Từ tranh cãi xung quanh vụ máy bay Nga rơi tại Syria
Sự việc bắt nguồn từ thời điểm 17/9, hệ thống phòng không Syria đã bắn hạ một máy bay của Nga chở theo 15 binh sĩ gần căn cứ Hmeymim, khu vực gần bờ biển Syria. Trong khi Syria cho rằng, mục tiêu của họ là các máy bay chiến đấu của Israel trong một cuộc đối đầu trên đất Syria thì Israel khẳng định không chịu trách nhiệm về vụ rơi máy bay Nga và tại thời điểm máy bay Nga rơi, máy bay Israel ở không phận của mình. Điều tra của Nga kết luận, Israel đã cố tình sử dụng máy bay Nga như lá chắn và buộc Israel phải chịu trách nhiệm cho hành động bắn rơi máy bay quân sự Nga khiến 15 người thiệt mạng.
Nga đã đưa ra phản ứng cương quyết và mạnh mẽ nhất, tuyên bố sẽ tăng cường năng lực phòng không của Syria bằng hệ thống phòng không cực kỳ hiện đại, tối tân S-300 cùng nhiều hệ thống kiểm soát tự động... Tuy nhiên thu hút sự chú ý của dư luận và lo ngại của nhiều nước phương Tây hơn cả là hệ thống phòng không S-300. Nước cờ này có khả năng làm cho cục diện ở Syria đứng trước một bước chuyển mới.
Vì sao S-300 “gây sợ hãi” như vậy?
Sở dĩ hệ thống phòng không S-300 nguy hiểm và đáng sợ như vậy là do tầm bắn lên tới 250km và có sức mạnh phòng thủ vô địch. Hamdi Bakheet, thành viên của Ủy ban Quốc hội Ai Cập về an ninh và quốc phòng cho biết, Chính phủ Syria sẽ tiếp nhận một trong những hệ thống phòng không hiện đại nhất, bao trùm toàn bộ lãnh thổ nước này, mở rộng phạm vi vượt ra ngoài các khu vực đóng quân của binh sĩ Nga. Bất cứ loại máy bay nào mà lực lượng quân đội Syria xem là kẻ địch, sẽ trở thành mục tiêu tấn công của hệ thống phòng không hiện đại này.
Hệ thống phòng không S-300 của Nga có thể đến Syria sau 2 tuần nữa.
Chính vì thế nhiều nước phương Tây như “ngồi trên đống lửa” trước phản ứng này của Nga. Tổng thống Mỹ D.Trump cho rằng đây là một “sai lầm lớn” của Nga và nên được xem xét lại. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ J.Bolton cho rằng, đây là bước leo thang lớn đối với hình hình vốn đã căng thẳng như ở Syria. Ngoại trưởng Mỹ cho biết sẽ đưa vấn đề này ra cuộc gặp với nguời đồng cấp Nga bên lề Cuộc họp Đại hội đồng LHQ.
Bên cạnh Mỹ, một số nước như Israel, Thổ Nhĩ Kỳ cũng bày tỏ sự lo ngại. Bởi nếu Nga thực sự tăng cường tiềm lực quân sự cho Syria bằng S-300 sẽ khiến Israel gặp nhiều khó khăn để đối phó với Iran. Israel luôn cho rằng Chính phủ của Tổng thống Syria B.Assad “nương tay” cho kẻ thù của họ là Iran và lực lượng Hezbollah (do Iran hậu thuẫn) tiến vào cao nguyên Golan, xây dựng thành trì vững chắc ở ngay trước cửa ngõ của Israel, đe dọa an ninh Nhà nước Do Thái. Chính vì thế, Israel liên tục tiến hành các cuộc không kích trên lãnh thổ Syria kể từ khi cuộc xung đột xảy ra. Kể cả các cuộc chiến quân sự của Mỹ ở Syria cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng.
Liệu bàn cờ địa chính trị ở Syria có xoay chuyển?
Sự kiện máy bay quân sự Nga rơi ở Syria đã làm mối quan hệ Nga Israel trở nên căng thẳng. Theo các chuyên gia phân tích chính trị, một khi hệ thống phòng không S-300 được trao vào tay Syria, Israel cũng phải tìm cách có những loại vũ khí đủ hiện đại từ đồng minh thân cận là Mỹ để đối phó. Tuy nhiên, khôn khéo nhất với Israel lúc này là thông qua các kênh ngoại giao, giảm căng thẳng với Nga, từ đó thuyết phục Nga trì hoãn hoặc từ bỏ kế hoạch làm leo thang căng thẳng ở khu vực.
Tuy nhiên cũng có những ý kiến khác, như thành viên đảng Xã hội dân tộc Syria, ông Tarek Ahmad cho biết, đây chỉ là cách mà Nga dùng để “dứ đòn”, để biến nó trở thành một vũ khí trên bàn đàm phán với Israel.
Trong một tuyên bố cứng rắn, Mỹ cho biết Mỹ sẽ không rời Syria chừng nào người Iran không rời đi. Israel thì cứng rắn, sẽ tiếp tục tấn công các mục tiêu của Iran ở Syria bất chấp việc Nga chuyển giao các hệ thống tên lửa phòng không hiện đại cho Syria. Nếu điều này xảy ra, không loại trừ khả năng xung đột sẽ leo thang ở khu vực Trung Đông...