Hà Nội

Ngã ba đồng lộc: Gió hát bình yên

25-07-2009 10:17 | Thời sự
google news

Cả đoàn người rưng rưng xúc động, nghiêm trang lắng nghe người hướng dẫn viên đọc bài thơ Cúc ơi của tác giả Yến Thanh. Có nhiều chị đã rơi lệ khi nghe thuyết minh, hàng triệu trái tim đã xúc động khi về Đồng Lộc nghe những lời như thế.

Cả đoàn người rưng rưng xúc động, nghiêm trang lắng nghe người hướng dẫn viên đọc bài thơ Cúc ơi của tác giả Yến Thanh. Có nhiều chị đã rơi lệ khi nghe thuyết minh, hàng triệu trái tim đã xúc động khi về Đồng Lộc nghe những lời như thế. Quê hương giờ bình yên, gió hát trên màu xanh bạt ngàn rừng và cây lá. Các anh hùng mãi mãi nằm xuống trong thanh bình, trong sự tiếc nuối khôn nguôi của triệu triệu trái tim cả nước.

Chúng tôi, những người sống trong thời bình, được sinh ra khi đất nước đã thống nhất, cuộc sống ngày một khấm khá, được học hành, tự do thoải mái. Hình ảnh khốc liệt của chiến tranh, bom đạn, chết chóc chỉ còn thấy trên vô tuyến và trong sách báo, trong hồi ức. Và đôi khi chứng kiến hậu quả của nó để lại còn thấy nhức nhối trên ngàn vạn thân thể đồng bào. Ước ao trở về những nơi chiến tích ngày xưa, tưởng nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp hòa bình dân tộc, tôi còn mong được hiểu thêm về những mảnh đất anh hùng trên đất nước mình.

 Đoàn viên thanh niên báo SK&ĐS tham gia khám chữa bệnh từ thiện cho đối tượng chính sách xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh.       
 ảnh: PV
Đến Đồng Lộc, trời trở nắng, màu xanh của lá cây vừa được tưới bởi những cơn mưa, trở nên xanh non hơn. Bầu trời trong xanh, chúng tôi nghĩ rằng, mình đội mưa đến đây đã được bù đắp.

Tượng đài chiến thắng Đồng Lộc là biểu tượng bất hủ của sức mạnh, ý chí quyết chiến, quyết thắng, tinh thần vươn lên đạp bằng mọi gian khó, hiểm nguy của lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP). Xung quanh chân tượng đài là biểu tượng của khói lửa, đạn bom và các đám mây tượng trưng cho hòa bình.

“Những con đường lứa tuổi 20”

Cách đây 42 năm, Mỹ đánh phá ác liệt khu vực Hà Tĩnh. Ngã ba Đồng Lộc trở thành đường độc tuyến, là điểm diễn ra nhiều cuộc chiến giữa ta và địch. Địch tập trung đánh phá, ta thông đường. Địch lại phá, ta lại thông đường ta đi, không để xe tắc dù một giờ. Cứ thế, cuộc giao chiến ác liệt diễn ra. Ông Trần Quang Đạt, nguyên là Phó Chủ tịch UBHC tỉnh Hà Tĩnh cũ là Trưởng ban Bảo đảm giao thông tỉnh, đã điều động lực lượng khắp nơi. Các tổ quan sát, đếm bom, cắm tiêu, tổ rà phá bom, bộ phận ứng cứu đường cùng với mạng lưới thông tin liên lạc, lực lượng điều hành phương tiện giao thông, giữ gìn trật tự an toàn ngã ba Đồng Lộc được hình thành. 7/8 đại đội thuộc Tổng đội TNXP P18 do tỉnh đoàn điều động và ngành giao thông vận tải phụ trách, gồm các đại đội từ C552 đến C557 được điều động về với hơn 1 ngàn người, chốt giữ từ cầu Cơn Bạng đến Khe Giao. Lúc tập trung đông nhất, ở Đồng Lộc lên tới 1,6 vạn người.

Vì ngã ba Đồng Lộc là vị trí giao thông quan trọng, là huyết mạch nối Bắc - Nam của nhân dân ta, nên địch biết rằng nếu đánh phá được nơi này thì sẽ cắt đứt được giao thông và sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam. Từ tháng 4 đến tháng 10 năm 1968, địch đánh vào ngã ba Đồng Lộc 1.863 lần, ném gần 50.000 quả bom các loại chưa kể đạn rốc-két và đạn 20mm. Bình quân mỗi tháng, chúng đánh 28 ngày. Đồng Lộc không lúc nào ngớt tiếng bom, hố bom chồng chất hố bom. Bằng mọi giá, địch muốn biến nơi này thành điểm chết, thành bãi đất hoang.

Bom đạn ác liệt như thế, sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc. Tháng 5/1968 là thời kỳ khủng khiếp nhất, nhưng Mỹ không thắng được Đồng Lộc, không cắt đứt được con đường huyết mạch Nam-Bắc. Hàng triệu trái tim yêu nước đã làm cho Đồng Lộc sống mãi. Chúng ta đã bắn rơi 14 máy bay trong 5 tháng. Chỉ trong vòng 7 tháng của năm 1968, ta đã phá 1.780 quả bom. Quân dân các xã trong vùng đã góp 185.000 ngày công với 42.630 người phục vụ, đào đắp 95.209m3 đất đá, vận chuyển 45.000m3 gỗ, đóng góp cho chiến trường 22.440 cọc tre... Sự hy sinh của hai Anh hùng Lê Đăng Dương và Phan Văn Tài là tổn thất lớn. Tháng 5/1968, Tổng đội 55 quyết định cho Đại đội 557 về trực tiếp đảm bảo giao thông từ eo Truông Kén đến Cầu Tối. Khi đại đội về, cả Đồng Lộc là một bãi tan hoang. Đại đội trưởng đưa một tổ về phá bom, rà mìn mở đường. Hai Anh hùng Lê Đăng Dương và Phan Văn Tài sau khi được dũng sĩ Vương Đình Nhỏ huấn luyện cách phá bom đã xung phong. Cầu Tối nằm trên một cái mương nhỏ, chạy ngang con đường hẹp. Cầu chỉ dài 3m, một quả bom nằm ngay cạnh, không phá được nó thì xe sẽ bị nổ tung. Hai anh quyết làm việc đó để cho xe thông. Nhưng chẳng may, bom nổ, hai anh đã anh dũng hy sinh, máu xương lẫn vào đất đá, vào mạch nguồn đất quê.

Thương lắm, các chị ơi!

Trở lại nhà bia tưởng niệm TNXP toàn quốc, chúng tôi muốn thắp nén nhang tưởng nhớ. Từng đoàn, từng đoàn người vẫn về đây, dù xa dù gần, một lòng tưởng nhớ biết ơn. Từ các em thiếu nhi đến những cựu chiến binh tóc bạc phơ, các vị lão thành cách mạng, những cán bộ cao cấp Trung ương, những người nông dân bình thường... Trong những ánh mắt ngậm ngùi ấy còn ánh lên niềm tự hào ngưỡng vọng.

Nhà bia được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đầu tư xây dựng vào năm 1998, khắc tên 1.950 anh hùng liệt sĩ, TNXP toàn quốc và các anh hùng liệt sĩ hy sinh tại ngã ba Đồng Lộc. Mộ mười cô gái TNXP nằm trên đồi Trọ Voi cao vút thông xanh, cách nhà bia tưởng niệm 30m. Tuổi đời các cô còn rất trẻ, hy sinh khi ở tuổi 18 đến 24. Cả mười cô cùng hy sinh lúc 16 giờ ngày 24 tháng 7 năm 1968 (tức 26 tháng 6 Mậu Thân). Nhiều người còn nhớ rất rõ: Hôm ấy, mười cô gái hồ hởi làm việc, vừa làm vừa trò chuyện, đùa nhau. Bỗng có một tốp máy bay bay từ Bắc vào Nam, vượt qua trọng điểm. Tất cả chị em nhanh chóng nép mình vào triền đồi, nơi bom còn tạo thành một cái rãnh.  Một lúc sau, hết tiếng máy bay, cả tiểu đội tiếp tục làm việc. Bất ngờ, một trong tốp máy bay khi trước quay lại, thả một loạt bom. Một quả đã rơi vào chỗ các cô làm việc. Đất đá và khói bụi trùm lên cả mười cô... Thi hài các cô ban đầu được an táng tại đồi Bãi Động, sau được chuyển về đồi Trọ Voi.

Mộ các TNXP nghi ngút hương khói. Khách hành hương, khách tham quan nhất là phái nữ còn gửi cả gương lược, khăn và son phấn trên phần mộ các chị. Đi lần lượt từng ngôi mộ, cúi đầu, thắp từng nén nhang, lòng tôi rưng rưng xúc động. Nào Võ Thị Tần, Hồ Thị Cúc, Nguyễn Thị Nhỏ, Dương Thị Xuân, Võ Thị Hợi, Nguyễn Thị Xuân, Trần Thị Hường, Hà Thị Xanh, Trần Thị Rạng, Võ Thị Hà, những anh hùng đã cống hiến tuổi xuân cho Tổ quốc. Chiến công vẫn khắc ghi, những ngày vẻ vang sau này vẫn còn nhớ ơn các chị. Đất nước thống nhất, những cung đường thông suốt được trải nhựa uốn lượn, màu xanh phủ trên núi đồi, xóm làng sung túc, những vết thương khó lành bớt nhức nhối. Một số cựu chiến binh từng chiến đấu cùng với mười nữ TNXP còn sống, kể lại: Ngày đó, trong khói lửa, các cô muốn trồng cây bồ kết. Một cô nói trồng nhiều để phủ màu xanh cho mặt đất, chị em lại có thứ để gội đầu. Một người can: bom đạn thế này, chẳng cây gì sống được đâu, đừng trồng cho mất công. Cô khác nói: chúng ta có thể trồng thì cứ làm. Nếu phải chiến đấu, không hái quả nó mà gội đầu được thì thế hệ sau sẽ hưởng. Chúng ta sẽ phân công nhau chứ? Tất cả đồng thanh hô nhất trí. Vậy là đã có những cây bồ kết được trồng, nhưng sau này, mười cô hy sinh, không ai chăm sóc. Bồ kết cũng không còn.

Ai cũng thiết tha yêu cuộc sống thanh bình. Nhưng đất nước chiến tranh, vận mệnh dân tộc treo trên sợi tóc, từng lớp thanh niên từ giã quê hương, cha mẹ, người thân để tham gia kháng chiến, sẵn sàng đối mặt với quân thù, với cái chết khi tuổi đời còn quá trẻ. Chúng tôi mong được ở lại lâu dài nơi đồi Trọ Voi để nghe thông reo và nghe kể về mười nữ liệt sĩ TNXP, đến Tùng Cốc nghe các cựu chiến binh kể về những đoàn xe 39 năm trước nối đuôi nhau vào chiến trường miền Nam. Tôi xin đọc lại một đoạn trích trong bài thơ Ngã ba Đồng Lộc của nhà thơ Huy Cận: "Nghìn năm sau lịch sử sẽ còn ghi. Những năm tháng chiến tranh ác liệt. Nghìn vạn chuyến xe đi. Qua trái tim ngã ba Đồng Lộc. Máu qua tim máu lọc. Xe vượt ngã ba xe xốc tới miền Nam. Và con ơi, bố ngồi nghĩ miên man...".           

Xe chúng tôi đi trên cung đường êm đềm đầy hương lúa mới, vẫn còn nghe thấy tiếng một đoàn cựu chiến binh ngoại tỉnh đến thăm Đồng Lộc, ca bài Hát mãi khúc quân hành khí thế hào hùng và tiếng thông reo tha thiết xa xa.       

Ghi chép của Diên Khánh


Ý kiến của bạn