Hà Nội

Nếu một ngày bạn là F0, hãy thực hiện 12 nguyên tắc để khỏe mạnh

TS.BS Đào Thị Yến Phi

TS.BS Đào Thị Yến Phi

Trưởng bộ môn Dinh dưỡng, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch

05-08-2021 11:52 | Phòng mạch online

SKĐS- Dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp, nếu một ngày bạn là F0 thì hãy bình tĩnh, không hoảng loạn, sợ hãi, khóc lóc…

TS.BS Đào Thị Yến Phi - Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM

F0 cần phải làm gì và ăn uống như thế nào để vượt qua dịch COVID-19. Dưới đây là chia sẻ của TS.BS Đào Thị Yến Phi - Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm, trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM về vấn đề này.

Để khỏe, quan trọng nhất là đưa được ôxy vào máu tối đa và tiết kiệm sử dụng ôxy hết mức có thể (giảm nhu cầu ôxy của tất cả tế bào trong cơ thể). Các việc sau đây đều giúp đạt được điều đó.

12 nguyên tắc F0 cần nhớ

1. Không hoảng loạn, sợ hãi, khóc lóc, kêu gọi, rên rỉ, giận dỗi, đổ lỗi, tìm cách nghĩ xem mình lây ở đâu ra…Nói chung không nghĩ nhiều! Cũng không cần cố gắng đọc kinh hay cầu nguyện nếu phải ép mình.

2. Nên nằm đầu cao 45 độ (lót từ mông trở lên chứ không phải chỉ kê ngay cổ), ở nơi càng thoáng khí càng tốt, như gần cửa sổ, lan can. Tư thế nằm sấp nên áp dụng nếu mệt và khó thở nhiều hơn. Khi ngủ nếu không nằm kê cao đầu được thì nằm nghiêng và úp chân từ hông xuống, đầu vẫn ở tư thế nằm nghiêng (giống như khi ngủ ôm gối ôm vậy).

3. Thở nhẹ và sâu: Hít nhẹ, chậm, không gồng cơ, không cố gắng hít thở nhanh để nhiều không khí vào phổi; thở ra cũng chậm nhất và nhẹ nhất có thể. Lưu ý đây không phải thở kiểu tập thể dục, mà thở kiểu nhẹ nhàng chậm chạp, không gồng cơ. Chú ý xem lúc hít thở có bị đau hay khó gì không.

4. Làm sạch mũi họng bằng nước muối sinh lý 0,9%, giúp đường thở thông thoáng nhất có thể, không có nhầy đờm gây cản trở không khí vào ra. Nằm nghỉ nơi ấm áp, không lạnh cũng làm giảm phù niêm mạc, giúp đường thở thông hơn.

5. Uống nước ấm nhiều lần trong ngày, uống vài ngụm, mỗi lần cách nhau 10 phút sẽ tốt hơn uống đầy bụng. Ngày tối thiểu 2 lít nước, nếu có sốt thì cứ tăng 1 độ cộng thêm 500ml. Nhiệt độ nước tốt nhất khoảng 35 độ C (1 sôi 2 nguội).

photo-1628129399674

F0 cần uống nước ấm nhiều lần trong ngày, uống vài ngụm, mỗi lần cách nhau 10 phút

6. Hạ sốt bằng thuốc, lau ấm, đắp khăn ấm hay tắm bằng nước ấm. Không cần hạ đến dưới 37 độ, dưới 38 độ C là đạt yêu cầu.

7. Ăn cháo loãng, không cần bổ dưỡng thịt cá gì hết. Nấu 500ml cháo, chỉ cần thêm 1 nắm đậu xanh hoặc 1 quả trứng gà, đập thêm ít hành củ là được. Ăn nhiều lần, từ 1-2 giờ húp nửa chén cháo nóng, tốt hơn ăn 3 bữa/ngày. Khuấy ly bột ngũ cốc nóng lỏng lỏng uống cũng được.

8. Ngủ càng nhiều càng tốt.

photo-1628129401963

F0 cần theo dõi nhiệt độ

9. Theo dõi: Thở nhẹ hay nặng, thở có đau ở đâu không, sốt bao nhiêu độ là quan trọng nhất. Chú ý thêm xem môi có tím, tay chân có bị lạnh hay trắng bệch ra không, nhức đầu có nặng không. Mất vị giác, khứu giác không quan trọng, đừng lo lắng về chuyện đó. Mắt có bị phù phù đỏ đỏ một chút cũng không sao. Nhức mỏi người là khó chịu nhất, nhưng cũng không nguy hiểm, nên không cần căng thẳng với nó.

10. Gọi cho 115 để họ đến đón nếu có giường. Không được thì cứ kiên nhẫn nằm nhà chờ, không tức giận hay hoảng sợ.

11. Gọi cho một bác sĩ quen có video call để bác sĩ nhìn được bệnh nhân và tư vấn dùng thuốc nếu cần.

12. Không được tự ý dùng thuốc, ngoại trừ thuốc hạ sốt và giảm ho nếu ho nhiều gây mệt. Cần nhớ đưa cái gì vào cũng dễ, lấy ra mới khó, cơ thể của người bệnh đang cần nghỉ ngơi để chống lại bệnh, đừng bắt nó chuyển hoá thêm những thứ không cần thiết.

F0 đang trở mệt, ăn gì tốt nhất?

Món ăn cần phải :

- Cung cấp năng lượng nhanh và sạch cho các tế bào: Glucose tốt nhất

- Không tạo ra thêm chất chuyển hoá làm cơ thể ứ đọng chất độc: Giảm đạm và béo

- Tiêu hoá dễ dàng hấp thu không làm hệ tiêu hoá gắng sức: giảm đạm và béo

- Cung cấp các chất vi lượng rất ít dự trữ trong cơ thể: Vitamin nhóm B, C

- Dễ nấu, dễ bảo quản, có ngay liên tục để người bệnh ăn nhiều lần: Cháo

Xét tất cả các yêu cầu này, món ăn đơn giản và phù hợp nhất chính là món cháo đậu xanh cà giữ nguyên vỏ.

photo-1628129405726

Để tiêu hoá dễ hấp thu F0 nên ăn cháo đậu xanh.

Cách nấu để giữ Vitamin: cho 200g gạo với 50g đậu xanh vỡ đôi còn nguyên vỏ vào nồi, vo sạch, đổ 1 lít nước, nấu vừa sôi thì tắt bếp, đậy kín nắp bỏ đó trong 2 giờ. Mỗi lần ăn lấy ra khoảng 100-150ml, nấu vừa sôi lại, nêm các mùi vị khác nhau (như đường, hành, muối mè, nước mắm…). Phần cháo chưa ăn đến bảo quản trong tủ lạnh.

Yêu cầu lúc ăn: Cháo loãng và ấm, không ăn lạnh, có thể nuốt dễ dàng mà không cần nhai.

Lưu ý: không cần và không nên ăn nhiều thức ăn giàu đạm (thịt, cá, tôm, cua…) trong thời gian bệnh nhân đang mệt, khó thở, ho nhiều… Chỉ ăn chút xíu để có vị ăn cháo cho đỡ ngán là chính. Đa số bệnh nhân mất khẩu vị, nên chỉ cần nấu cháo loãng để có thể nuốt dễ dàng không cần mùi vị đặc biệt gì.

Sẽ bồi dưỡng phục hồi sau khi bệnh đã ổn. Lúc đang rối loạn cần phải giảm tối đa nhu cầu oxy của tế bào.

Ngoài đậu xanh, các loại đậu nguyên vỏ khác nấu cũng tốt, nhưng khó giữ Vitamin hơn vì phải ngâm đậu mềm và hầm lâu.

Cần lưu ý, sự hoảng loạn và làm sai những gì cần làm có thể gây thêm nguy hiểm cho bệnh nhân. Bệnh sẽ kéo dài từ 7-10 ngày, chắc chắn người bệnh sẽ mệt mỏi và khó chịu, nhưng chỉ cần các tế bào có chút ít oxy để sống sót là người sẽ sống sót, cố gắng lên nhé, đừng nản, đừng hoảng loạn. Thế mới chiến thắng được COVID -19.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Lối sống lành mạnh

Đặt câu hỏi

Loading...

Xem tiếp
TS.BS Đào Thị Yến Phi
Ý kiến của bạn