Nga phóng loạt tên lửa đạn đạo tấn công Kiev

06-04-2025 18:27 | Quốc tế
google news

SKĐS - Ngày 6/4, thủ đô Kiev của Ukraine rung chuyển bởi hàng loạt tiếng nổ khi Nga tiến hành đợt tấn công quy mô lớn, sử dụng máy bay không người lái (UAV), tên lửa hành trình và đặc biệt là tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M.

Theo thông tin từ giới chức Ukraine, đòn tấn công diễn ra trước bình minh và đã kích hoạt hệ thống còi báo động trên khắp cả nước. Trong đó, Kiev là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Một báo cáo từ AMK Mapping cho biết, Nga đã phóng 8 tên lửa Iskander-M nhắm vào thủ đô Ukraine.

Nga phóng loạt tên lửa đạn đạo tấn công Kiev- Ảnh 1.

Tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M của Nga. (Nguồn: Sputnik)

Iskander-M là loại tên lửa đạn đạo tầm ngắn nhưng được đánh giá cao về khả năng tấn công chính xác và sức công phá mạnh.

Với tốc độ bay vượt 2 km/giây (tương đương Mach 6–7) và khả năng cơ động cao, loại tên lửa này rất khó bị hệ thống phòng không đối phương phát hiện và đánh chặn. Khác với các loại tên lửa thông thường bay theo quỹ đạo cố định, Iskander-M có thể thay đổi đường bay giữa chừng, thả mồi để đánh lừa radar, và tránh né hệ thống phòng thủ.

Vũ khí này còn được trang bị hệ thống dẫn đường hiện đại, kết hợp giữa định vị quán tính, tín hiệu vệ tinh và cảm biến quang học. Khi hoạt động ở hiệu suất tối ưu, sai số chỉ dao động trong khoảng 5 đến 7 m, đủ để tấn công chính xác vào các điểm yếu chiến lược của mục tiêu.

Dù Ukraine đã được viện trợ nhiều hệ thống phòng không hiện đại từ phương Tây như Patriot (Mỹ) hay NASAMS (Na Uy), từng được ca ngợi vì đánh chặn được tên lửa siêu thanh Kinzhal, thì Iskander-M vẫn là một mối đe dọa vượt trội. Với tốc độ siêu thanh, quỹ đạo bay thấp và khả năng cơ động linh hoạt, Iskander-M khiến việc phát hiện và phản ứng gần như là bất khả thi.

Không chỉ đơn thuần phá hủy hạ tầng quân sự, Nga dường như còn đang tìm cách làm suy yếu hệ thống phòng không của Ukraine bằng chiến thuật tấn công phân tầng. Trong đợt không kích sáng nay, Nga sử dụng UAV, có thể là loại Shahed do Iran thiết kế, làm mồi nhử để buộc Ukraine phải tiêu tốn đạn phòng không. Tiếp đó là loạt tên lửa hành trình như Kalibr và cuối cùng là Iskander-M, loại vũ khí tinh vi và khó đánh chặn nhất.

Chiến lược này từng được Nga áp dụng trong các cuộc tấn công lớn trước đó, như đợt không kích ngày 29/12/2023 với tổng cộng 36 UAV và 120 tên lửa.

Dù đã công bố mức độ thiệt hại, Ukraine hiện vẫn chưa tiết lộ thông tin cụ thể về khả năng đánh chặn trong đợt tấn công mới nhất. Việc giữ kín chi tiết có thể nhằm tránh làm lộ điểm yếu chiến lược, đồng thời bảo vệ niềm tin từ các đồng minh phương Tây, những quốc gia đã viện trợ hàng tỷ USD vào hệ thống phòng không cho Ukraine.

Trước đây, Kiev cũng từng có xu hướng im lặng hoặc phản hồi chậm khi đối mặt với các đòn tấn công bằng tên lửa Kinzhal. Phần lớn thông tin khi đó chỉ được xác nhận thông qua các tổ chức độc lập như AMK Mapping, vốn dựa vào nguồn dữ liệu mở như ảnh vệ tinh, bài đăng trên mạng xã hội và các nguồn tin rò rỉ.

Iskander-M không phải là một vũ khí hoàn toàn mới, nó đã từng được Nga triển khai tại Georgia vào năm 2008, sau đó tại Syria cũng như trong giai đoạn đầu của xung đột ở Ukraine. Theo tình báo Ukraine, dù đang chịu các lệnh trừng phạt nặng nề, Nga vẫn có thể sản xuất khoảng 30 tên lửa loại này mỗi tháng.

Với mức giá khoảng 3 triệu USD mỗi quả, chỉ riêng đợt tấn công vào Kiev lần này đã khiến Nga tiêu tốn gần 24 triệu USD. Dù đây là con số đáng kể, nhưng vẫn còn khiêm tốn so với hơn 1,27 tỷ USD mà Moscow từng chi ra cho các đợt tấn công vào cuối năm 2023.

Khoảnh khắc Su-34 của Nga bay sát mặt đất ném bom táo bạoKhoảnh khắc Su-34 của Nga bay sát mặt đất ném bom táo bạo

SKĐS - Một đoạn video gây chú ý mới đây được lan truyền trên mạng xã hội X, ghi lại cảnh một máy bay chiến đấu Su-34 của Nga bay ở độ cao cực thấp, thả bom xuống vị trí của Ukraine.


Xuân Minh
(Theo Reuters, ABC News)
Ý kiến của bạn