Nếu sợ chết - Đừng học ngành y

17-11-2013 08:10 | Quốc tế
google news

Đừng học ngành y… Nếu sợ chết, đừng chọn cánh cửa này - Một biểu ngữ tại cuộc biểu tình của các nhân viên y tế tại TP Ôn Lĩnh ngày 28-10.

Đừng học ngành y… Nếu sợ chết, đừng chọn cánh cửa này - Một biểu ngữ tại cuộc biểu tình của các nhân viên y tế tại TP Ôn Lĩnh ngày 28-10.

Theo số liệu từ Bộ Y tế Trung Quốc (TQ), năm 2012, nước này đã có bảy nhân viên y tế bị bệnh nhân giết chết, 28 nhân viên bị thương, nạn nhân chủ yếu là các bác sĩ. Ngoài ra, mỗi năm có tới hàng chục ngàn nhân viên y tế bị bệnh nhân và người nhà đánh, đe dọa, bắt cóc, chửi rủa…

Một báo cáo của Hiệp hội Bệnh viện TQ hồi tháng 8 cho thấy trung bình mỗi năm một bệnh viện TQ xảy ra 27 vụ bệnh nhân hoặc người nhà tấn công bác sĩ, nhân viên bệnh viện, con số này tăng đều mỗi năm.

Thu nhập bác sĩ quá bèo

Theo Thời báo Hoàn cầu, đây là hậu quả của những bức xúc, bất mãn lâu dài của bệnh nhân với nhiều bất cập của hệ thống y tế TQ.

Nỗ lực phủ rộng bảo hiểm y tế của Bộ Y tế TQ dường như có tác dụng ngược khi việc này đồng nghĩa nhiều người có khả năng và nhu cầu tiếp cận các dịch vụ chăm sóc y tế hơn, trong khi đó số lượng bác sĩ và chất lượng các dịch vụ lại còn thiếu và yếu. Số bệnh nhân nhập viện tăng 2,5 lần trong thời gian trên. Tại rất nhiều bệnh viện lớn, hằng đêm đều có bệnh nhân nằm la liệt ngoài sân chờ lấy số thứ tự vào khám bệnh. Trong khi đó, theo số liệu của Ngân hàng Thế giới năm 2010, TQ chỉ có 1,4 bác sĩ/1.000 dân so với 2,4 bác sĩ/1.000 dân ở Mỹ.

Một khảo sát của trang mạng y khoa Dingxiangyuan (TQ) tháng 2-2012 trên hơn 10.000 bác sĩ cho thấy đa số họ phải khám, chữa cho 50-100 bệnh nhân mỗi ngày. Vì lượng bệnh nhân quá đông dẫn đến thời gian giao tiếp giữa bác sĩ và bệnh nhân không nhiều, trung bình chỉ năm phút mỗi lần khám, dẫn đến nhiều bệnh nhân bất mãn với thái độ vô cảm của bác sĩ. Theo chuyên gia về cải cách y tế Yên Trung Hoàng, đó là phần lớn vấn đề.

Nếu sợ chết - Đừng học ngành y 1
Nhân viên y tế TP Ôn Lĩnh (Chiết Giang, TQ) biểu tình yêu cầu tăng an ninh cho họ ngày 28-10. Ảnh: AP

Theo GS Trịnh Tân Nghiệp tại ĐH Thanh Hoa, chính thực tế thu nhập bác sĩ quá thấp đã dẫn đến thái độ phục vụ bệnh nhân sơ sài và tình trạng nhận đút lót… góp phần đẩy cao sự bất mãn của bệnh nhân và người nhà với bác sĩ.

Bác sĩ mới vào nghề ở các đô thị lương chỉ khoảng 3.000 nhân dân tệ/tháng (hơn 10 triệu đồng VN), bằng mức lương trung bình sinh viên tốt nghiệp các ngành nghề khác dù công việc cực hơn và nhiều rủi ro hơn. Lương của bác sĩ mới vào nghề ở nông thôn còn thấp hơn.

Theo Nhân dân nhật báo, sự bất mãn với hệ thống y tế cũng tồn tại cả trong bản thân nhiều bác sĩ. Một khảo sát năm 2011 của Hiệp hội Bác sĩ TQ cho thấy 95% trong 6.000 bác sĩ tham gia cho biết họ nhận lương không tương xứng công sức bỏ ra (vốn chỉ cao hơn công nhân lao động phổ thông có 19%), 78% nói rằng họ không muốn con cái nối nghiệp.

Khi TQ mở cửa thị trường đầu thập niên 1980, các bệnh viện được phép mua bán thuốc và công nghệ y khoa. Các bác sĩ được hưởng hoa hồng khi góp phần giúp bệnh viện bán thuốc và các xét nghiệm cho bệnh nhân. Vì thế tình trạng bác sĩ kê đơn thuốc tùy tiện và chỉ định bệnh nhân làm các xét nghiệm không cần thiết ngày càng nhiều, dẫn đến chi phí bệnh nhân phải chịu tăng cao. Trả lời phỏng vấn báo China Youth Daily (TQ), một số chuyên gia y tế không nêu tênthừa nhận tuy lương của bác sĩ không cao nhưng các khoản thu nhập không công khai của họ thì rất cao.

Chuyên gia y tế cộng đồng Lưu Ký Đồng tại ĐH Bắc Kinh chỉ trích chính việc thương mại hóa dịch vụ y tế là nguyên nhân. Theo ông, một khi hệ thống y tế quyết định theo đuổi mục tiêu kiếm tiền thì niềm tin của bệnh nhân vào bác sĩ không còn nữa.

Năm 2012, Trung Quốc đã chi 720 tỉ nhân dân tệ (2.472.950 tỉ đồng VN) cho ngành y tế, tăng 12% so với năm 2011. Vài năm qua, ngành y tế đã nhận hàng ngàn tỉ nhân dân tệ từ chính phủ nhưng chi phí y tế bệnh nhân phải chịu không hề giảm mà còn tăng, điều kiện chăm sóc cũng không được cải thiện. Những năm qua, chi phí dành cho chăm sóc sức khỏe, điều trị bệnh của các hộ gia đình TQ tăng trung bình 2,3% mỗi năm, theo số liệu trên tạp chí y khoa The Lancet (Anh) tháng 3-2012. Vì phải chi trả nhiều hơn nên kỳ vọng của bệnh nhân vào bác sĩ cũng nhiều hơn và nếu kỳ vọng không đạt được sẽ rất dễ biến thành bất mãn, phẫn nộ.

Chưa có giải pháp tận gốc

Sau sự việc trưởng khoa Tai Mũi Họng BV Ôn Lĩnh bị bệnh nhân đâm chết, ngày 28-10, hơn 300 nhân viên y tế Ôn Lĩnh đã xuống đường biểu tình phản đối thực trạng này, yêu cầu chính phủ có biện pháp đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế, theo Thời báo Hoàn cầu.

Chính phủ Trung Quốc đã chỉ đạo các bệnh viện tăng cường an ninh sau sự việc. Ngày 29-10, Sở Y tế tỉnh Chiết Giang đề nghị các bệnh viện tăng cường các biện pháp an ninh như trang bị các hệ thống kiểm tra, giám sát, chuông báo động, lập thêm các đội bảo vệ để đảm bảo an ninh cho nhân viên y tế.

Trước đó, ngày 12-10, Ủy ban Kế hoạch hóa gia đình và sức khỏe quốc gia TQ yêu cầu các bệnh viện phải dành ra ít nhất 3% nhân sự cho việc bảo vệ an ninh, ít nhất 20 giường bệnh phải có một nhân viên bảo vệ.

Sau vụ nữ bác sĩ ở Hồ Nam bị đâm chết năm 2012, TQ đã lập một mạng lưới an ninh gồm các đội cảnh sát phản ứng nhanh với các xung đột ở bệnh viện nhằm ngăn chặn những vụ việc tương tự xảy ra, bác sĩ ở các TP lớn được huấn luyện phương cách tự vệ. Bộ Y tế tuyên bố bất cứ ai mang chất dễ cháy, chất nổ vào bệnh viện đe dọa, sỉ nhục, làm bị thương nhân viên y tế sẽ bị ghép vào tội hình sự.

Sau vụ bác sĩ ở Hắc Long Giang bị đâm chết, bên cạnh kêu gọi các bệnh viện tăng cường an ninh, Bộ Y tế TQ cũng đề nghị các bác sĩ chú ý cải thiện khả năng giao tiếp với bệnh nhân, đồng thời ban hành bản quy tắc ứng xử dành cho các bác sĩ, trong đó quy định bác sĩ không được nhận đút lót từ bệnh nhân, tiền huê hồng từ các công ty dược.

Tuy nhiên, theo các bác sĩ thì những biện pháp tăng cường an ninh chỉ là giải pháp tạm thời. Thậm chí bác sĩ họ Đặng ở Bắc Kinh còn lo ngại căng thẳng giữa bệnh nhân và nhân viên y tế có thể trở nên khắc nghiệt hơn nữa nếu bệnh nhân bị buộc phải trải qua các bước kiểm tra an ninh, đặc biệt trong tình huống họ bị bệnh nặng. Chưa kể, để có được ngân sách chi trang bị các thiết bị an ninh, có thể các bệnh viện sẽ phải nghĩ cách tận thu thêm tiền từ bệnh nhân, trực tiếp làm xấu hơn quan hệ với bệnh nhân.

Các chuyên gia và bản thân nhiều bác sĩ yêu cầu chính phủ nên có biện pháp xử lý rốt ráo các bất cập của hệ thống y tế, triệt tiêu tận gốc tình trạng tham nhũng mới có hy vọng giải quyết được thực trạng này.

Ngày 25-10 tại BV TP Ôn Lĩnh, tỉnh Chiết Giang, một bệnh nhân đã dùng dao đâm chết trưởng khoa Tai Mũi Họng và đâm bị thương hai bác sĩ khác. Ngày 21-10, một bác sĩ ở Quảng Châu bị người nhà bệnh nhân đánh hội đồng. Ngày 20-10, một bác sĩ ở tỉnh Liêu Ninh bị một bệnh nhân đâm sáu nhát. Ngày 17-10, một bệnh viện ở Thượng Hải bị người nhà bệnh nhân đập phá sau khi bệnh nhân này chết sau điều trị. Ngày 13-4, một bác sĩ ở Bắc Kinh bị bệnh nhân đâm…

Tháng 8-2012 tại tỉnh Hồ Nam, một nữ bác sĩ đã bị bệnh nhân mình điều trị đâm đến 28 nhát. Ngày 23-3-2012, một bác sĩ thực tập ở tỉnh Hắc Long Giang bị một bệnh nhân đâm chết. Tháng 9-2011, một bệnh nhân ung thư đâm một bác sĩ 17 nhát….

_______________________________________________

Không phải vụ việc bệnh nhân tấn công bác sĩ nào thì bác sĩ cũng có lỗi. Bệnh nhân trong vụ đâm chết một bác sĩ và đâm bị thương ba bác sĩ khác ở Hắc Long Giang trước khi tự sát bất thành hồi tháng 3-2012 nói với cảnh sát rằng anh ta cảm thấy căm hận bác sĩ khi mình đã đi một quãng đường xa để đến được bệnh viện mà lại bị từ chối chữa trị với một thái độ rất tệ. Thực ra đây là một ca hiểu lầm, hồ sơ bệnh án cho thấy bệnh nhân này bị viêm đốt sống và lao. Bác sĩ từ chối chữa trị bệnh viêm đốt sống trước theo yêu cầu bệnh nhân vì sợ thuốc sẽ gây nguy hiểm lên bệnh nhân có bệnh lao, yêu cầu bệnh nhân phải chữa dứt bệnh lao trước rồi mới tới viêm đốt sống nhưng bệnh nhân không hiểu.

Theo Pháp luật TP.HCM


Ý kiến của bạn