Thông báo quan trọng này được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra trong cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO) tại Astana, ngày 28/11.
Tổng thống Putin tuyên bố: "Việc sản xuất hàng loạt Oreshnik đã chính thức bắt đầu", đồng thời nhấn mạnh đây là phản ứng của Nga trước các cuộc tấn công từ vũ khí phương Tây.
Ông cũng cho biết, Bộ Quốc phòng và Tổng tham mưu Nga đang xác định các mục tiêu mới tại Ukraine, bao gồm cơ sở quân sự và trung tâm ra quyết định ở Kiev.
Trong một bài phát biểu trước đó, ông Putin tiết lộ rằng Oreshnik đã được sử dụng trong cuộc tấn công ngày 21/11 nhằm vào một cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine. Đây là loại tên lửa đạn đạo tầm trung với đầu đạn siêu thanh phi hạt nhân, thể hiện khả năng tấn công chiến lược của Nga.
Oreshnik được thiết kế với cấu hình 6 đầu đạn, mỗi đầu đạn có khả năng mang 6 đạn con, cho phép tấn công nhiều mục tiêu đồng thời với độ chính xác cao. Điều này giúp tên lửa vượt qua các hệ thống phòng thủ vốn chỉ tối ưu để đánh chặn các đầu đạn đơn lẻ.
Khả năng này khiến Oreshnik trở thành vũ khí chiến lược, có thể vô hiệu hóa các mục tiêu quan trọng như cơ sở hạ tầng quân sự, trung tâm chỉ huy và hệ thống hậu cần. Thiết kế phức tạp yêu cầu công nghệ dẫn đường và kích nổ tiên tiến, kết hợp giữa độ chính xác cao và khả năng đối phó với hệ thống phòng thủ hiện đại.
Mối liên hệ với RS-26 Rubezh
Oreshnik được cho là có nhiều điểm tương đồng với tên lửa ICBM RS-26 Rubezh, một dự án phát triển trước đây của Nga.
Do đó, giới phân tích cho rằng Tập đoàn vũ khí tên lửa chiến thuật (KTRV) – đơn vị có kinh nghiệm trong sản xuất các hệ thống tên lửa tiên tiến như Kalibr và Iskander – có khả năng là nhà thầu chính cho loại vũ khí này.
Tuy nhiên, việc sản xuất Oreshnik cũng không mấy suôn sẻ. Các lệnh trừng phạt từ phương Tây đã cản trở Nga tiếp cận công nghệ và linh kiện cần thiết, buộc KTRV phải triển khai chiến lược "thay thế nhập khẩu".
Một số thành công đáng chú ý là việc phát triển động cơ tua-bin khí và đầu dò hồng ngoại nội địa thay thế các linh kiện từng nhập khẩu từ Ukraine.
Việc sản xuất các tên lửa tiên tiến như Oreshnik đòi hỏi thời gian và nguồn lực lớn. Dựa trên các hệ thống tương tự như RS-26, quá trình chế tạo Oreshnik có thể kéo dài từ 6 tháng đến một năm, bao gồm việc tích hợp nhiều thành phần công nghệ cao và thử nghiệm rộng rãi.