Dự án mở rộng sân bay Điện Biên có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, gồm thi công kéo dài đường cất hạ cánh lên 2.400 m, để đảm bảo đón được các loại máy bay A320, A321 và nâng công suất nhà ga hành khách từ 300.000 khách/năm lên 500.000 khách/năm.
Trước đó, ngày 2/12, 2 chuyến bay đầu tiên bằng máy bay A321 của Vietnam Airlines (đường bay Hà Nội - Điện Biên), Vietjet (đường bay TP Hồ Chí Minh - Điện Biên) đã lần lượt hạ cánh xuống sân bay Điện Biên, đánh dấu hoạt động trở lại của sân bay này sau một thời gian nâng cấp, mở rộng. Kể từ khi hoạt động trở lại, Vietnam Airlines khai thác khứ hồi đường bay Hà Nội - Điện Biên với tần suất 7 chuyến/tuần; Vietjet khai thác khú hồi đường bay TP Hồ Chí Minh - Điện Biên 3 chuyến/tuần.
Dự án mở rộng Cảng hàng không Điện Biên khởi công ngày 22/1/2022, là một trong những công trình chào mừng Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, thuộc dự án nhóm B, công trình giao thông cấp I, do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) làm chủ đầu tư. Dự án gồm các hạng mục đường cất/ hạ cánh 35 - 17 kích thước 2.400 m x 45 m, sân quay 2 đầu, kết cấu bê tông xi măng...
Với vai trò là sân bay duy nhất của 6 tỉnh biên giới Tây Bắc, sau khi sân bay Điện Biên đưa vào khai thác, khu vực Tây Bắc sẽ có điều kiện mở rộng kết nối bằng đường hàng không với các nước trong khu vực tiểu vùng sông Mekong. Thời gian di chuyển từ Hà Nội lên Điện Biên bằng đường bộ khoảng 10 tiếng hiện nay, với đường hàng không quãng bay chỉ khoảng 1 tiếng, mở ra cơ hội cho cả khu vực Tây Bắc thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội.
Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ dài 40,2 km (đi qua tỉnh Tuyên Quang dài 11,63 km, tỉnh Phú Thọ 28,57 km), khi khánh thành sẽ rút ngắn thời gian di chuyển đến Hà Nội từ 2,5 giờ xuống 1,5 giờ. Dự án đi vào vận hành kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, có tổng mức đầu tư 3.753 tỷ đồng, thiết kế 4 làn xe, vận tốc tối đa 120 km/giờ.
Dự án do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang làm chủ đầu tư, được khởi công đầu năm 2021, sai 3 năm triển khai đã về đích sớm khoảng 2 năm so với kế hoạch. Tuyến cao tốc này là tuyến cao tốc đầu tiên trên cả nước được giao cho Ban Quản lý dự án cấp tỉnh làm chủ đầu tư.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Văn Sơn, việc khánh thành cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông, đáp ứng niềm mong mỏi của chính quyền, nhân dân Tuyên Quang nhiều năm nay.
Tuyến đường tạo hệ thống trục dọc kết nối nhanh từ các địa phương đến Thủ đô Hà Nội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội không chỉ cho tỉnh Tuyên Quang, mà còn tạo kết nối chung cho các tỉnh trong khu vực; hình thành trục kết nối vùng từ Thủ đô Hà Nội đi Tuyên Quang đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang và sang Trung Quốc.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là mảnh ghép của tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông, dài gần 23km do Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Bộ GTVT) làm đại diện chủ đầu tư. Sau gần 3 năm thi công, cao tốc đã cán đích đúng mục tiêu Chính phủ, Bộ GTVT đặt ra.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thiết kế 4 làn xe, vận tốc tối đa 80 km/giờ, khởi công từ tháng 1/2021, đi vào khai thác từ ngày 24/12/2023. Dự án có điểm đầu kết nối với cầu Mỹ Thuận 2 khớp nối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Điểm cuối tạm thời kết nối với quốc lộ 1 hiện hữu, trong tương lai sẽ tiếp nối cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT, với tinh thần "vượt nắng, thắng mưa", và phong trào thi đua "120 ngày đêm đưa cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ về đích" được phát động, công trình đã về đích đúng hẹn.
Cầu Mỹ Thuận 2 bắc qua sông Tiền, nối 2 bờ tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, dài 6,61 km, cách cầu Mỹ Thuận hiện nay gần 400 m về phía thượng lưu. Cầu Mỹ Thuận 2 khánh thành, kết nối cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, khép kín trục đường cao tốc dài 120 km từ TP Hồ Chí Minh về thủ phủ miền Tây, rút ngắn thời gian di chuyển tuyến đường từ khoảng 4 giờ trước đây xuống còn khoảng 2 giờ hiện nay.
Dự án có ý nghĩa quan trọng, không chỉ kết nối cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ, tạo tiền đề cho sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói chung, cả nước nói riêng; đồng thời, giảm áp lực giao thông cho Quốc lộ 1 hiện đang quá tải.
Đây cũng là cây cầu dây văng đầu tiên do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu lập dự án, thiết kế đến thi công. Với dự án này, những nhà thầu Việt Nam đã khẳng định làm chủ công nghệ thi công cầu dây văng, tạo động lực tiếp tục khẳng định trên những dự án khác như Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi...
Việc khánh thành cầu Mỹ Thuận 2 được người dân 2 tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang nói riêng, vùng đất Chín Rồng nói chung kỳ vọng lớn, khi giải quyết được tình trạng ùn tắc giao thông lâu nay, việc giao thương, đi lại của người dân sẽ thuận lợi hơn nhiều.
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, việc đồng loạt khánh thành 4 dự án: Mở rộng sân bay Điện Biên, cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với các tỉnh có dự án đi qua, ngoài việc giúp giảm áp lực giao thông, tiết kiệm thời gian di chuyển cho người dân, còn góp phần giảm chi phí logistics, vận tải, gia tăng cơ hội giao thương liên vùng, thu hút đầu tư trong ngoài nước, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2021 - 2025 của các địa phương.