Người đi về phía cội nguồn...

01-01-2015 16:16 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Quá nửa chặng đường đi, chị chợt quay tìm để về với chính mình, để về lại được bản thể chân nguyên của cội nguồn văn hóa xứ sở.

Quá nửa chặng đường đi, chị chợt quay tìm để về với chính mình, để về lại được bản thể chân nguyên của cội nguồn văn hóa xứ sở. Và trong cuộc hành trình ấy, những giác ngộ, tự thức nhận của người nghệ sĩ và di sản đồ sộ của cha ông... đã làm nên những bước tiến nghệ thuật.

Nghệ thuật như một thứ “đạo làm người”

Sinh năm 1946, vừa thuộc dòng dõi một gia đình tư sản mới của Hà Nội (bên ngoại) vừa thuộc dòng dõi một gia đình Nho học truyền thống của một miền quê (bên nội), ngay từ khi còn nhỏ Đặng Thị Khuê đã được gửi về sống cùng ông nội ở một vùng nông thôn. Lúc 6 tuổi chị về lại Hà Nội và lớn lên trong một trường đạo của Pháp cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp năm 1954. Tròn 14 tuổi Đặng Thị Khuê vào học khóa 3 năm dự bị đại học dành cho các sinh viên theo học nghệ thuật rồi được phân công về Phú Thọ để dạy học và vẽ tranh cổ động như phần đông những họa sĩ trẻ mới ra trường thời bấy giờ. Chị chỉ trở lại Thủ đô vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Một tâm hồn - năm 1996.

Bản năng nghệ sĩ và trực giác của một tài năng đã sớm đưa Đặng Thị Khuê đến với những trải nghiệm khó quên trên con đường học hành, tu nghiệp cùng lớp nghệ sĩ dưới mái trường xã hội chủ nghĩa thời bấy giờ. Đến trường với một hành trang đầy ký ức và cả ẩn ức, ra trường với những bước đi hăm hở về một trong những miền hiện thực tiêu biểu của thời đại lúc bấy giờ, nhưng những khác biệt ngược chiều về tâm lý thẩm mỹ trong chính con người chị đã gây nên cho Đặng Thị Khuê những ám ảnh không lý giải được. Và đây có lẽ chính là một trong những căn nguyên cho cuộc dấn thân đầy cá tính về sau của nữ họa sĩ.

Là một họa sĩ thành công khá sớm và có nhiều đóng góp trên cả hai phương diện sáng tác và quản lý (chị nguyên là Thường vụ, Thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam 1978 - 1983; Thư ký Hội Nghệ sĩ tạo hình Việt Nam (thời kỳ đổi mới) 1984 - 1989, Đại biểu Quốc hội khóa VII), sự hòa nhập làm một tư cách nghệ sĩ và tư cách công dân trong Đặng Thị Khuê đã giúp chị có được những tác phẩm sơn dầu xuất sắc vào giai đoạn những năm 1975 - 1985. Chị cũng là người có đóng góp tích cực với tư cách của một nhà hoạt động quản lý vào phong trào sáng tác của anh em nghệ sĩ trẻ với nhiều tìm tòi, góp phần vào sự nghiệp đổi mới của mỹ thuật Việt Nam.

Đoạt các giải thưởng Triển lãm Đồ họa Việt Nam, Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc, Triển lãm Mỹ thuật quân đội, Giải thưởng Freeman Asia, Artist Awards... tên tuổi và sự nghiệp đã được khẳng định, nhưng vào cái tuổi không còn trẻ nữa, Đặng Thị Khuê lại bắt đầu dấn thân vào con đường mới mà nhiều người, trong đó có cả những người trẻ tuổi, e ngại.

Quá khứ là một kho báu

Thay vì chịu ảnh hưởng của các phương pháp sáng tác được học trong nhà trường và những bậc thầy trong làng mỹ thuật Việt, Đặng Thị Khuê quyết định tìm con đường riêng, trở lại bản thể mình với những cảm thức về thân phận, về khát vọng sống, trở lại cội nguồn dân tộc và tìm cảm hứng sáng tạo từ ký ức tuổi thơ, từ không gian văn hóa làng quê Việt với những đình chùa, lễ hội dân gian đậm đà bản sắc.

​Ra ngoài bầu trời - năm 2014.

Sau khi rời vị trí lãnh đạo, Đặng Thị Khuê lao vào sáng tác. Chị cập nhật các trào lưu, xu hướng mỹ thuật mới, tham gia nhiều hoạt động mỹ thuật quốc tế, làm một Curato, khéo léo tập hợp đội ngũ nghệ sĩ trẻ cùng tìm tòi sáng tạo.

Không thỏa mãn với tranh vẽ và điêu khắc, Đặng Thị Khuê tìm đến với kỹ thuật bài trí và sắp đặt, một ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình hiện đại. Bắt đầu những cuộc phiêu lưu đi tìm dĩ vãng, đi tìm nguồn cội. Những phác thảo cho nghệ thuật bài trí cùng những khát vọng mơ hồ từ thời trẻ như được hồi sinh. Những cánh tay yểu điệu bắt nguồn từ Thiền - Phật, những dải lụa đủ màu sặc sỡ gợi nhớ tranh tố nữ của nghệ thuật dân gian, những tấm liếp tre, những con chim sẻ, những hàng mã giấy nhuộm... Chị đến với Installation không phải từ cái xã hội hiện đại đầy phức tạp mà là từ truyền thống. Quá khứ, với Đặng Thị Khuê là một kho báu. Trở về với truyền thống, họa sĩ đã gặp đương đại.

Bắt đầu là siêu thực, rồi đến sắp đặt có quy mô, tái hiện những không gian tâm linh đầy ẩn dụ. Khác với các đồng nghiệp đương thời cùng thế hệ, tác phẩm của Đặng Thị Khuê chú tâm vào sự tương tác, hướng đến chiều sâu tâm thức, ký ức, ám ảnh người xem. Những bát đũa xô lệch, những chiếc ghế chỏng chơ, những bàn tay bâng quơ “khi rờ rẫm khi nâng niu” những văn hoa thổ cẩm, những thân thể phụ nữ “ngọc ngà mê hoảng”... Các tác phẩm của chị thốt lên nỗi buồn, thốt lên lời thống thiết về thân phận những người đàn bà, sự cô đơn và niềm thiết tha với cuộc đời này.

“Tác phẩm của Đặng Thị Khuê là hiện thân của tượng trưng và nữ tính. Thiên nhiên đất mẹ choàng lên tác phẩm của chị những không gian chưa từng được thăm dò” - một nhà phê bình nghệ thuật đã nhận xét như vậy.

Là một người có ý thức cách tân và hướng đến nghệ thuật đỉnh cao, quá trình sáng tác của Đặng Thị Khuê có nhiều bước ngoặt, cho thấy sự khao khát tìm tòi đã cháy không nguôi trong con người nghệ sĩ. Quá nửa chặng đường đi, chị chợt quay tìm để về với chính mình, để về lại được “bản thể chân nguyên của cội nguồn văn hóa xứ sở”. Và trong cuộc hành trình ấy, những giác ngộ, tự thức nhận của người nghệ sĩ đã làm nên những bước tiến nghệ thuật. Chị nói trong một lần trả lời phỏng vấn một nhà phê bình: “Càng thực nghiệm tôi càng nhận thấy sự tương đồng kỳ lạ giữa truyền thống với tinh thần đương đại, không chỉ ở quan niệm mà ở cả cách xử lý và thủ pháp”.

Giờ đây, khi đã bước vào tuổi “tri thiên mệnh”, Đặng Thị Khuê vẫn “sôi sục” mỗi khi nói về những dự định nghệ thuật của mình. Mới đây, tháng 10/2014, chị đã tổ chức triển lãm sắp đặt với chủ đề Nhận diện và kết nối như một cách “minh chứng cho sự đồng đại của tư duy minh triết xưa với phát kiến hôm nay”. Với nghệ thuật, chị dường như không có tuổi. Katy Munson, một họa sĩ người Australia đã nhận xét về Đặng Thị Khuê: “Chị là người bằng vài lời, có thể làm ta hào hứng tiết lộ giấc mơ của mình”.

Nga Li

 

 


Ý kiến của bạn