Nga rời khỏi Hiệp ước Bầu trời Mở
Bộ Ngoại giao Nga ra thông báo cho biết quốc gia này đang khởi động các thủ tục rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở (OST). Lý do được Nga đưa ra là sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước, lợi ích của các quốc gia thành viên bị xáo trộn đáng kể, nhiều thành viên trong Hiệp ước không ủng hộ các đề xuất của Nga để duy trì cơ chế này trong điều kiện mới.
Nga thông báo rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở.
Điều khiến Nga đưa ra quyết định này là các thành viên còn lại không cam kết ngừng chia sẻ thông tin với Mỹ. Trưởng phái đoàn Nga tham gia đàm phán kiểm soát vũ khí Konstantin Gavrilov từng vạch trần âm mưu của Mỹ, ông cho rằng Washington “lừa lọc” rút khỏi Hiệp ước nhưng yêu cầu các đồng minh châu Âu vẫn tham gia để có thể nhận thêm dữ liệu trinh sát từ các chuyến bay trên bầu trời Nga.
Sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước OST, các thành viên còn lại lo ngại Nga sẽ “nối gót” Mỹ rút khỏi cơ chế này và điều này đã nhanh chóng trở thành hiện thực. Trên trang web của mình, Bộ Ngoại giao Nga thông báo: “Do thiếu tiến bộ trong tiến trình tháo gỡ những trở ngại nhằm duy trì hiệp ước trong các điều kiện mới, Bộ Ngoại giao Nga được phép thông báo bắt đầu các thủ tục rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở”. Quyết định này của Nga khởi động quá trình 6 tháng để chấm dứt một thỏa thuận quốc tế quan trọng vốn được xây dựng nhằm thúc đẩy tính minh bạch về hoạt động quân sự.
Hiệp ước Bầu trời mở được ký kết năm 1992 sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và có hiệu lực từ năm 2002 với 35 thành viên, trong đó có 2 cường quốc hàng đầu về vũ khí hạt nhân là Nga, Mỹ và hầu hết các nước châu Âu. Hiệp ước cho phép các quốc gia thành viên công khai thu thập thông tin về các lực lượng và hoạt động quân sự của nhau. Các nước thành viên được tiến hành bay giám sát trên không phận của nhau nhưng phải thông báo trước 72 tiếng để nước chủ nhà có thời gian phản hồi. Trên cơ sở tạo dựng lòng tin, tính đến cuối năm 2019, đã có hơn 1.500 chuyến bay được thực hiện theo tinh thần của hiệp ước quan trọng này. Hiệp ước Bầu trời mở được coi là một thỏa thuận xây dựng niềm tin chiến lược, một trong những trụ cột bảo đảm an ninh ở Lục địa già.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 5/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi Hiệp ước với lý do Nga liên tục vi phạm các thỏa thuận dù Nga đã nhiều lần bác bỏ. Theo cáo cuộc từ Mỹ, Nga đã ngăn cản các chuyến bay của Washington trên không phận Gruzia và vùng lãnh thổ Kaliningrad của Nga. Thậm chí, Nga còn lợi dụng những chuyến bay theo điều khoản hiệp ước để xác định cơ sở hạ tầng trọng yếu, xây dựng kịch bản tấn công khi nổ ra chiến tranh. Đến ngày 22/11/2020, Mỹ chính thức không còn là bên tham gia Hiệp ước OTS.
Hậu quả nặng nề
Việc Nga và Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở là một “cú sốc” với các thành viên còn lại và có thể làm tổn hại đến hiệp ước này trong tương lai. Người phát ngôn của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) - ông Piers Kazalet cho rằng, việc Mỹ và Nga cùng rời khỏi sẽ làm suy yếu tầm ảnh hưởng của Hiệp ước Bầu trời mở trong khu vực. Người phát ngôn của NATO cũng khẳng định, sau quyết định của Nga, các đồng minh NATO vẫn cam kết đối thoại với Nga về vấn đề kiểm soát vũ khí. Đức cho rằng đây là bước thụt lùi lớn đối với cấu trúc kiểm soát vũ khí toàn cầu và có những tác động rất cụ thể đối với an ninh và lòng tin ở Bắc Bán cầu. Việc cả 2 cường quốc hàng đầu thế giới là Nga và Mỹ cùng rút khỏi cơ chế kiểm soát an ninh có thể khiến thỏa thuận đứng trước khả năng sụp đổ, từ đó làm gia tăng nguy cơ xung đột và chạy đua vũ trang với những hậu quả khó có thể kiểm soát được.
Động thái của Nga đang khiến việc xây dựng lòng tin tại châu Âu đã tồn tại gần 3 thập kỷ qua có nguy cơ đổ vỡ, kéo theo những “khoảng trống” khó lấp đầy trong quan hệ giữa Nga và phương Tây, Nga và Mỹ.