Thông tin trong bài viết được tư vấn bởi ThS.BS Lê Trịnh Thủy Tiên - Hội Dinh dưỡng Lâm sàng Việt Nam
Sốt sau tiêm vaccine COVID-19, hạn chế đồ ăn cứng, khó tiêu hóa
Sau khi tiêm vaccine COVID-19, cơ thể có thể sẽ xuất hiện phản ứng mệt mỏi, chán ăn, sốt, sưng đau... Vì vậy, không nên ăn đồ cứng, đồ khó tiêu hoá như phô mai, nước sốt kem, thịt và thức ăn chiên rán vì sẽ rất khó hấp thụ.
Người đi tiêm vaccine phòng COVID-19 về tốt nhất nên dùng thức ăn mềm, dễ tiêu hóa như súp gà, cháo thịt băm với đậu xanh, súp rau... và chia nhỏ bữa ăn.
Thực phẩm chứa nhiều đường
Các loại thực phẩm chứa nhiều đường có thể dẫn đến căng thẳng, lo lắng và giấc ngủ bị xáo trộn, điều này sẽ khiến cơ thể mệt mỏi hơn sau khi tiêm.
Tất cả các loại đồ ăn vặt, nhất là đồ ăn ngọt như bánh kẹo đều phải được tránh trong vài ngày sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19. Có thể thay thế bằng trái cây, đậu phộng, salad rau, bánh mì kẹp rau…
Thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa
Nhiều cuộc khảo sát về chế độ dinh dưỡng của người dân trong mùa dịch cho thấy, lượng tiêu thụ các thực phẩm chế biến giàu đường, chất béo tăng cao trong mùa dịch. Việc tiêu thụ nhiều thực phẩm chế biến chứa chất phụ gia có thể làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Cụ thể, người ăn nhiều thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều chất béo bão hòa có nguy cơ cao gây béo phì, viêm miễn dịch và kháng insulin, dẫn đến xơ gan, suy gan, rối loạn điều hòa hệ thống miễn dịch. Vì vậy:
- Người sau tiêm vaccine phòng COVID-19 không nên ăn nhiều các thực phẩm như phần thịt nhiều mỡ như ba chỉ bò, lợn và cừu, da gà, mỡ lợn...
- Thực phẩm từ sữa giàu chất béo (sữa nguyên chất, bơ, phô mai, kem chua, kem…).
- Các loại dầu nhiệt đới như dầu dừa, dầu cọ, bơ ca cao.
- Các thực phẩm chiên ngập dầu như khoai tây rán, thức ăn nhanh…
- Thực phẩm chế biến sẵn như pizza đông lạnh, xúc xích, lạp sườn…
Để hỗ trợ tốt nhất cho hệ thống miễn dịch sau khi tiêm chủng, đặc biệt là khi có tình trạng sốt sau tiêm vaccine nên ưu tiên ăn các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và kháng viêm. Lưu ý bổ sung thêm các loại thực phẩm nguyên hạt có nhiều vitamin, khoáng chất, tốt cho sức khỏe như: bánh mì nguyên hạt, yến mạch, gạo lứt, ngô… Bổ sung rau vào bữa trưa và bữa tối, kết hợp thêm trái cây vào bữa sáng và những bữa ăn nhẹ hàng ngày.
Không sử dụng rượu bia khi bị sốt sau tiêm vaccine COVID-19
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Hoa Kỳ, cho đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy việc uống rượu làm giảm hiệu quả của vaccine COVID-19. Cũng không có bằng chứng cho thấy vaccine COVID -19 không an toàn đối với những người sử dụng rượu bia.
Tuy nhiên, CDC và các chuyên gia đặc biệt cảnh báo, người dân, nhất là những người có thói quen uống nhiều bia khi háo nước nên tránh uống rượu bia trước và sau khi tiêm vaccine vì rượu bia có khả năng ức chế hệ thống miễn dịch, có thể khiến cơ thể mất nước. Tốt nhất, nên kiêng uống rượu bia trong vòng 3 ngày hoặc lâu hơn sau khi tiêm chủng.
Không những thế, rượu còn làm suy yếu khả năng chống nhiễm trùng của cơ thể, tăng nguy cơ biến chứng và có thể gây khó khăn trong công tác phân biệt phản ứng của rượu và phản ứng của vaccine, đặc biệt là phản ứng sốt sau tiêm vaccine phòng COVID-19.
Ngoài ra, rượu bia được chứng minh là chất làm căng thẳng hệ miễn dịch. Cụ thể, rượu có thể giúp người uống ngủ nhanh hơn nhưng lại gây rối loạn giấc ngủ, ảnh hưởng không tốt đến chất lượng và thời lượng giấc ngủ tổng thể, tác nhân gây rối loạn chức năng miễn dịch tối ưu.
Không nên sử dụng đồ uống chứa caffein
Caffein thường có trong trà, cà phê... có thể làm tăng tần số tim, tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim khi sử dụng quá nhiều. Chính vì vậy, không nên uống cà phê, trà sau tiêm để tránh ảnh hưởng đến kết quả khám sàng lọc, chỉ định tiêm chủng.
Sau tiêm có thể có phản ứng sốt, đây là phản ứng thường gặp của hệ miễn dịch sau khi tiêm vaccine . Khi bị sốt sau tiêm vaccine COVID-19, cơ thể dễ mất nước, do đó việc bù nước là điều tuyệt đối quan trọng. Nước lọc, nước trái cây là những đồ uống được ưu tiên.
Cách tính lượng nước bù cần theo cân nặng của mỗi người. Nhu cầu nước cơ bản của người trưởng thành là 35 - 40ml/kg/ngày. Đối với người lớn tuổi lượng nước hàng ngày từ 30 - 35ml/kg/ngày. Ưu tiên uống nước ấm, uống từ từ từng ngụm. Nếu có cảm giác ớn lạnh có thể pha nước gừng ấm, vì gừng có tính nóng nên rất hữu ích trong việc làm ấm cơ thể.