Động thái tiềm tàng này không chỉ gây lo ngại lớn tại Ukraine mà còn được xem là lời cảnh báo mạnh mẽ gửi đến phương Tây, khi các nước này tiếp tục gia tăng viện trợ quân sự cho Kiev.
Ngày 20/11, một loạt quốc gia bao gồm Mỹ, Italia, Tây Ban Nha và Hy Lạp đã đồng loạt đóng cửa đại sứ quán tại Kiev, động thái chưa từng có kể từ khi xung đột bùng phát.
Đại sứ quán Mỹ cũng đưa ra cảnh báo khẩn cấp về nguy cơ xảy ra "cuộc không kích quy mô lớn" và yêu cầu toàn bộ nhân viên trú ẩn tại chỗ.
Căng thẳng càng leo thang khi Ukraine tiến hành các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Ngày 20/11, một tên lửa Storm Shadow của Anh đã đánh trúng sở chỉ huy tại Kursk, trước đó, tên lửa ATACMS của Mỹ phá hủy một kho đạn tại Bryansk.
Moscow xem những động thái này là sự leo thang nghiêm trọng, mở đường cho các hành động đáp trả mạnh mẽ.
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa RS-26
Theo báo Moskovsky Komsomolets, Nga đang chuẩn bị phóng thử RS-26 từ thành phố Astrakhan, gần Biển Caspi. Đây là lần đầu tiên loại tên lửa này được sử dụng trong chiến đấu.
RS-26 sở hữu tốc độ bay nhanh gấp 5 lần tốc độ âm thanh, được thiết kế để vượt qua mọi hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến, bao gồm hệ thống Patriot mà Mỹ đã cung cấp cho Ukraine.
Với trọng lượng lên tới 50 tấn và khả năng mang đầu đạn lớn gấp 3 lần tên lửa Iskander, RS-26 được coi là biểu tượng sức mạnh quân sự mới của Nga.
Chuyên gia quân sự Nga Timur Syrlanov nhận định, RS-26 không chỉ là công cụ quân sự mà còn là lời cảnh báo trực tiếp tới Ukraine và các đồng minh phương Tây. Ông tuyên bố: "Nga sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trong tình huống này, nhưng đòn tấn công vào các mục tiêu trọng yếu ở Kiev sẽ khiến cả phương Tây và Ukraine phải suy nghĩ lại".
Dù mối đe dọa từ RS-26 khiến người dân Kiev lo lắng, nhịp sống thường nhật tại thành phố vẫn tiếp tục. Xe buýt, tàu điện ngầm đông đúc, quán cà phê vẫn mở cửa, các bậc phụ huynh vẫn đưa con đến trường.
Một nhân viên pha chế tại trung tâm Kiev chia sẻ: "Quán có vắng khách hơn, nhưng tôi không lo sợ. Chúng tôi đã quen với cảnh báo không kích rồi".
Từ khi xung đột bắt đầu, Kiev đã trải qua 1.370 cảnh báo không kích, tổng cộng hơn 1.550 giờ trú ẩn – tương đương hơn 2 tháng cộng dồn.
Dẫu vậy, sự xuất hiện của RS-26, nếu thành hiện thực, sẽ đánh dấu một bước ngoặt mới, gây áp lực lớn lên hạ tầng trọng yếu của Ukraine.
Đây không chỉ là một vũ khí tấn công mà còn thể hiện ưu thế công nghệ quân sự vượt trội của Nga trước sự hỗ trợ vũ khí không ngừng từ phương Tây.
Những ngày tới sẽ là thời điểm mang tính quyết định, khi các bên phải cân nhắc kỹ lưỡng để tránh đẩy khu vực vào một cuộc khủng hoảng mới, sâu rộng và nguy hiểm hơn. Liệu sẽ có những nỗ lực đối thoại, hay căng thẳng tiếp tục leo thang? Câu trả lời vẫn còn đang bỏ ngỏ.