Phát biểu tại cuộc họp, Phó tổng thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị Rosemary DiCarlo kêu gọi Nga và Ukraine kìm chế trong hành động và phát ngôn để tránh gia tăng căng thẳng dẫn tới các hậu quả khôn lường. Bà Rosemary DiCarlo nhắc lại những lời kêu gọi trước đây yêu cầu các bên tránh có những bước đơn phương gây chia rẽ sâu rộng hoặc đi chệch khỏi tinh thần và câu chữ của các Thỏa thuận Minsk đề ra các bước cần thiết để tái thiết hòa bình ở các khu vực phía Đông Ukraine.
Đại sứ Ukraine tại Liên hợp quốc Volodymyr Yelchenko kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện một gói trừng phạt mới đối với các cảng của Nga ở vùng biển Azov nhằm giải quyết tình trạng trong khu vực. Đại sứ Volodymyr Yelchenkocho rằng việc gia tăng sức ép chính trị đối với Nga sẽ giúp giảm căng thẳng hiện nay, đồng thời cảnh báo Ukraine đã sẵn sàng sử dụng mọi biện pháp sẵn có để thực hiện quyền tự vệ của mình.Trong khi đó, Đại sứ Nga tại LHQ, Dmitry Polyanskiy) cáo buộc Ukraine đã lên kế hoạch vụ việc này do uy tín của tổng thống Petro Poroshenko đang thấp trước cuộc bầu cử vào năm tới.
Tổng thống Ukraine Porosenko tuyên bố tình trạng chiến tranh.
Mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Nga và Ukraine tiếp tục bị đẩy lên một nấc thang mới sau vụ Nga bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine với cáo buộc các tàu này xâm phạm lãnh hải Nga ngày 25/11. Vụ việc có nguy cơ dẫn tới xung đột quân sự quy mô lớn này được nhìn nhận không chỉ đơn thuần là căng thẳng giữa Nga và Ukraine ở Biển Đen, mà sâu xa hơn là cuộc đối đầu âm ỉ giữa Nga với phương Tây liên quan tới cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Nga và Ukraine đã đưa ra những thông báo trái chiều về vụ việc. Phía Hải quân Ukraine cho rằng Nga đã cho tàu chặn đường qua eo biển Kerch, không để 2 tàu chiến loại nhỏ cùng một tàu kéo Ukraine đang từ Biển Đen đi qua eo biển Kerch để vào Biển Azov. Với sự yểm trợ của máy bay quân sự quần đảo phía trên, tàu cảnh giới của Nga đã đâm vào tàu kéo Ukraine, nổ súng và giữ cả 3 con tàu. Đụng độ khiến ít nhất 3 thủy thủ Ukraine bị thương. Ukraine gọi đây là "hành động có chủ định" của phía Nga.
Tuy nhiên, Nga cáo buộc Ukraine không thông báo trước về việc 3 con tàu qua eo biển Kerch, đồng thời cho biết các tàu của Ukraine đã đi lại một cách nguy hiểm và phớt lờ những chỉ dẫn của phía Nga nhằm kích động căng thẳng, buộc Moskva phải dùng tới vũ lực để ngăn chặn quân đội Ukraine xâm phạm bất hợp pháp vùng biển Nga. Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) nêu rõ 3 con tàu của Ukraine đã không phản hồi những yêu cầu hợp pháp của giới chức Nga, xâm phạm biên giới Nga để tiến hành các hoạt động bất hợp pháp trong vùng lãnh hải Nga. Phía Nga đánh giá đây là hành động khiêu khích.
Vụ việc đang khiến tình hình trong khu vực nóng lên từng giờ. Tại Ukraine, chiều 26/11 (tối cùng ngày giờ Việt Nam), Quốc hội nước này nhóm họp bất thường để xem xét quyết định áp đặt tình trạng chiến tranh trên toàn quốc trong 60 ngày, theo đề nghị của Tổng thống Petro Poroshenko. Bộ Ngoại giao Ukraine cho rằng hành động của Moskva đe dọa an ninh các nước khu vực Biển Đen, do vậy cần có sự phản ứng rõ ràng từ phía cộng đồng quốc tế. Về phần mình, Moskva đã triệu đại biện lâm thời Ukraine tại Nga để khiếu nại về vụ việc trên, sau khi đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhóm họp vào 11h tối 26/11 (theo giờ Việt Nam).
Những diễn biến trên được xem là bước gia tăng đối đầu trong cuộc xung đột dai dẳng giữa Nga và Ukraine, có nguy cơ đẩy hai nước tới bờ vực của cuộc đụng độ quân sự quy mô lớn.
Việc Ukraine vội vã ban bố tình trạng chiến tranh được cho là một hành động có tính toán của Tổng thống Porosenko. Về lý thuyết, Ucraina dường như muốn thu hút sự chú ý của toàn thế giới với cáo buộc Nga “gây hấn” Ucraina. Nhưng thực tế, Tổng thống Porosenko đang muốn “kéo” sự chú ý của cử tri nước này vào cuộc xung đột với Nga trong bối cảnh cuộc tổng tuyển cử đang đến rất gần với bất lợi thuộc về đảng của Tổng thống Porosenko.
Nhưng dù với lý do gì, giới phân tích đều có chung nhân định: Ukraine sẽ “thiệt” nhiều hơn “lợi” trong cuộc chiến với Nga. Về kinh tế, kế hoạch ‘thoát Nga’ mà giới lãnh đạo Ukraine đang thực hiện được dự báo sẽ khiến kinh tế Ukraine lâm vào khủng hoảng. Bởi, Nga là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Ucraina với 34,6% - tổng số 1,3 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Ukraine. Về chính trị, liệu Mỹ hay phương Tây- ai sẽ là “chìa tay” cứu Ukraine trong cuộc khủng hoảng với Nga, là câu hỏi giờ chưa có lời đáp, khi Washington và Brussels hiện vẫn chưa lên tiếng chính thức về vụ việc.
Xin nhắc lại rằng, cách đây 2 tháng, hôm 17/9, Tổng thống Porosenko đã ký ban hành sắc lệnh ngừng hiệu lực Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và đối tác với Liên bang Nga, văn bản được coi là “bùa hộ mệnh” bảo vệ các lợi ích về chủ quyền lãnh thổ của Ukraine. Nay văn bản này bị chính Tổng thống Porosenko khai tử, thì đâu sẽ là cơ sở pháp lý để Ukraine tự bảo vệ mình?
Xét trên tổng thể, dường như Ukraine đang tự trói chân mình. Rõ ràng, càng đẩy mình vào thế đối đầu với Nga, Ukraine sẽ chỉ càng bất lợi.