"Chúng tôi có cơ sở để nói rằng vắc-xin sẽ bảo vệ những người tiêm phòng COVID-19 ít nhất trong vòng 2 năm và có thể còn lâu hơn", ông cho biết tại buổi họp báo online thông tin về vắc-xin Sputnik V tới giới báo chí toàn cầu. Buổi họp báo online có sự góp mặt của các hãng thông tấn hàng đầu thế giới và được dịch ra 7 thứ tiếng (Anh, Pháp, Trung, Tây Ban Nha, ...). Đồng thời, ông Gintsburg khẳng định dữ liệu cuối cùng sẽ được làm rõ sau khi kiểm soát hiệu quả vắc-xin một thời gian.
Vào ngày 11/8, Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vắc-xin phòng COVID-19 mang tên Sputnik V do Viện nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh Gamaleya thuộc Bộ Y tế Nga phát triển. Vắc-xin đã trải qua giai đoạn thử nghiệm tiêm phòng trong tháng 6-7 năm nay. Vào ngày 15/8, Bộ Y tế Nga cho biết đã bắt đầu sản xuất vắc-xin.
Ông Alexander Gintsburg, Giám đốc Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh Gamaleya (trái) tại buổi họp báo quốc tế công bố thông tin về vắc-xin Sputnik V. (Ảnh: Nguyễn Vân)
Tại buổi họp báo online, ông Krill Dmitriev, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) cho biết một số quốc gia quan tâm tới việc sản xuất vắc-xin Sputnik V ở châu Mỹ Latin, châu Á và Trung Đông.
"Việc sản xuất vắc-xin là vấn đề rất quan trọng. Hiện nay, chúng tôi đang tìm kiếm đối tác sản xuất vắc-xin tại Ấn Độ. Chúng tôi tin vào khả năng sản xuất vắc-xin của Viện Gamaleya tại Ấn Độ. Điều quan trọng là sự hợp tác này sẽ giúp chúng ta đủ khả năng cung ứng vắc-xin.", ông Dmitriev cho biết.
Ông Krill Dmitriev, Giám đốc điều hành Quỹ đầu tư trực tiếp Nga (RDIF) trả lời các nhà báo quốc tế về kế hoạch sản xuất Sputnik V, vắc-xin phòng COVID-19 ở bên ngoài nước Nga. (Ảnh: Nguyễn Vân)
"Chúng tôi sắp thử nghiệm lâm sàng không chỉ ở Nga mà còn ở UAE, Saudi Arabia, và có thể cả ở Brazil lẫn Ấn Độ. Chúng tôi lên kế hoạch sản xuất vắc-xin ở hơn 5 nước, có nhu cầu cao từ châu Á, châu Mỹ Latin, Italy và nhiều nơi khác trên thế giới liên quan tới phân phối vắc-xin.", ông Dmitriev tiết lộ.
Ông Alexander Gintsburg, Giám đốc Viện Gamaleya cho biết hơn 20.000 người đã tham gia thử nghiệm lâm sàng vắc-xin và thuốc dựa trên cơ chế adenovirus ở người hoặc vector có chứa adenovirus ở người.
"Vắc-xin không chứa adenovirus sống, nhưng có chứa vector adenovirus, nghĩa là virus ở người không thể nhân lên trong cơ thể và hoàn toàn an toàn", ông cho biết.
Vắc-xin Sputnik V gồm 2 liều sử dụng các phiên bản khác nhau của adenovirus (Adenovirus là các loại virus mà một vài trong số đó gây ra chứng cảm lạnh thông thường). Các nhà sản xuất đã dùng công nghệ gene để virus này mang gene SARS-CoV-2 trên bề mặt protein. SARS-CoV-2 chính là loại virus thuộc chủng corona gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
"Phương pháp bào chế vắc-xin COVID-19 của Viện Gamaleya là sử dụng 2 loại huyết thanh adenovirus ở người: loại số 5 (Ad5) và loại số 26 (Ad6), có lợi thế hơn so với phương pháp 1 vector thường được các nhà phát triển vắc-xin khác sử dụng.", ông Gintsburg nói.