Dưới làn sóng tấn công quy mô lớn và ngày càng sáng tạo từ phía Nga, ngay cả hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới cũng đang dần lộ ra những giới hạn của mình.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đứng trước một hệ thống Patriot, trong chuyến thăm khu huấn luyện quân sự tại Mecklenburg, Đức, ngày 11/6/2024. (Nguồn: Getty Images)
Mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố sẽ cung cấp thêm vũ khí hiện đại cho Ukraine, bao gồm cả Patriot – hệ thống từng được xem là "con át chủ bài" trong phòng thủ tên lửa. Tuy vậy, việc viện trợ này đến sau nhiều tháng trì hoãn và giảm tốc độ hỗ trợ quân sự.
Trên thực địa, dù Patriot đã từng chứng minh hiệu quả nhất định khi bắn hạ một số tên lửa siêu thanh của Nga như Kinzhal hay Iskander, nhưng tần suất sử dụng và khả năng bao phủ của hệ thống này vẫn rất hạn chế.
Ukraine hiện chỉ có thể triển khai Patriot ở một vài địa điểm trọng yếu như Kiev, trong khi hạ tầng quốc gia trải rộng khiến việc bảo vệ toàn diện gần như bất khả thi.
Nga cũng đã nhanh chóng thích ứng với sự hiện diện của Patriot. Không chỉ tăng cường số lượng tên lửa, Moscow còn đa dạng hóa phương thức tấn công bằng cách kết hợp máy bay không người lái (UAV) cảm tử, tên lửa hành trình giá rẻ và đòn tập kích phối hợp để làm quá tải hệ thống phòng không Ukraine. Điều này đã khiến các tổ hợp Patriot, vốn đắt đỏ và cần vận hành cẩn trọng, lâm vào tình trạng bị kéo căng nghiêm trọng.
Một quả tên lửa đánh chặn PAC-3 có giá khoảng 4 triệu USD và cả hệ thống Patriot có thể lên đến hơn 1 tỷ USD – con số khổng lồ với một quốc gia đang chìm trong chiến sự và thiếu hụt ngân sách như Ukraine. Trong khi đó, Nga chỉ cần dùng UAV giá rẻ vài chục nghìn USD cũng có thể buộc hệ thống Patriot phải tiêu hao đạn đánh chặn, gây tổn thất kinh tế nghiêm trọng cho Kiev và cả các nước viện trợ.
Nga cũng đã đạt được nhiều bước tiến trong việc gây tổn thất cho hạ tầng năng lượng và công nghiệp quốc phòng của Ukraine. Đến giữa năm 2025, khoảng 80% công suất nhiệt điện của Ukraine đã bị phá hủy, trong khi các đập thủy điện trọng yếu cũng bị tấn công gây thiệt hại lớn. Đây là một phần trong chiến lược tiêu hao dài hạn của Nga nhằm làm tê liệt năng lực kháng chiến của đối phương mà không cần mở rộng chiến dịch trên bộ.
Mặc dù Ukraine đã nỗ lực mở rộng sản xuất quốc phòng nội địa, bao gồm các tên lửa như Neptune hay Hrim-2, nhưng họ vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào phương Tây về hệ thống phòng không tầm xa.
Việc tự phát triển một hệ thống tương đương Patriot là không khả thi trong điều kiện hiện tại do yêu cầu kỹ thuật cao, quy trình kiểm định nghiêm ngặt và chi phí đầu tư lớn.
Đáng chú ý, dù phương Tây đã viện trợ hàng chục tỷ USD, nhiều quốc gia bắt đầu tỏ ra thận trọng. Mỹ không thể mãi viện trợ vô điều kiện, trong khi các quốc gia sở hữu Patriot như Đức, Hà Lan, Ba Lan, Nhật Bản hay Israel cũng phải cân nhắc an ninh của chính mình trước khi chuyển giao các hệ thống phòng thủ quý giá.
Về phía Nga, tuy từng có giai đoạn cạn tên lửa, đặc biệt trong năm đầu của chiến sự, nhưng Moscow đã nhanh chóng khôi phục sản xuất. Từ năm 2024, Nga có khả năng chế tạo 40–50 tên lửa Iskander mỗi tháng và còn nhận thêm viện trợ từ các đối tác thân cận.
Tính đến tháng 7, Nga vẫn sở hữu khoảng 300 tên lửa đạn đạo tầm ngắn – con số đủ để tiếp tục duy trì áp lực lâu dài với Ukraine.
Patriot dù hiện đại đến đâu cũng không thể thay đổi toàn bộ cục diện chiến sự. Giới chuyên gia ước tính, Ukraine cần ít nhất 25–30 tổ hợp Patriot mới đủ để che chắn các khu vực quan trọng, mục tiêu gần như không thể đạt được khi cả về tài chính lẫn kho dự trữ của phương Tây đang ngày càng cạn kiệt.