Ngại lấy chồng ở quê

16-04-2020 05:29 | Đời sống
google news

SKĐS - Lấy chồng ở quê ngại nhất việc gì? Đám phụ nữ trong phòng làm việc của Liên cùng thống nhất ý kiến ấy là về quê chồng.

Chị Trúc trưởng phòng kể, năm nào chị cũng về quê chồng vài lần nhưng không tài nào nhớ được hết họ hàng đông đảo ở quê. Tình trạng nhầm ông nọ bà kia là phổ biến. Chị lưu được trong trí nhớ cả 8-9 người anh, chị của bố chồng nhưng không sao phân biệt được chính xác vợ hay chồng của họ. Hoàn cảnh của mỗi gia đình chị cũng chỉ nhớ sơ sơ. Thế nên mới có chuyện dở khóc dở cười là chị đã từng vào thăm nhầm nhà bác thứ năm trong khi người ốm là bác thứ tư.

Tuổi thơ gắn bó với làng quê sẽ khiến tâm hồn lũ trẻ trở nên phong phú hơn.

Tuổi thơ gắn bó với làng quê sẽ khiến tâm hồn lũ trẻ trở nên phong phú hơn.

Chị Vinh phó phòng góp chuyện rằng năm đầu mới về quê chồng, chị rón rén chào các “bậc” đầu bạc bằng bác, bằng cô thì bèn được dăm nụ cười thông cảm: Chúng cháu nhìn thế thôi nhưng cô là vai cao đấy ạ. Tất cả chúng cháu đều là... cháu của cô. Thì ra chồng chị là con trưởng của nhà trưởng họ nhưng ông bố bà mẹ hiếm muộn nên cả họ mãi mới có được đích tôn. Em Ngọc bé tuổi nhất phòng thì kể là cô thường xuyên bị nhầm họ hàng bên nội với bên ngoại của chồng. Hai quê - một ở Thái Bình, một ở Hà Nam nhưng sao mà “họ” giống nhau đến thế. Đấy là chưa kể cô cũng không bao giờ tự tin đi được vào đúng nhà của một ai ở quê. Bao giờ cũng phải nhờ một đứa cháu dẫn đi.

Thế nhưng cô Yến phụ trách nhân sự lại có ý khác. Cô kể là gia đình chồng cô đông lắm, tận 15 anh em cùng hàng với ông bà nội. Anh em ruột của chồng cô cũng chừng một tá. Nhưng ngay cả hai đứa con nhà cô cũng nhớ được hầu hết mặt và tên của họ hàng. Đơn giản lắm, cô kể, chồng cô có cái máy ảnh. Năm nào về quê anh cũng chụp từng gia đình. Vào dịp Tết nên thường là trong ảnh có đủ người. Sau đó, anh rửa ảnh to ra và tặng cho mỗi gia đình. Với gia đình mình, anh để xấp ảnh đó trong ngăn tủ. Thỉnh thoảng sau giờ cơm hoặc là cuối tuần rỗi rãi, anh lấy ảnh ra, bảo vợ con ngồi cạnh và chỉ vào từng người. Mỗi hôm anh sẽ kể một hai câu chuyện kỷ niệm liên quan đến người trong ảnh mà nó cũng chính là kỷ niệm tuổi thơ của anh. Hai đứa con chăm chú nghe, chúng thích thú với ông bố ngày bé cũng đầy chiến tích nghịch ngợm, cũng bị ăn roi như mình. Những câu chuyện tuổi thơ dễ nhớ đến mức khi con chị về quê, chúng hỏi mà các bác các cụ ở quê cứ tròn hết cả mắt. “Quân này giỏi thật, còn biết cả chuyện ngày xưa bác đi úp cá, móc cua bị rắn cắn là sao vậy trời”. Những câu chuyện như vậy khiến cho các con và cả cô Yến cũng cảm thấy gần gũi với quê chồng - một mảnh đất xa lạ mà ba mẹ con cũng không có nhiều dịp về thăm.

Cả phòng nghe chuyện của cô Yến thì ồ lên, công nhận quả là sáng kiến. Người thành phố ít khi nhớ được hết nhưng người ở quê thì trí nhớ tốt lắm, họ nhớ đinh ninh ngày này tháng này năm này, cô dâu thành phố về quê gánh nước hay xăm xắn vào bếp đẩy củi thành thạo nấu các món quê kiểng. Cũng tương tự như thế, họ sẽ nhớ rất lâu những hành động hay lời nói vô tình. Người ở quê rất tình cảm, môi trường ở quê là lý tưởng với những đứa trẻ, nhất là trong những dịp nghỉ hè. Chúng sẽ có dịp tìm hiểu về thế giới bao la, không có trong sách vở và trong những trò điện tử mà hiện giờ trẻ con thành phố thường vùi đầu vào. Tâm hồn chúng cũng trở nên phong phú hơn. Nhưng muốn hòa nhập với quê thì trước hết chúng cũng phải biết mặt, biết tên họ hàng, có tình cảm gắn bó gần gũi. Chỉ có bố mẹ mới giúp được lũ trẻ điều đó. Lúc ấy, dù quê có xa đến đâu cũng trở nên gần.


Võ Hồng Thu
Ý kiến của bạn