Tờ Business Insider dẫn lời Thiếu tướng Christian Freuding, chỉ huy bộ phận kế hoạch của Bộ Quốc phòng Đức, cho biết Nga đang tăng tốc mở rộng công suất sản xuất UAV Shahed, với mục tiêu rất rõ ràng là mở rộng quy mô tấn công bằng UAV.

Máy bay không người lái Shahed. (Nguồn: Getty Images)
Ông nhấn mạnh, tham vọng của Moscow là có thể triển khai đồng thời 2.000 chiếc Shahed trong một đêm, điều chưa từng có trong bất kỳ cuộc xung đột hiện đại nào.
Cùng thời điểm đó, Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Washington (Mỹ) cũng đưa ra đánh giá tương tự. Theo dữ liệu của ISW, tần suất sử dụng UAV Shahed của Nga trong tháng 6 và tháng 7 đã tăng khoảng 31% mỗi tháng.
Nếu đà này tiếp tục, ISW dự báo Nga có thể đạt được khả năng phóng đồng loạt 2.000 UAV trong một đêm vào tháng 11. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lưu ý rằng đây là năng lực tấn công đỉnh điểm và khó có thể duy trì liên tục mỗi ngày. Dù vậy, đây vẫn là một bước nhảy vọt đáng kể nếu so với mùa thu năm 2024, khi Nga chỉ phóng khoảng 2.000 UAV mỗi… tháng.
Shahed là loại UAV cảm tử tầm xa do Iran thiết kế, với tầm hoạt động dao động từ 600 đến 1.900 km tùy vào phiên bản.
Dù thiết kế gốc thuộc về Iran, Nga hiện đã tự sản xuất loại UAV này trong nước tại đặc khu kinh tế Yelabuga từ đầu năm 2023.
Các chuyên gia phương Tây nhận định nhiều bộ phận quan trọng trong quá trình sản xuất đến từ một quốc gia khác. Hình ảnh vệ tinh được Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) công bố hồi tháng 4, cho thấy diện tích các nhà máy chế tạo Shahed tại Nga đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng một năm. Ngoài ra, tình báo Ukraine cũng phát hiện dấu hiệu cho thấy Nga có thể đã mở thêm một dây chuyền sản xuất UAV tại thành phố Izhevsk.
Thực tế chiến sự cho thấy, Nga đang tăng cường sử dụng UAV Shahed trong các đợt tấn công đêm. Trong đầu tháng 7, quân đội Nga từng huy động tới 728 UAV trong một loạt tấn công lớn, con số cao nhất từng ghi nhận. Chỉ huy lực lượng hệ thống không người lái của Ukraine, ông Robert Madyar Brovdi, cảnh báo rằng Nga có thể sớm đạt mức 1.000 UAV mỗi ngày hoặc thậm chí cao hơn.
Tốc độ và quy mô tấn công gia tăng khiến các chuyên gia lo ngại Ukraine sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc phòng thủ, đặc biệt khi chi phí đánh chặn UAV Shahed cao hơn rất nhiều so với chi phí sản xuất chúng.
Một UAV Shahed được ước tính chỉ có giá vài chục nghìn USD, trong khi mỗi tên lửa đánh chặn từ hệ thống Patriot có thể lên tới 4 triệu USD, còn toàn bộ hệ thống Patriot trị giá hơn 1 tỷ USD. Với chênh lệch khổng lồ như vậy, việc sử dụng các hệ thống phòng không đắt đỏ để bắn hạ UAV giá rẻ trở nên phi lý và không bền vững về mặt chiến lược.
Tướng Freuding của Đức cho rằng, điều cấp thiết hiện nay là phát triển những biện pháp phòng thủ rẻ tiền và hiệu quả hơn, có giá thành chỉ khoảng vài nghìn euro mỗi đơn vị, thay vì tiếp tục phụ thuộc vào các hệ thống đắt đỏ của phương Tây. Đây cũng là quan điểm ngày càng phổ biến trong giới hoạch định quốc phòng NATO, khi mà chiến sự tiêu hao với mật độ tấn công cao đang dần trở thành hiện thực.
Ukraine hiện đang triển khai một mạng lưới phòng không đa tầng gồm tên lửa đất đối không, tên lửa không đối không, vũ khí phòng không di động và cả các UAV đánh chặn nội địa như dòng "Sting".
Tuy nhiên, Nga thường kết hợp UAV Shahed với tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo trong các đợt tấn công, buộc Ukraine phải sử dụng song song các hệ thống tầm xa như Patriot để bảo vệ cơ sở hạ tầng trọng yếu.
Trong bối cảnh đó, Kiev vẫn đang kêu gọi Mỹ và các nước châu Âu cung cấp thêm hệ thống Patriot và các giải pháp phòng không tiên tiến hơn. Nếu Nga thực sự đạt được năng lực tung ra hàng nghìn UAV chỉ trong một đêm, thì không chỉ có Ukraine đối mặt với áp lực khổng lồ.