Đoạn video do Lữ đoàn cơ giới độc lập số 28 công bố cho thấy cảnh máy bay lao xuống và bốc cháy sau khi trúng tên lửa phòng không.
Khoảnh khắc Su-25 Nga bị bắn rơi, ngày 8/2. (Nguồn: X/ OSINTtechnical)
Theo các báo cáo, chiếc Su-25 bị bắn hạ bởi một đơn vị phòng không hỗn hợp, bao gồm lực lượng từ Lữ đoàn Cơ giới độc lập số 28 và Tiểu đoàn riêng biệt số 57 của Ukraine. Vũ khí được sử dụng là hệ thống phòng không vác vai (MANPADS) Igla – một loại tên lửa do Liên Xô phát triển, chuyên nhắm vào tín hiệu nhiệt của động cơ máy bay.
Đoạn video không cho thấy rõ mức độ hư hại của Su-25 trước khi rơi, nhưng có nhiều dấu hiệu cho thấy tên lửa đã đánh trúng phần sau của máy bay – nơi hai động cơ Tumansky R-195 tạo ra nhiệt lượng lớn, khiến nó trở thành mục tiêu lý tưởng. Một cú đánh trúng khu vực này có thể nhanh chóng làm hỏng động cơ, khiến máy bay mất kiểm soát và rơi tự do.
Su-25, được NATO đặt tên mã là "Frogfoot", là một trong những máy bay tấn công mặt đất chủ lực của Nga từ những năm 1980. Nó được thiết kế để hỗ trợ cận chiến trong các môi trường chiến đấu nguy hiểm, có thể chịu được hỏa lực mạnh và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ.
Tuy nhiên, như vụ bắn hạ mới nhất này cho thấy, ngay cả những chiến đấu cơ được bọc thép hạng nặng cũng không thể miễn nhiễm trước mạng lưới phòng không đa lớp của Ukraine. Hệ thống MANPADS và các loại tên lửa phòng không đã khiến không phận ở độ cao thấp trở thành khu vực cực kỳ nguy hiểm đối với các phi công Nga.
Những tổn thất ngày càng gia tăng có thể buộc không quân Nga phải thay đổi chiến thuật. Nếu tiếp tục bay ở độ cao thấp để hỗ trợ bộ binh, các máy bay Su-25 có nguy cơ cao bị bắn hạ. Ngược lại, nếu phi công Nga chọn bay cao hơn để tránh MANPADS, họ sẽ phải hy sinh độ chính xác trong các nhiệm vụ hỗ trợ hỏa lực.
MANPADS Igla – Mối đe dọa đáng gờm
Tên lửa Igla hoạt động bằng cách khóa vào tín hiệu nhiệt từ động cơ máy bay, khiến những chiến đấu cơ như Su-25 – với hai động cơ phản lực nóng rực – trở thành mục tiêu dễ dàng. Sau khi phóng, Igla sẽ tự động bám theo nguồn nhiệt mạnh nhất, thực hiện các điều chỉnh nhỏ để tấn công chính xác.
Để chống lại mối đe dọa này, các phi công Su-25 thường sử dụng pháo sáng – những luồng nhiệt mạnh được bắn ra nhằm đánh lừa tên lửa. Dù vậy, các biến thể Igla đời mới có khả năng phân biệt giữa mục tiêu thật và mồi nhử, khiến chiến thuật này không còn quá hiệu quả.
Dù Su-25 được thiết kế để chịu đựng hư hại nghiêm trọng, nhưng nếu bị bắn trúng động cơ, đường dẫn nhiên liệu hoặc hệ thống điều khiển bay, cơ hội sống sót của phi công là rất mong manh. Một số trường hợp hiếm hoi đã ghi nhận các phi công Su-25 trở về căn cứ dù bị trúng đạn, nhưng phần lớn các vụ bắn hạ đều dẫn đến hậu quả thảm khốc.