Từ năm 2024 đến nay, cán bộ, nhân viên thú y thuộc Trung tâm bảo tồn voi, cứu hộ động vật và bảo vệ rừng Đắk Lắk (huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk) đã chăm sóc, điều trị thành công nhiều động vật quý hiếm như Tê tê Java, kỳ đà vân, khỉ, rùa núi… bị trọng thương do dính bẫy trong rừng sâu.
Đặc biệt, có những động vật bị thương nặng phần đầu, hoại tử các chân…phải mất nhiều ngày mới có thể giúp chúng thoát khỏi "cửa tử".
Theo lãnh đạo Phòng Cứu hộ động vật hoang dã (Trung tâm bảo tồn voi, cứu hộ động vật và bảo vệ rừng Đắk Lắk), có những động vật quý hiếm tưởng chừng khó có thể cứu được bởi bị thương quá nặng, hoại tử nhiều nơi trên cơ thể, sức khỏe suy kiệt.
Trước những tình huống như thế, nhiều cán bộ, nhân viên thú y phải dốc hết tâm sức cắt bỏ phần bị hoại tử, truyền nước, truyền chất đạm và theo dõi sát sao từng giờ… mới có thể giành lại sự sống cho chúng.
Ngày 6/5, ông Lê Văn Hồng, phụ trách Phòng Cứu hộ động vật hoang dã (Trung tâm bảo tồn voi, cứu hộ động vật và bảo vệ rừng Đắk Lắk) cho biết, trong năm 2024, đơn vị đã tiếp nhận, điều trị và chăm sóc thành công 14 cá thể động vật quý hiếm bị thương.
Từ đầu năm 2025 đến nay đã tiếp nhận 5 cá thể động vật quý hiếm (1 con Tê tê Java, 1 con khỉ mặt đỏ, 2 con khỉ đuôi dài, 1 con khỉ đuôi lợn), trong đó, có 1 con Tê tê Java bị nhiễm ký sinh trùng, hiện đã được điều trị khỏi bệnh.
"Chúng tôi đã xây dựng và ban hành quy trình phục hồi sức khỏe cho từng loài động vật cụ thể, đồng thời lập kế hoạch chăm sóc nhằm đáp ứng đầy đủ các nhu cầu về dinh dưỡng, chuồng trại, thú y và các yếu tố sinh lý của từng loài…
Cụ thể, các động vật bị thương mới tiếp nhận hay cứu hộ sẽ được khám sức khỏe tổng quát, phân loại và áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp cho đến khi nào khỏe mạnh hoàn toàn thì thả về tự nhiên", ông Hồng nói.
Dưới đây là chùm ảnh một số động vật quý hiếm được Phòng Cứu hộ động vật hoang dã (Trung tâm bảo tồn voi, cứu hộ động vật và bảo vệ rừng Đắk Lắk) phục hồi sức khỏe, điều trị vết thương thành công.

Con mèo rừng khi được giải cứu sức khỏe suy kiệt, sau một thời gian chăm sóc đã khỏe mạnh. Đây là động vật cấm săn bắn, buôn bán.

Một chú khỉ con có mẹ bị kẻ xấu bắn chết ngày 30/4.

Đến ngày 6/5, chú khỉ đã chịu uống sữa và được các cán bộ Phòng Cứu hộ động vật hoang dã (Trung tâm bảo tồn voi, cứu hộ động vật và bảo vệ rừng Đắk Lắk) chăm sóc đặc biệt.

Con kỳ đà vân có trọng lượng gần 1kg bị hoại tử chân trước, được chữa trị thành công. Đây là động vật nguy cấp, quý hiếm.

Một con khỉ bị thương nặng toàn bộ phần đầu, khó khăn trong đi lại nhưng sau một thời gian chữa trị đã có thể tự ăn uống, các hoạt động ngày càng nhanh nhẹn.

Một con Tê tê bị thương sau khi được điều trị khỏi đã ăn uống trở lại bình thường.

Tiêm thuốc cho động vật quý hiếm được giải cứu về chăm sóc tại Trung tâm bảo tồn voi, cứu hộ động vật và bảo vệ rừng Đắk Lắk. Trong ảnh là con cầy mực, loài động vật quý hiếm, ngày càng ít gặp.

Một chú rùa quý hiếm khi được giải cứu sức khỏe suy kiệt nhưng sau một thời gian được chăm sóc, phục hồi đã khỏe mạnh trở lại.

Một chú khỉ hoang dã lúc sập bẫy rất yếu ớt, sau một thời gian được điều trị thì ăn tốt, ngủ tốt.

Sau thời gian điều trị vết thương, mỗi loài động vật quý hiếm sẽ được cung cấp loại thức ăn chúng yêu thích.