Hà Nội

Nếu rơi vào tình trạng hậu COVID-19, nên làm gì?

28-01-2022 07:06 | Y học 360

SKĐS - Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đa số người bệnh hồi phục hoàn toàn sau khi mắc COVID-19, nhưng có khoảng từ 10 - 20% bị ảnh hưởng lâu dài, biểu hiện ở mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, gọi là tình trạng hậu COVID-19.

1. Thế nào là tình trạng hậu COVID-19?

Bệnh nhân sau khi mắc COVID-19 và khỏi bệnh nhưng lại gặp phải một loạt các vấn đề về sức khỏe mới. Những vấn đề này có thể gặp phải trong khoảng 4 tuần trở lên sau lần đầu tiên bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 và mắc COVID-19. Thậm chí, có những người không có các triệu chứng COVID-19 trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần sau khi bị lây nhiễm, vẫn có thể có các biểu hiện hậu COVID-19. Những tình trạng này có thể xuất hiện rất đa dạng có thể đồng thời cùng một lúc hoặc trong khoảng thời gian khác nhau.

Tình trạng hậu COVID-19 có thể được biết đến với các tên khác nhau như: Di chứng COVID, hội chứng COVID kéo dài, COVID-19 hậu cấp tính, tác động lâu dài của COVID hoặc COVID mạn tính.

Nếu bị hậu COVID-19, nên làm gì?  - Ảnh 1.

Khi có các triệu chứng hậu COVID-19, cần đi khám bệnh.

Hiện nay, các chuyên gia trên toàn thế giới đang nỗ lực tìm hiểu thêm về các ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn đối với sức khỏe liên quan đến COVID-19. Tính đến tháng 7 năm 2021 hội chứng "COVID kéo dài," còn gọi là di chứng hậu COVID có thể được coi là một dạng khuyết tật theo Đạo luật về người khuyết tật Hoa Kỳ (ADA).

Còn theo WHO, định nghĩa hậu COVID-19 là tình trạng bệnh lý xuất hiện ở những người có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2, thường xuất hiện trong vòng 3 tháng sau khi khởi phát COVID-19 với triệu chứng có tác động đến cơ thể và kéo dài ít nhất 2 tháng. Các triệu chứng và ảnh hưởng của nó cũng cần chú ý chẩn đoán phân biệt với các bệnh lý khác.

2. Các biểu hiện của tình trạng hậu COVID-19

Một số người có thể gặp phải một số triệu chứng ngay từ khi mắc COVID-19 và có thể kéo dài nhiều tuần hay nhiều tháng kể từ lần đầu tiên bị nhiễm virus SARS-CoV-2, nhưng cũng có thể phát sinh hoặc tái phát triệu chứng ở giai đoạn hồi phục. Không giống như một số loại hội chứng hậu bệnh lý khác có xu hướng chỉ xảy ra ở những người đã bị bệnh nặng, hậu COVID-19 có thể xảy ra với bất kỳ ai đã bị mắc COVID-19, ngay cả khi bị bệnh nhẹ, hoặc không triệu chứng, với các biểu hiện sau:

  • Khó thở hoặc cảm giác hụt hơi.
  • Mệt mỏi hay chóng mặt.
  • Các triệu chứng sẽ nặng hơn sau các hoạt động thể lực hoặc tinh thần.
  • Ảnh hưởng đến trí nhớ, khả năng tập trung tư tưởng và rối loại giấc ngủ.
  • Ho kéo dài.
  • Đau ngực.
  • Thay đổi giọng nói.
  • Đau cơ.
  • Mất vị giác hoặc rối loạn cảm giác vị giác, khứu giác.
  • Đau đầu.
  • Đau cơ hay đau khớp.
  • Trầm cảm hoặc lo lắng.
  • Sốt.

Ở những người mắc tình trạng hậu COVID-19 sẽ ảnh hưởng rõ rệt tới các hoạt động trong cuộc sống, ảnh hưởng cả trong công việc, nội trợ và sinh hoạt hằng ngày.

Chúng ta cần chú ý tới những ảnh hưởng đa cơ quan của COVID-19. Một số người đã từng mắc bệnh do COVID-19 nặng gặp phải các ảnh hưởng đa cơ quan hoặc bệnh tự miễn dịch trong một thời gian dài kèm theo các triệu chứng kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau khi mắc COVID-19. Ảnh hưởng đa cơ quan có thể tác động tới nhiều các cơ quan hệ thống trong cơ thể, bao gồm các chức năng tim, phổi, thận, da và não.

Tình trạng tự miễn xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh trong cơ thể do nhầm lẫn và dẫn đến viêm hoặc tổn thương mô ở những bộ phận cơ thể bị tấn công.

Mặc dù rất hiếm nhưng một số người, thường gặp là trẻ em, gặp phải hội chứng viêm đa hệ thống. Hội chứng này có thể xuất hiện trong hoặc ngay sau khi nhiễm COVID-19. Hội chứng viêm đa hệ thống là tình trạng khi đó các bộ phận cơ thể khác nhau bị viêm, có thể dẫn đến các tình trạng sau khi mắc COVID nếu tiếp tục gặp các ảnh hưởng đa cơ quan hoặc có các triệu chứng khác.

Cuối cùng ta cần chú ý tới ảnh hưởng khi bệnh nặng phải nhập viện do COVID-19: Nhập viện và mắc các bệnh nghiêm trọng liên quan đến phổi do COVID-19 có thể gây ra những ảnh hưởng đến sức khỏe như suy nhược nặng và kiệt sức trong thời gian hồi phục.

Ảnh hưởng của việc nhập viện cũng có thể bao gồm hội chứng hậu săn sóc đặc biệt ở phòng hồi sức cấp cứu, tức là các ảnh hưởng sức khỏe bắt đầu khi một người ở trong phòng săn sóc đặc biệt và có thể vẫn tồn tại sau khi xuất viện. Những ảnh hưởng này có thể gồm suy nhược cơ thể nặng, ảnh hưởng đến trí nhớ, tư duy và rối loạn căng thẳng sau sang chấn tâm lý.

Nếu bị hậu COVID-19, nên làm gì?  - Ảnh 3.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 để tránh mắc bệnh.

Hiện khó có thể biết liệu những triệu chứng này là do ảnh hưởng của việc nhập viện, tác động kéo dài của virus hay do cả 2 yếu tố này hay không. Ngoài ra, những tình trạng này cũng có thể phức tạp hơn do các tác động khác liên quan đến đại dịch COVID-19, bao gồm các yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần do bị cách ly y tế, tình hình kinh tế của bản thân và gia đình bị ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch và thiếu khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe để quản lý các bệnh đồng mắc hoặc các bệnh tiềm ẩn. Những tác nhân này ảnh hưởng tới cả những người đã từng mắc hoặc chưa từng mắc COVID-19.

3. Nên làm gì khi có biểu hiện của tình trạng hậu COVID-19?

Khi thấy có những biểu hiện trên sau khi mắc COVID-19, nên tìm đến nhân viên y tế. Các bác sĩ sẽ xác định tình trạng bệnh và hướng dẫn điều trị triệu chứng và những chăm sóc sức khỏe cần thiết.

Hiện nay, việc điều trị tình trạng hậu COVID-19 là điều trị không đặc hiệu, có nghĩa là điều trị triệu chứng, chăm sóc toàn diện, phục hồi chức năng. Chúng ta vẫn còn đang tiếp tục nghiên cứu xem tại sao một số người lại mắc tình trạng này, trong khi đa số không mắc, cơ chế bệnh sinh dẫn đến tình trạng này ra sao và cách xử trí điều trị tốt nhất cho tình trạng này.

Cách tốt nhất để ngăn ngừa các di chứng COVID-19 là phòng ngừa mắc bệnh COVID-19. Đối với những người không có chống chỉ định tiêm phòng COVID-19, hãy tiêm vaccine phòng COVID-19 ngay khi có thể- đây là cách tốt nhất để phòng tránh COVID-19.

Mời độc giả xem thêm video:

Hiểu đúng về sức đề kháng và cách tăng sức đề kháng

PGS.TS.Nguyễn Đình Tiến
Chủ nhiệm khoa, Chủ nhiệm bộ môn Nội hô hấp, Bệnh viện TWQĐ 108
Ý kiến của bạn