Nước đầu tiên trên thế giới phê chuẩn vắc-xin COVID-19
Các nhà khoa học Nga cho biết loại vắc-xin này được điều chế nhanh chóng dựa trên phiên bản sửa đổi của một loại vắc-xin khác. Đây cũng là phương pháp phát triển vắc-xin phổ biến ở nhiều công ty dược phẩm. “Nga sẽ là nước tiên phong trong lĩnh vực điều chế vắc-xin. Nga từng cung cấp vắc-xin chống Ebola và MERS, vốn là giải pháp an toàn, hiệu quả cho thế giới” - ông Kirill Dmitriev, nhà tài trợ cho công tác điều chế vắc-xin của Nga, cho biết.
Các quan chức Nga cho biết dữ liệu khoa học về loại vắc-xin mới đang được biên soạn và họ sẽ sớm công bố thông tin chi tiết vào đầu tháng 8/2020. Bộ Y tế Nga tuyên bố binh sĩ nước này là đối tượng thử nghiệm lâm sàng và các bác sĩ tuyến đầu là những người đầu tiên được tiêm vắc-xin.
Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Nga, sau khi tiến hành xét nghiệm kiểm tra tổng thể các tình nguyện viên tham gia tiêm vắc-xin, các nhà nghiên cứu nhận thấy họ đều có phản ứng miễn dịch, các thành phần vắc-xin là an toàn và được dung nạp tốt vào cơ thể. Bộ Quốc phòng Nga cũng đồng thời nhấn mạnh rằng các nhà nghiên cứu không phát hiện thấy tác dụng phụ, biến chứng hoặc bất kỳ phản ứng không mong muốn, hay khiếu nại nào về tình trạng sức khỏe của các tình nguyện viên.
Sau đó, các dữ liệu thu được trong các thử nghiệm được chuyển đến Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi trùng học quốc gia để phân tích, đánh giá, lập báo cáo tổng hợp các kết quả và chuẩn bị cho việc đăng ký vắc-xin cấp nhà nước. Sau giai đoạn 2 này, các nhà khoa học sẽ tiến đến giai đoạn 3, thử nghiệm vắc-xin trên bình diện quốc tế. Nếu giai đoạn ba thành công, Nga sẽ trở thành quốc gia sản xuất sớm nhất vắc-xin Covid-19 trên diện rộng.
Theo hãng tin TASS (Nga), đã có nhiều nước đặt hàng mua vắc-xin của Nga để đối phó với tình trạng dịch bệnh trong nước.Hiện toàn thế giới có hơn 150 loại vắc-xin ngừa Covid-19 đang được nghiên cứu, khoảng hơn 20 loại đã bước sang giai đoạn thử nghiệm trên người. Tuy nhiên, hầu hết các nhà phát triển cảnh báo rằng, vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi vắc-xin ngừa COVID-19 có thể được phê duyệt.
Dữ liệu khoa học về vắc-xin phòng COVID-19 sẽ sớm được Nga công bố.
Thế giới loay hoay dập dịch
Theo quyết định mới nhất của chính quyền Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), từ ngày 29/7, toàn bộ cư dân sẽ phải thực hiện các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhất nhằm ngăn chặn SARS-CoV-2 lây lan. Cụ thể, người dân Hong Kong bắt buộc đeo khẩu trang khi rời nhà, các nhà hàng chỉ được phép bán đồ mang đi. Ngoài ra, cấm mọi hình thức tụ tập từ 2 người trở lên (nếu không phải người trong cùng gia đình) tại nơi công cộng và người vi phạm sẽ bị phạt tới 5.000 dollar Hong Kong (625 USD).
Trong khi đó, giới chức Australia triển khai một nhóm nhân viên y tế khẩn cấp tới các nhà dưỡng lão ở thành phố Melbourne, bang Victoria, để kiểm soát “điểm nóng” dịch bệnh COVID-19 này. Ngoài ra, thành phố Sydney, bang New South Wales, cũng đang là “điểm nóng” ở Australia. Hai bang Đông Nam Australia này hiện là tâm dịch tại Australia.
Kể từ ngày 29/7, Chính phủ Nhật Bản triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp kháng thể sử dụng mẫu nước bọt đối với những người nhập cảnh vào Nhật Bản. Tính đến ngày 29/7, trên toàn Nhật Bản có 550 ổ dịch COVID-19. Chính phủ Nhật Bản sẽ tăng cường hỗ trợ các địa phương trong công tác phòng chống dịch, trong đó tiếp tục cử các nhóm chuyên gia y tế chi viện cho các địa phương.
Trong khi đó, Colombia sẽ gia hạn các biện pháp cách ly xã hội đến ngày 30/8 tới, nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19. Đây là lần thứ 8, chính phủ quốc gia Nam Mỹ này kéo dài biện pháp cách ly xã hội được áp dụng lần đầu vào ngày 25/3.
Bỉ hiện vẫn dẫn đầu về số người tử vong do COVID-19 nhiều nhất thế giới tính theo đầu người. Nước này, ngoài quy định người dân bắt buộc đeo khẩu trang, còn yêu cầu các nhà hàng, quán bar và quán cà phê ở Bỉ thu thập thông tin cá nhân của các khách ghé thăm, để dễ dàng truy vết trong trường hợp có người bị mắc COVID-19.