Những “cột mốc chủ quyền” từ phim tài liệu

11-12-2016 15:13 | Văn hóa – Giải trí

SKĐS - Nhiều năm qua, nền điện ảnh nước nhà đã có không ít tác phẩm, đặc biệt là các bộ phim tài liệu xuất sắc về đề tài biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Nhiều năm qua, nền điện ảnh nước nhà đã có không ít tác phẩm, đặc biệt là các bộ phim tài liệu xuất sắc về đề tài biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Dù ở thời điểm nào, những thước phim về biển đảo Việt Nam cũng để lại dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước... với các thế hệ.

Không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của nhiều tác phẩm điện ảnh đối với đời sống tinh thần con người. Đặc biệt, những bộ phim về biển đảo ở nước ta thời gian qua từng ăn sâu trong tâm trí bao người như Đầu sóng ngọn gió (đạo diễn Nguyễn Ngọc Quỳnh), Trường Sa tháng 4 năm 1988 (Lê Mạnh Thích), Đảo Lý Sơn (Công Thành Đức), Andre Menras - một người Việt, Biển của người Việt (Đào Thanh Tùng)...Các bộ phim này đã góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo, cổ vũ, động viên tinh thần để người dân Việt Nam luôn sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Nói về những bộ phim về biển đảo được sản xuất và ra mắt gần đây nhất, người dân trên khắp cả nước đã được thưởng thức 5 tập phim tài liệu Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời thể hiện quá trình thực thi chủ quyền của Việt Nam đối với các vùng biển, đảo trên biển Đông, trong đó có Hoàng Sa và Trường Sa từ các triều đại phong kiến. Những chứng cứ lịch sử trong nước cũng như nguồn tư liệu tại nhiều nước trên thế giới được đưa vào trong Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời đã khẳng định dân tộc Việt Nam thực sự làm chủ Hoàng Sa và Trường Sa đầu tiên, từ quá trình chiếm hữu và thụ đắc chủ quyền biển đảo hợp pháp của các vương triều phong kiến, cho đến việc thực thi và bảo vệ chủ quyền của các nhà nước kế tục ở Việt Nam trong thời hiện đại. Đáng chú ý, Biển đảo Việt Nam - Nguồn cội tự bao đời đã được trình chiếu tại nhiều trường học, trung tâm giáo dục ở nước ta thời gian qua, từ đó giáo dục thế hệ trẻ hiểu hơn về lịch sử, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

 phim tài liệu

Khán giả nhiều thế hệ khó có thể quên Đầu sóng ngọn gió của đạo diễn Nguyễn Ngọc Quỳnh. Ra đời cách đây đã nhiều thập kỷ, nhưng mỗi lần được phát sóng trên truyền hình, Đầu sóng ngọn gió lại chạm đến trái tim khán giả với những hình ảnh đen trắng cũ kỹ. Bộ phim nói về cuộc sống chài lưới và chiến đấu của nhân dân trên một hòn đảo ngoài khơi vịnh Bắc Bộ. Họ đã ngày đêm đánh trả máy bay Mỹ đến bắn phá đảo, giữ sinh hoạt bình thường. Nhưng trên hết, bộ phim tài liệu này đã khái quát thành công hình tượng kiên cường của người dân Việt Nam trên vùng biển của Tổ quốc, những người dân chài không quen lùi bước trước khó khăn. Sống ở nơi đầu sóng ngọn gió, nếu sợ khó khăn, họ đã không thể tồn tại đến ngày hôm nay. “Trời đẹp lắm, biển khơi đang chờ đợi bạn chài. Nhìn thẳng ra biển Đông, người dân chài Việt Nam tin ở sức mình, ở sức mạnh của dải đất liền màu xanh vĩ đại phía sau kia” - đoạn bình luận trong Đầu sóng ngọn gió khiến người xem thêm vững niềm tin với những ngư dân vẫn ngày đêm bám biển. Đầu sóng ngọn gió từng nhận Huy chương Vàng tại Liên hoan phim quốc tế Mát-xcơ-va năm 1967, trước khi đoạt giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ I - năm 1970.

Trong nhiều năm qua, bộ phim tài liệu kinh điển Trường Sa tháng 4 năm 1988 của đạo diễn - NSND Lê Mạnh Thích vẫn đến với khán giả. Vẫn là đề tài về biển đảo nước Việt, Trường Sa tháng 4 năm 1988 đã mô tả chân thực, xúc động về cuộc sống của những người lính Trường Sa. Đó là những chiến sĩ trên tàu HQ505, các chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn, ngày đêm vật lộn với bão sóng, đề phòng bọn cướp biển, chịu đựng mọi gian khổ, thiếu thốn để hoàn thành nhiệm vụ giữ đảo. Trường Sa tháng 4 năm 1988 đã nêu bật cuộc sống của những người lính Trường Sa chân thực, xúc động, luôn vượt qua gian lao thử thách hoàn thành nhiệm vụ giữ đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hoặc còn đó Biển của người Việt - bộ phim tài liệu là “bằng chứng thép” khẳng định và chứng minh 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trong hơn 500 năm qua khi đạo diễn sử dụng chính những sử liệu, cứ liệu của người Trung Quốc.

Có thể thấy, trong bất kỳ thời gian và điều kiện nào, biển đảo quê hương thật gần gũi với nhân dân cả nước, với nghệ thuật. Và nghệ thuật đã khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong mỗi người dân bằng ngôn ngữ đặc thù của mình. Nhưng trên tất cả, đằng sau mỗi tác phẩm là tình cảm sâu sắc của văn nghệ sĩ nói riêng, nhân dân cả nước nói chung dành cho biển đảo - một phần máu thịt không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.


Quỳnh Hoa
Ý kiến của bạn