Ngải cứu trong phòng và điều trị bệnh

SKĐS - Ngải cứu là một trong những phương pháp điều trị độc đáo của y học cổ truyền, là sự kết hợp giữa phương thức dùng thuốc (ngải dược) và phương pháp không dùng thuốc (cứu nhiệt). Và là một bộ phận không thể thiếu của phương pháp châm cứu; là sự kế hợp giữa châm kim và cứu.

Từ dân gian đến hiện đại

Đầu những năm 1950, các bác sĩ phương tây đã ghi nhận hiệu quả của ngải cứu trên lâm sàng như gan to, lao xương. Và từ đó, những nghiên cứu chính thức nhằm làm sáng tỏ hiệu quả lâm sàng được chú trọng chủ yếu trong các khía cạnh sau:

Phạm vị điều trị được chứng minh có hiệu quả càng mở rộng:

Những năm 60 - 70, thống kê trên thế giới, ngải cứu được dùng điều trị một số bệnh đơn giản khoảng 100 chứng trạng. Đến cuối năm 2000, hiệu quả ngải cứu được ghi nhận trong phòng ngừa và điều trị hơn 200 loại bệnh và hội chứng thông thường. Bên cạnh đó, vấn đề chữa trị bằng ngải cứu đối với những bệnh phức tạp được đặt ra, như các bệnh tự miễn (viêm giáp hashimoto, xơ cứng bì), viêm loét đại trường mãn tính, viêm khớp dạng thấp, rối loạn tâm thần.

Nghiên cứu khoa học được chú trọng và sâu sắc hơn:

Nghiên cứu khoa học về ngải cứu được chú trọng, khoa học và khách quan. Từ những báo cáo một ca lâm sàng năm 1960, những nghiên cứu quan sát được triển khai nhiều hơn trong những năm sau đó. Đến nay, một số hội chứng chính được nghiên cứu trên mẫu lớn và đa trung tâm.

Ngải cứu trong phòng và điều trị bệnh

Phương pháp điều trị ngày càng phong phú:

Phương pháp dùng ngải cứu ban đầu được lưu truyền dân gian hoặc sách y học cổ truyền được xem là phương pháp ngải cứu truyền thống gắn liền với giá trị văn hóa dân tộc. Mặt khác, khi hiệu quả ngải cứu được quan sát và phân tích dưới khía cạnh khoa học, kết hợp với tiến bộ thời đại công nghệ đã sáng tạo ra những phương pháp điều trị mới như quang cứu, cứu lạnh, nhiệt điện cứu… góp phần vào hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng bằng y học cổ truyền trong thời đại mới.

Tác dụng ngải cứu theo y học cổ truyền

Ôn kinh tán hàn:

Lâm sàng thường dùng trị liệu hàn ngưng huyết trệ, thống kinh, kinh bế, vị quản thống, hàn sán phúc thống...

Phù dương cố thoát:

Dương khí bất túc, dương khí hạ hãm. Lâm sàng trị liệu dương khí hư, thoát chứng và dương khí hạ hãm dẫn đến di niệu, sa trực tràng, sa tử cung, băng lậu, đới hạ, tiêu chảy mạn.

Tiêu ứ tán kết:

Khí là soái của huyết, huyết dựa vào khí để lưu thông, khí được ôn ấm thì lưu thông dễ dàng kéo theo huyết hành. Cứu làm khí cơ thông sướng, dinh vệ điều hòa, ứ kết lâu ngày được tiêu tán. Trên lâm sàng dùng trị ápxe vú, lao hạch, anh lựu.

Phòng bệnh bảo kiện:

Bí quyết trường sinh của Nhật ghi nhận cứu huyệt túc tam lý có tác dụng phòng bệnh; y học cổ truyền gọi là “bảo kiện cứu”. Cứu dưỡng sinh có thể kích thích chính khí trong cơ thể, nâng cao sức đề kháng, tăng cường tinh lực, trường thọ.

Phân loại

Ngải cứu hiện nay đa phần được sử dụng bằng phương pháp truyền thống. Đây là sự kết hợp giữa y học, văn hóa và được khoa học chứng minh có hiệu quả lâm sàng.

Điếu ngải: dùng ngải nhung cuộn hình lăng trụ thành điếu ngải có thể toàn ngải nhung hoặc gia nhục quế, can khương, đinh hương, độc hoạt, tế tân, bạch chỉ, hùng hoàng, thương truật, một dược, nhũ hương, xuyên tiêu phù hợp từng thể bệnh cần điều trị. Thường được dùng hiện nay vì tính an toàn, tiện dụng và ít gây tai biến.

Ngải cứu trong phòng và điều trị bệnhLá ngải cứu là nguyên liệu chính làm điếu ngải

Mồi cứu là phương pháp cứu trị liệu, phạm vi tác dụng là điểm (huyệt). Ngải cứu được chế thành ngải nhung hình nón, kích thước tùy vào mức độ tác động trị liệu, một mồi cứu khi cháy hết gọi là 1 tráng. Được chia thành 2 loại: cứu trực tiếp và cứu gián tiếp. Trong đó, cứu trực tiếp là mồi cứu đặt trực tiếp lên bề mặt da, còn gọi là minh cứu, trứ phu cứu, trứ nhục cứu. Cứu gián tiếp là mồi cứu đặt trên một vật chất trung gian như lát gừng, muối, phụ tử.

Lưu ý khi sử dụng ngải cứu:

Không cứu trực tiếp tại các bộ phận nhạy cảm như mặt, ngăn chặn sự hình thành của vết sẹo, ảnh hưởng đến thẩm mỹ.

Da mỏng, ít cơ bắp; bụng của phụ nữ mang thai; phần bụng dưới, núm vú nam và nữ, bộ phận sinh dục... ngoài ra, không cứu trực tiếp tại các khớp.

Trình trạng mệt mỏi quá mức, đói, say rượu, đổ mồ hôi nhiều, tính khí thất thường hoặc phụ nữ có kinh nguyệt.

Một số bệnh truyền nhiễm, sốt cao, hôn mê, co giật hoặc kiệt sức nghiêm trọng như suy dinh dưỡng thể còi.

Những người không có khả năng tự kiểm soát như bệnh nhân tâm thần, bệnh nhân trong cơn động kinh.


TS.BS. VÕ TRỌNG TUÂN- HẠ CHÍ LỘC
Ý kiến của bạn