Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Nga, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Liên bang Nga M.Ederer đã được triệu đến trụ sở của Bộ này và được trao công hàm về các bước có đi có lại của phía Nga liên quan đến các quyết định trừng phạt chống Nga của Hội đồng EU vào ngày 2/3 và 22/3/2021. Bộ Ngoại giao Nga còn cho biết thêm rằng tất cả các đề xuất từ phía Moscow nhằm giải quyết những khúc mắc nào giữa Nga và EU thông qua đối thoại trực tiếp đều bị phớt lờ hoặc từ chối.
Ngay lập tức, tối cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli, ra tuyên bố chung lên án quyết định của Nga. Tuyên bố chung nêu rõ: “Hành động này là không thể chấp nhận được, không có bằng chứng pháp lý và hoàn toàn không có cơ sở. Nó nhằm trực tiếp vào EU chứ không chỉ những người liên quan.
Các lãnh đạo của Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu coi đây là một "minh chứng nổi bật cho thấy Nga đã lựa chọn đối đầu với EU thay vì đồng ý điều chỉnh lại quỹ đạo tiêu cực trong quan hệ song phương" và khẳng định EU hiện "có quyền thực thi các biện pháp phù hợp để đáp trả quyết định mới của nhà chức trách Nga".
Được biết, danh sách quan chức EU bị cấm nhập cảnh vào Nga lần này bao gồm Chủ tịch Nghị viện châu Âu David Sassoli, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) phụ trách các vấn đề giá trị và minh bạch Vera Jourova, Chủ tịch Hội đồng truyền thông điện tử Latvia Ivars Abolins, Giám đốc trung tâm ngôn ngữ Latvia Maris Baltins, thành viên của phái bộ Pháp tại Đại hội đồng châu Âu Jacques Maire, người đứng đầu của văn phòng công tố Berlin Jorg Raupach, người đứng đầu phòng thí nghiệm an toàn hóa học và hạt nhân của Viện Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển Ana Scott, người đứng đầu cơ quan về ngôn ngữ của Estonia Ilmar Tomusk.
Trong bối cảnh trên, Bộ Ngoại giao Đức ra một tuyên bố riêng rẽ, nói rằng quyết định trên của Moscow sẽ làm gia tăng căng thẳng không cần thiết.