Hà Nội

Nếu thực hiện nghiêm, đúng chỉ đạo thì chắc chắn sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19

01-04-2020 18:53 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 diễn ra chiều nay-1/4, Ban Chỉ đạo nhấn mạnh: Nếu chúng ta thực hiện đúng, nghiêm sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia thì chắc chắn sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng.

Việt Nam đã chủ động ngay từ đầu

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo đã thảo luận các nội dung: Thống nhất hành động, phối hợp chặt chẽ tổ chức thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phòng chống dịch bệnh; điều chỉnh lại việc bố trí công năng của các bộ phận khám chữa bệnh; làm việc theo tổ đội trong các bệnh viện; hỗ trợ các bệnh viện tư nhân; chuẩn bị các điều kiện phục vụ công tác điều trị trong tình hình mới; tổ chức công tác cách ly và đưa người đã hoàn thành cách ly về địa phương; bảo đảm vệ sinh dịch tễ tại các siêu thị, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; công tác truyền thông phòng, chống dịch bệnh;…

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (virus SARS-CoV-2) họp, chiều 1/4. Ảnh: VGP/Đình Nam

Ngay từ đầu, Việt Nam đã chủ động áp dụng các biện pháp sớm, cao hơn khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (Việt Nam là nước đầu tiên trên thế giới  áp dụng khai báo y tế bắt buộc với người nhập cảnh từ Trung Quốc vào ngày 8/2 và với tất cả những người nhập cảnh từ ngày 07/3).

Việt Nam cũng là một trong số ít nước áp dụng biện pháp ngừng miễn visa, hạn chế nhập cảnh. Đặc biệt, Việt Nam áp dụng hình thức cách ly tập trung với người nhập cảnh từ hoặc đi qua các vùng dịch và với tất cả mọi người nhập cảnh từ ngày 21/3/2020.

Vào thời điểm cuối tháng 2, đầu tháng 3, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam chưa thể thực hiện triệt để được các biện pháp ngăn chặn từ bên ngoài như nhiều quốc gia khác. Vì vậy trước ngày 21/3/2020, đã có hàng trăm ngàn người nhập cảnh vào Việt Nam, đã đi khắp đất nước và tiếp xúc với rất nhiều người nên thực tế là đã có mầm bệnh thâm nhập vào cộng đồng.

Vì vậy, Việt Nam đã thiết lập các cơ chế để phát hiện những người nhiễm bệnh, truy vết những người có nguy cơ lây nhiễm để cách ly, khoanh vùng nhanh nhất có thể. Cơ chế này dần được hoàn thiện và đã giúp xác định các ổ dịch, ổ dịch tiềm năng từ đó tập trung dập ngay từ sớm. Đặc biệt là đối với các chuyến bay có người sau đó được phát hiện là nhiễm bệnh.

Số ca nhiễm ở Việt Nam tăng chậm hơn rất nhiều

Ban Chỉ đạo nhận định đến nay số ca nhiễm ở Việt Nam không tăng theo quy luật của thế giới, bởi chúng ta có những giải pháp phòng chống dịch hiệu quả cao. Trong giai đoạn đầu, Việt Nam đã ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 22/1, tới ngày 11/2/2020 có 16 ca và toàn bộ 16 ca này đã được chữa khỏi

Sang giai đoạn 2, từ ngày 6/3 (thời điểm xuất hiện bệnh nhân thứ 17) đến nay chúng ta mới chỉ có tổng 212 người nhiễm COVID-19 (cả hai giai đoạn) đứng thứ 88 thế giới, chưa có bệnh nhân tử vong (chỉ 5 nước có trên 200 ca nhiễm bệnh chưa có bệnh nhân tử vong)... Do đó, trong thời gian tới cả hệ thống cần tiếp tục tập trung thực hiện thật tốt các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo để triển khai phòng, chống dịch hiệu quả.

Bước sang giai đoạn 2, tính từ ngày 6/3 khi phát hiện ca bệnh thứ 17. Tới ngày 19/3 cả nước đã có 100 ca nhiễm. Như vậy thời gian từ 1 lên 100 ca của Việt Nam là 57 ngày dài hơn so với mức trung bình trên thế giới là 30 ngày. Nếu trừ đi 16 ca giai đoạn 1 thì ngày 21/3/2020, Việt Nam có 100 ca nhiễm bệnh mới.

Từ mốc 100 ca đến 1000 ca, thời gian trung bình trên thế giới là khoảng từ 7 đến 9 ngày. Riêng Nhật Bản là khoảng 28 ngày. Tại Việt Nam, kể từ mốc 100 thì sau 7 ngày có 171 ca, sau 9 ngày có 203 ca. Như vậy, tình hình số ca nhiễm ở Việt Nam tăng chậm hơn rất nhiều vì Việt Nam thực hiện các giải pháp chủ động, kịp thời, sớm và và hiệu quả.

Đến thời điểm ngày 1/4/2020, Việt Nam có tổng số 212 ca dương tính (bao gồm 16 ca giai đoạn 1), trong đó 63 ca đã khỏi bệnh, 43 ca đã âm tính từ 02 lần trở lên. Như vậy hiện còn 149 ca bệnh COVID-`19 trong đó 54 ca đã âm tính 1 lần. (4 ca bệnh nặng đã có 3 ca không cần thở máy, 1 ca chuẩn bị chuyển từ ECMO sang thở máy). Chưa có bệnh nhân nào tử vong.

Hiện nay còn 2 ổ dịch đang được theo dõi sát sao là quán Bar Buddin ở TP Hồ Chí Minh và Bệnh viện Bạch Mai. Về cơ bản 2 ổ dịch này đã xác định được nguồn lây chính và đang tiến hành thống kê, rà soát các đối tượng có nguy cơ lây nhiễm. Ngoài ra, mỗi ca dương tính mà chưa xác định rõ được nguồn lây đều được coi là một ổ dịch tiềm năng.

Nếu chúng ta thực hiện đúng, nghiêm sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia thì chắc chắn sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan rộng trong cộng đồng.

Theo đó, mỗi người dân cũng cần thực hiện các hướng dẫn của ngành y tế đặc biệt là hạn chế tối đa tiếp xúc, chỉ đi ra ngoài khi thực sự cần thiết và nếu phải đi ra ngoài thì luôn đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m và thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.

2 nhánh xét nghiệm

Về xét nghiệm, tại cuộc họp, PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Tiểu ban Điều trị cho biết: Hiện nay có 2 nhánh xét nghiệm. Một là phải sử dụng máy móc để tìm ra sự hiện diện của virus trong cơ thể với độ chính xác rất cao (nếu được thực hiện đúng). Hai là phát hiện kháng thể khi cơ thể đã bị nhiễm virus sau một thời gian (ít nhất là 3 ngày).

Trong nhánh thứ hai này, có loại xét nghiệm nhanh, kết quả đọc được trong vòng 10-15 phút và không cần máy móc. Tại Việt Nam hiện đã nhập khẩu sản phẩm test này từ Hàn Quốc.

Test nhanh có đặc điểm là độ nhạy, độ chính xác thấp hơn (Độ nhạy khoảng 65 – 80% và cơ thể càng bị nhiễm lâu càng nhạy; độ đặc hiệu khoảng 60 – 70% vì phản ứng chéo với kháng thể sinh ra đối với các loại vi rút, vi khuẩn khác).

Vì vậy loại xét nghiệm này sẽ phát huy tác dụng tốt nhất trong tình huống đã có rất nhiều người nhiễm bệnh, cần xét nghiệm để lọc ra những người đã mắc bệnh nhiều ngày (hơn 3 ngày) để tập trung theo dõi, điều trị. Bộ Y tế đã cho nhập một số lượng để dự phòng cho tình huống này.

Đối với nước ta, hiện chưa có nhiều người lây nhiễm nên phương án tốt nhất là cách ly những người nghi nhiễm và làm xét nghiệm bằng máy móc để xác định chính xác.

Trường hợp có một cộng đồng nhỏ cần có đánh giá nhanh để dự báo mức độ nhiễm bệnh thì có thể sử dụng nhưng không được coi kết quả để kết luận là nhiễm bệnh hay chưa nhiễm bệnh.

Hiện TP Hà Nội đã sử dụng xét nghiệm nhanh để sơ bộ đánh giá mức độ lây lan để từ đó có phương án ứng phó phù hợp.

“Hiện nay với Bệnh viện Bạch Mai, cơ bản được quản lý và kiểm soát”

Tại cuộc họp, vấn đề được đưa ra thảo luận để bổ sung vào phương án 4 khi Hà Nội bước vào giai đoạn có hang chục nghìn người mắc bệnh COVID-19. Theo đó Hà Nội đã rà soát đến thời điểm này đã chuẩn bị 1000 giường bệnh tại 5 bệnh viện để thu dung, điều trị bệnh nhân mắc, trong đó cũng tính toán số lượng máy thở là 10 máy/ 100 bệnh nhân.

Bộ Y tế cũng đề nghị Hà Nội tính đến các phương án điều chuyển bệnh nhân về các tỉnh xung quanh khi Hà Nội quá tải.

Liên quan đến vấn đề xét nghiệm, tại cuộc họp, ông Ngô Văn Quý, toàn TP Hà Nội, qua điều tra đã xác định trên 16.700 người liên quan Bệnh viện Bạch Mai. Hà Nội đã lên danh sách này, thống nhất cách ly tại gia đình, các cơ sở cách ly tập trung và triển khai xét nghiệm sàng lọc ca dương tính sẽ lập tức đưa vào bệnh viện điều trị, với các ca âm tính tiếp tục cách ly đủ 14 ngày.

Lấy mẫu xét nghiệm virus gây COVID-19 tại Bệnh viện Bạch Mai                               Ảnh: Thế Anh

Kết quả xét nghiệm tại bệnh viện Bach Mai cho biết: toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế và bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện Bạch Mai đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Trong đó 158 bác sỹ, điều dưỡng tại Trung tâm Nhiệt Đới và C4, viện Tim mạch đã cách ly đủ 14 ngày.

Nhắc lại việc xét nghiệm bước đầu cho 783 người tại các điểm xét nghiệm di động đã phát hiện 3 ca phản ứng dương tính nhưng sau đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội thực hiện xét nghiệm khẳng định lại cho kết quả âm tính, ông Quý nói: “Bước đầu đã thấy yên tâm”.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ phối hợp Bộ Y tế tập trung mọi nguồn lực xét nghiệm toàn bộ các trường hợp liên quan Bệnh viện Bạch Mai trên địa bàn thành phố để sàng lọc, cách ly và thực hiện các biện pháp phòng chữa bệnh trên địa bàn. “Hiện nay với Bệnh viện Bạch Mai, cơ bản được quản lý và kiểm soát” – ông Quý khẳng định


Thái Bình
Ý kiến của bạn