thương hiệu. Mỗi năm 2/3 sản lượng được xuất vào hệ thống siêu thị Hà Tĩnh.
Theo những hộ trồng cam nơi đây, năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, cùng với việc bà con tỉ mẩn khâu chăm sóc, sản xuất theo hướng tuân thủ an toàn vệ sinh thực phẩm nên năng suất cam tăng khoảng hơn 20%, chất lượng cũng tăng cao.
Để tạo ra sản phẩm chất lượng, đặc trưng riêng của những gốc cam gắn mác “cổ thụ”, ngoài việc chủ động chăm sóc vườn cam mỗi ngày, người dân địa phương còn học hỏi thêm kỹ thuật trồng từ các lớp tập huấn, thường xuyên trao đổi với các chuyên gia nông nghiệp để kịp thời khắc phục các loại bệnh trên cam khi mới xuất hiện.
Để đảm bảo độ sạch, chủ vườn áp dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, dùng miếng dính sâu bọ.
Lãnh đạo UBND xã Thượng Lộc cho hay, năm nay sản lượng cam toàn xã đạt hơn 1.800 tấn, cho giá trị kinh tế hàng chục tỷ đồng. Cây cam vì thế trở thành cây trồng giúp người dân địa phương thoát nghèo.