Nga “điểm huyệt” NATO bằng S-400

18-07-2019 15:40 | Quốc tế
google news

SKĐS - Trong tuần qua, tất cả các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) bao gồm cả Mỹ như “ngồi trên đống lửa” theo dõi từng chuyển động ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đến nay đã có hơn chục máy bay từ Nga chở linh kiện lắp ráp hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 mà phương Tây kịch liệt phản đối, đã hạ cánh xuống Thổ Nhĩ Kỳ.

NATO "phát sốt" vì thương vụ mua bán S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ

Theo kế hoạch, Ankara sẽ hoàn tất việc triển khai hệ thống S-400 theo hợp đồng trị giá 2,5 tỷ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 4/2020. Trước động thái gây tranh cãi của Ankara, cộng thêm sức ép từ cả trong và ngoài nước, mới đây Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên tiếng, phá vỡ những ngày im lặng từ Nhà Trắng.

Tổng thống Mỹ tuyên bố, sẽ không bán máy bay chiến đấu F35 tiên tiến cho Thổ Nhĩ Nhĩ Kỳ. Vì Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ không thể sở hữu cùng lúc cả S-400 của Nga và cả máy bay F-35 của Mỹ. Tổng thống Mỹ Donald Trump nhấn mạnh: “Thổ Nhĩ Kỳ đã mua hệ thống phòng thủ của Nga, chúng tôi sẽ không được phép bán cho họ những chiếc máy bay trị giá hàng tỷ USD. Điều này là không công bằng.”

Nga Thổ Nhĩ Kỳ bắt tay trong thương vụ mua bán hệ thống phòng không S-400 khiến các nước NATO lo lắng.

Thực tế là nếu S-400 được triển khai gần với các máy bay phản lực F-35 do Mỹ sản xuất sẽ làm suy yếu khả năng phòng thủ của máy bay chiến đấu tàng hình này vì tầm bắn của S-400 có thể đạt tới mục tiêu ở cách xa tới 400km.

Báo chí phương Tây đã dự báo về một một gói biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ sẽ áp dụng đối với Thổ Nhĩ Kỳ có khả năng sẽ được công bố vào ngày 19/7.  Người đứng đầu Nhà Trắng thừa nhận “đây là một quyết định khó khăn” bởi Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh chiến lược của Mỹ, một thành viên NATO chứ không phải một quốc gia bên ngoài nào.

Trong khi Nga còn “xếp chồng” mâu thuẫn với cả Mỹ và NATO thì Thổ Nhĩ Kỳ lại “bắt tay” và sử dụng vũ khí do Nga sản xuất. Điều này là một nghịch lý, chả khác nào “cõng rắn cắn gà nhà”. Chỉ bằng hợp đồng mua bán vũ khí với một thành viên NATO, Nga đã tiến vào hệ thống vũ khí với đầy ắp dữ liệu của NATO một cách hợp pháp.

Theo chuyên gia an ninh quốc phòng của Hội đồng châu Âu Gustav Gressel, trước kia một quốc gia có thể mua các loại vũ khí như xe tăng, tàu chiến, máy bay…  của nhiều  nước khác nhau trang bị cho quân đội  mà ít gây chú ý bởi công nghệ thời đó chưa phát triển, các loại vũ khí rời và độc lập với nhau. Nhưng hiện nay, các hệ thống vũ khí đều tương thích, liên thông với nhau. Chỉ cần một phần mềm gián điệp nho nhỏ trong S-400, Nga sẽ thu thập đầy đủ thông tin về các máy bay trinh sát, đài radar, trung tâm chỉ huy của NATO.

Hệ thống phòng không S-400 đang bắt đầu thành hình tại Thổ Nhĩ Kỳ

S-400 – thứ vũ khí gây mâu thuẫn trong NATO

Nếu ví S-400 là một thứ vũ khí gây mâu thuẫn trong NATO quả không quá lời.  Các nước NATO lo ngại hệ thống S-400 của Nga sẽ trở thành  thành “cái cớ” cho Nga tiếp cận với các dữ liệu của NATO. Ví dụ như các nhân viên kỹ thuật, nhân viên bảo dưỡng S-400 của Nga sẽ được quyền truy cập dữ liệu của Thổ Nhĩ Kỳ trong đó có nhiều thông tin liên quan đến các đồng minh NATO…

Việc Ankara sở hữu S-400 sẽ trở thành một tiền lệ trong NATO, khiến nhiều quốc gia thành viên sẽ hình thành tâm lý muốn sở hữu thứ vũ khí hữu dụng này.

Tranh chấp  giữa các đồng minh sở hữu lực lượng quân đội lớn nhất nhì ở NATO đang diễn ra, cho thấy hệ thống phòng không S-400 đang trở thành “tội đồ” gây chia rẽ trong liên minh quân sự lớn nhất thế giới.  Từ đây, Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ mất đi khả năng tác chiến với NATO – yếu tố then chốt trong mạng lưới phòng thủ chung.

Nếu vì S-400,  Mỹ sẽ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ, điều này không khác gì tự “lấy dao cắt vào tay”, bởi người với người đồng minh lâu năm Thổ Nhĩ Kỳ mà Mỹ phải đi đến bước này là điều mà Mỹ và cả NATO không mong muốn. Thêm vào đó, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bị tác động, khó thoát ra khỏi cơn suy thoái.

S-400 có sức mạnh thế nào?

Đây là một bản nâng cấp của hệ thống phòng thủ S-300, được coi là hệ thống phòng không tiên tiến nhất hiện nay. Hệ thống này bắt đầu được sử dụng vào năm 2007 và nhiều quốc gia muốn được sở hữu. Nó được thiết kế để tiêu diệt máy bay, tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo, chống lại các mục tiêu cả trên trông và trên mặt đất. Hệ thống S-400 có thể tấn công các mục tiêu trong bán kính 400km và ở độ cao 35km.

Hải Yến
Ý kiến của bạn