Đàn trời - Lòng người

08-07-2012 07:44 | Văn hóa – Giải trí

Phim Đàn trời của đạo diễn Bùi Huy Thuần do nhà văn Phạm Ngọc Tiến chuyển thể kịch bản từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Cao Duy Sơn,

(SKDS) -  Phim Đàn trời của đạo diễn Bùi Huy Thuần do nhà văn Phạm Ngọc Tiến chuyển thể kịch bản từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Cao Duy Sơn, hiện đang lên sóng giờ vàng trên VTV1 từ thứ 2 - 4 hàng tuần và đã đi được hơn hai phần ba chặng đường, chiếm được cảm tình của khán giả màn ảnh nhỏ. Vì sao?

Những mảng tối chốn quan trường được mổ xẻ

Các phim chính luận trước đây như: Chuyện phố phường, Đất và Người, Ma làng, Ngõ lỗ thủng, Gió làng Kình, Luật đời, Cổ vật, Ngôi biệt thự màu tro lạnh, Chủ tịch tỉnh... đã chiếm được cảm tình của không ít khán giả phía Bắc. Đàn trời là một bộ phim chính luận về phòng chống tham nhũng chắc cũng không nằm ngoài sự quan tâm ấy.

Bộ phim phản ánh khá thành công những “mảng tối” trong chốn quan trường ở một tỉnh lẻ xa trung ương, phố thị. Câu chuyện bắt đầu khi nhóm phóng viên thời sự của Đài PT - TH tỉnh dự định đưa phóng sự điều tra những vụ tiêu cực của một doanh nghiệp đang triển khai dự án từ nguồn vốn Chính phủ. Chủ tịch tỉnh phát lệnh thu hồi phóng sự đó và đưa ra các “biện pháp mạnh”. Có phóng viên bị kẻ lạ mặt dùng súng kíp bắn thuốc độc nên đã bị hôn mê. Còn Trưởng phòng thời sự Vương thì mất việc, phải đi bán xăng, rồi cây xăng cũng bị kẻ xấu đốt, đẩy anh vào cảnh cùng cực. Nhưng một số người tốt đã gửi phóng sự ấy xuống báo đài trung ương. Cuối cùng, phóng sự được phát và Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã vào cuộc. Công lý dần được làm sáng tỏ.

Bình Lãng (một địa danh hư cấu) là một tỉnh miền núi rất nghèo. Hàng năm, Nhà nước phải đầu tư nhiều tiền của thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng các công trình dân sinh cơ bản như: hệ thống điện, đường giao thông, trường học, trạm y tế... nhằm giúp đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo... xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế.

Chủ tịch tỉnh Bình Lãng là Đinh Xuân Ấn (do NSND Hoàng Dũng đóng) là một người đầy mưu lược, đã bị biến chất cùng với Giám đốc Đài PT - TH tỉnh, ông Tuệ (do NSƯT Anh Tú đóng) là một người nhu nhược nên đã bị giám đốc doanh nghiệp xuất thân từ một tay đồ tể “mua đứt”. Cuối cùng, ba người cấu kết lại với nhau thành một “khối thống nhất”, moi tiền của Nhà nước và của nhân dân từ các dự án đầu tư cho những xã đặc biệt khó khăn, rút ruột các công trình xây dựng...

Đối lập lại với những cán bộ tha hóa, biến chất trên là những con người lao động thật thà chất phác và các lãnh đạo, cán bộ ngay thẳng như Phó Chủ tịch tỉnh Bảo, Trưởng phòng Biên tập thời sự Vương, phóng viên Thức, nữ phóng viên trẻ Thục Vy... luôn biết đặt lợi ích của người dân lên trên lợi ích cá nhân, kiên quyết đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng đang hoành hành tại địa phương mình với tinh thần trách nhiệm cao và đạo đức của người làm báo. Vượt lên trên cuộc đấu tranh không khoan nhượng giữa hai bên là các mối quan hệ nhân ái đằm thắm giữa con người với con người, con người với thiên nhiên nơi vùng núi biên cương của Tổ quốc thật nghĩa tình và sâu lắng.

 Một cảnh trong phim Đàn trời.

Không chân dài, hotgirl, không rầm rộ... vẫn hấp dẫn

Theo nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến, anh dựa vào những công việc hàng ngày rất đỗi quen thuộc cùng yếu tố tâm lý của những “người trong cuộc” là các phóng viên truyền hình của VTV ngoài đời thật để xây dựng tính cách nhân vật.

Có một hệ thống hình tượng nhân vật được xây dựng công phu sát thực tế là điều kiện tốt để có một kịch bản hay. Tuy nhiên, từ kịch bản đến khi dựng thành phim là một chặng đường dài và còn có khoảng cách khá xa vì còn phụ thuộc vào các khâu khác như: đạo diễn, êkíp diễn viên cũng như kinh phí đầu tư, năng lực quản lý... cũng là những cái chính yếu để có thể tạo nên một bộ phim hấp dẫn công chúng.

Bùi Huy Thuần hiện nay được đồng nghiệp đánh giá là một đạo diễn đang độ sung sức của mảng phim về đề tài chính luận. Bằng chứng là anh đã tạo được dấu ấn riêng từ các phim trước như:Chủ tịch tỉnh, Ngôi biệt thự màu tro lạnh, Cổ vật... Đàn trời được xem như một bộ phim thuộc sở trường, thế mạnh của anh. Thêm vào đấy, đây là bộ phim được nhà văn Phạm Ngọc Tiến, một người rất có kinh nghiệm chuyển thể hàng chục kịch bản phim thuộc dòng phim chính luận chuyển thể. Nhưng quan trọng là cả người biên kịch và đạo diễn đều đã bị “hút hồn” từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của người bạn văn nghệ, nhà văn Cao Duy Sơn. Đặc biệt là yếu tố “miền núi” của tiểu thuyết đã được nhà văn người dân tộc Tày, từng làm phóng viên của đài PT- TH ở một tỉnh miền núi hơn 20 năm đưa vào sách khá “ngọt”, tạo nền cho bối cảnh phim trở nên lãng mạn, giàu chất thơ hơn. 

Cần phải nói rằng mảng phim chính luận với đề tài phòng chống tham nhũng rất dễ hoặc là khô khan, cứng nhắc, hoặc là đao to búa lớn dẫn đến ân oán giang hồ với nhau, khiến người xem mệt mỏi. Nhưng với Đàn trời, ngay từ tác phẩm văn học, nhà văn Cao Duy Sơn đã khéo lồng ghép các yếu tố “lạ” về phong tục tập quán, truyền thống văn hóa cũng như những sinh hoạt thường nhật của đồng bào các dân tộc thiểu số.
 
Đặc biệt, anh còn đưa thêm yếu tố tâm linh, cái đã ăn sâu vào tâm thức của đồng bào từ bao đời nay, qua tiếng sáo của cụ già xẩm Ky (do Hồng Chương đóng), như kéo con người về với thần linh, cội nguồn tiên tổ, mang tính hướng thiện rất rõ nét. Trong suốt cả bộ phim, người xem được nghe tiếng sáo réo rắt văng vẳng đâu đây, hay ngắm nhìn thác Đàn trời, bờ sông Dâng... là những tình tiết hấp dẫn, chân thật khiến bộ phim thêm sinh động. Tâm linh cũng chính là đạo trời, lòng người dẫn đường chỉ lối cho nhân vật và gỡ nút thắt cho những hành động kịch tính bớt đi sự căng thẳng vốn có của dòng phim này.

Theo đạo diễn Bùi Huy Thuần, phim làm về miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống chưa nhiều, đặc biệt là về đề tài chống tham nhũng thì đây là bộ phim hiếm hoi. Nhưng có thể nói ba khâu cơ bản ban đầu để hình thành một bộ phim chống tham nhũng ở một tỉnh miền núi là tác phẩm văn học, kịch bản chuyển thể và đạo diễn đã tìm được tiếng nói chung.  

Còn một yếu tố cũng quan trọng không kém là êkíp diễn viên, những người trực tiếp để lại ấn tượng đối với công chúng sau khi xem phim. Ở Đàn trời hoàn toàn vắng bóng các kiều nữ chân dài, hotgirl, mà chỉ có một dàn diễn viên gạo cội như NSND Hoàng Dũng, các NSƯT như Diệu Thuần, Anh Tú, Trung Anh... và các diễn viên đã thành danh như Dũng Nhi, Kiều Thanh...

Có thể nói đây là dàn diễn viên say mê với nghề và đã gặt hái được những thành công nhất định từ những vai diễn của mình. Với Đàn trời, tất cả họ đều tròn vai, ngọt vị nên đã đem đến cho khán giả những giờ vàng quí báu. Chỉ hơi tiếc, hầu hết trong số họ đều là diễn viên kịch nên lời thoại chưa thật mềm mại, uyển chuyển, có người, có nơi lời thoại cứng tuồng như diễn kịch làm giảm bớt sự hấp dẫn của bộ phim.

Dù vậy, bộ phim vẫn chiếm được cảm tình của số đông khán giả màn ảnh nhỏ. Âu đấy cũng là sự khẳng định cho một hướng đi đúng đắn của phim truyền hình Việt trong thời gian gần đây.         

  Đỗ Ngọc Yên


Ý kiến của bạn