Sau khi rời hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân ở The Hague (Hà Lan), đêm 25-3 (giờ địa phương), Tổng thống Obama đã đến Brussels (Bỉ), chặng thứ hai trong chuyến công du ở châu Âu và Saudi Arabia.
Reuters ghi nhận tình hình Ukraine vẫn tiếp tục là chủ đề thảo luận quan trọng trong chuyến công du châu Âu lần này của Tổng thống Obama. Dự kiến sau khi tham dự hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Liên minh châu Âu (EU), Tổng thống Obama sẽ hội đàm với Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen.
Nhà Trắng loan báo trong bối cảnh khủng hoảng nghiêm trọng giữa các nước phương Tây và Nga về Ukraine, các nước thành viên NATO đang chờ đợi tổng thống Mỹ thể hiện thái độ ủng hộ rõ ràng đối với NATO.
Hôm 25-3, tại cuộc họp báo sau khi hội nghị thượng đỉnh về an ninh hạt nhân bế mạc, Tổng thống Obama đã khẳng định Mỹ cùng hợp tác với châu Âu đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới trong các lĩnh vực kinh tế đối với Nga (hiện nay Mỹ và EU chỉ mới cấm vận đối với các cá nhân).
Trong khi đó, báo Barents Observer (Na Uy) đưa tin đêm 25-3, Bộ Quốc phòng Na Uy tuyên bố Na Uy quyết định ngừng hợp tác quân sự với Nga đến cuối tháng 5.
Như vậy Na Uy sẽ hoãn chuyến thăm của bộ trưởng Quốc phòng Nga vào tháng 4, hủy chuyến thăm của các tàu chiến Nga vào tháng 5 nhân dịp 200 năm hải quân Na Uy và hủy cuộc tập trận hải quân chung. Đến nay Đức, Anh và Canada đã ngưng hợp tác quân sự với Nga.
Để đối phó với lệnh cấm vận của Mỹ và EU, ngày 26-3, Phó Thủ tướng thứ nhất Igor Shuvalov thông báo trước Hội đồng Liên bang Nga (Thượng viện) chính phủ đã phân tích các nguy cơ liên quan đến phản ứng của các nhà đầu tư, chính phủ cũng đã tham khảo các lệnh cấm vận đã và đang thực hiện gần 40 năm qua trên thế giới.
Theo hãng tin RIA Novosti (Nga), ông Igor Shuvalov khẳng định chính phủ sẽ tính toán tìm kiếm thêm các đối tác thương mại mới và dứt khoát không từ bỏ các thị trường truyền thống.
Trong khi đó, báo Huffington Post phiên bản ở Anh đưa tin mặc dù EU cấm vận Nga nhưng Tập đoàn năng lượng Centrica (lớn nhất ở Anh) sẽ bắt đầu nhập khẩu khí đốt Nga từ tháng 10-2014.
Ngày 26-3, Tổng thống Nga Putin đã điện đàm với Tổng thống Argentina Cristina Fernandez de Kirchner. Hai bên nhận định không thể chấp nhận chính sách nhất bên trọng, nhất bên khinh của một số nước phương Tây và tổ chức quốc tế trong vấn đề Ukraine.
Cùng ngày, Đài Tiếng nói Moscow đưa tin Hạ viện Cộng hòa Czech đã ra thông cáo cho biết Hạ viện không thông qua đề nghị của chính phủ về ủng hộ trừng phạt kinh tế Nga trong khuôn khổ EU.
Theo Pháp luật tp. HCM