Nói cách khác, tôi đã vô cùng may mắn khi có được cuốn sách này trong tay. Và may mắn hơn khi tôi luôn nghe lời thầy tôi – thầy Hùng “Đọc sách quan trọng nhưng quan trọng hơn là phải ứng dụng”. Tôi đã có những kết quả đáng kể ra đây và chia sẻ với mọi người.
Nếu bạn vẫn thường quanh quẩn với những suy nghĩ như “Mình phải có đôi giày kia thì mới vui được”, “Chiếc áo mình thích đang giảm giá, phải mua nhanh”, “Mình phải có căn nhà rộng hơn, có ô tô”… thì có nghĩa là bạn đang bị cuốn vào nền văn hóa tiêu dùng – luôn muốn mua sắm và sở hữu nhiều đồ đạc hơn, dù bạn không thực sự cần đến chúng.
Để giải quyết vấn đề này, tôi đã bắt đầu bằng một câu hỏi rất đỗi bình thường: “Cuộc sống của mình sẽ tốt hơn thế nào khi sống tối giản?”
Bìa cuốn Lối sống tối giản của người Nhật
Minimalism – chủ nghĩa tối giản là một phong trào nghệ thuật ở New York (Mỹ), phát triển vào những năm đầu thập niên 1960. Ban đầu hình thức này chỉ phát triển trong hai lĩnh vực chính là điện ảnh và âm nhạc nhưng dần dần nó đã trở nên phổ biến như một triết lý và một cách sống.Và đó cũng là phong cách sống được ưa chuộng của người Nhật – Danshari. Với những đặc trưng về điều kiện địa lý, đất nước này thường xuyên gặp phải động đất mà 30-50% nguyên nhân gây thương vong là do đồ đạc rơi vỡ. Điều ấy khiến người Nhật buộc phải tối giản đồ đạc nhiều hơn. Dần dần, Danshari đã trở thành lối sống và là biểu tượng trong phong cách sinh hoạt của người Nhật.
Lần đầu tôi tiếp xúc với khái niệm lối sống tối giản là khoảng 15 năm trước khi tôi đọc một bài viết trên tạp chí viết về lối sống của giới trẻ Nhật Bản. Tôi thực sự bị ấn tượng khi trong căn phòng của các bạn chỉ có một tấm đệm trải và một chiếc bàn thấp, đồ dùng cá nhân được giảm thiếu hết mức. Kể từ đó, tôi có đọc và xem nhiều tài liệu liên quan đến việc dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc và như duyên lành, tôi đã có cuốn sách quý “Lối sống tối giản của người Nhật” của tác giả Sasaki Fumio và cuốn “Dọn dẹp cùng Marie Kondo”.
Đầu tiên phải kể đến Marie Kondo – chuyên gia tư vấn về dọn dẹp, cô nổi tiếng với phong cách dọn dẹp mang tên KonMari. Phương pháp KonMari là một cách đơn giản, thông minh và hiệu quả để vĩnh viễn xóa bỏ sự bừa bộn.
Tôi đã bắt đầu bằng việc loại bỏ. Sau đó tôi sắp xếp không gian của mình, kỹ càng, hoàn chỉnh, trong một lần. Khi chấp nhận chiến lược này sẽ không bao giờ phải trở lại tình trạng bừa bộn nữa.
Một phương pháp khác tôi đã tham khảo là The Home Edit – một công ty do hai bà mẹ trẻ Clea Shearer và Joanna Teplin sáng lập. The Home Edit giúp tái tạo cách tổ chức đồ dùng của bạn phù hợp với nhu cầu sử dụng, thiết kế và kiểu dáng nội thất.
Tuy nhiên, bộ phim tài liệu của Netflix “The Minimalists: Less Is Now” về hai người bạn Joshua Fields Millburn và Ryan Nicodemus đã thực sự truyền cảm hứng cho tôi nhờ cách tiếp cận vấn đề rất trực diện: Hiện nay, chúng ta đang bị cuốn vào guồng xoay của công việc, từ bỏ những khía cạnh quan trọng khác của cuộc sống. Con người sống để kiếm thu nhập, để mua sắm đồ đạc, tài sản. Nếu chúng ta có lối sống tối giản với cuộc sống của mình thì sẽ có thời gian để rèn luyện sức khỏe, đầu tư cho các mối quan hệ, đam mê và mối quan tâm khác. Hai anh này cũng đặt ra câu hỏi: “Nếu mỗi ngày bỏ 1 món đồ ra khỏi cuộc sống của bạn, thì điều gì sẽ xảy ra?”
Thế nghĩa là sau 1 tháng, tôi đã bỏ được 30 đồ vật không thực sự cần thiết ra khỏi cuộc sống của mình. Và việc này dần trở thành một thử thách cá nhân, càng ngày tôi càng muốn dọn bỏ nhiều hơn, cho đến khi căn nhà chỉ còn những vật dụng cần thiết.
Tôi đã có tư duy mới và bắt tay vào việc dọn chiếc giá sách chất đầy sách và thùng tài liệu của mình. Tôi đã dọn và cho đi 1/3 số sách của mình. Sau đó là tủ quần áo, phòng ngủ, phòng khách, phòng bếp… Tôi đã thực sự tìm thấy niềm vui trong công việc này.
Từ việc áp dụng những kiến thức hấp thụ được và thông qua việc thực hành lối sống tối giản, tôi rút ra 4 bước cơ bản của việc thay đổi lối sống và muốn chia sẻ với bạn:
1. Bày toàn bộ đồ vật ra nền nhà. Hãy bày toàn bộ đồ vật ở khu vực bạn muốn dọn, ví dụ dọn giá sách thì bày hết sách xuống, dọn tủ quần áo thì dọn hết đồ trong tủ ra… Bước này có thể sẽ rất thú vị vì có những món bạn còn không biết là mình có.
2. Phân loại. Phân loại theo nhóm mà bạn muốn như màu sắc, mục đích sử dụng…
3. Loại bỏ những đồ không dùng đến. Bước này cần rất nhiều sự... can đảm vì bạn sẽ nghĩ rằng mình sẽ cần đến chúng trong-tương-lai, tuy nhiên hãy suy nghĩ xem chúng nó có thực sự hữu dụng không.
4. Xếp trở lại những món bạn thực sự sử dụng.
Tôi có áp dụng 2 mẹo để duy trì lối sống này đó là:
1. Mua 1 giảm 1: Nếu mua một món đồ mới thì bạn phải bỏ bớt 1 món đồ mình đang sở hữu đi.
2. Đặt câu hỏi trước khi mua thứ gì đó: Món đồ này thực sự có ý nghĩa với mình không?
Lối sống tối giản mang lại rất nhiều lợi ích cho cuộc sống của tôi. Xin được kể ra một vài lợi ích mà chính tôi có được khi áp dụng lối sống này:
- Không gian sống dễ chịu hơn: giảm đồ đạc khiến nhà cửa gọn gàng, thoáng đãng và sạch sẽ hơn.
- Nâng cao khả năng tập trung: Xung quanh giảm bớt những đồ vật gây xao lãng khiến tập trung hơn.
- Giải phóng bản thân: Không chịu nhiều áp lực của việc sở hữu đồ đạc và những đồ dùng mình thích nữa.
- Tiết kiệm: Việc dừng mua sắm những món đồ không cần thiết giúp tiết kiệm một khoản không hề nhỏ.
- Có nhiều thời gian hơn: Không gian ít đồ đạc giúp giảm nhiều thời giandọn dẹp và tìm kiếm đồ đạc.
- Việc có thêm ngân sách và thời gian giúp tập trung vào những điều có ý nghĩa hơn với chính mình.
Lối sống tối giản này còn có thể áp dụng ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống như:
- Tối giản thông tin: Chọn lọc những thông tin hữu ích và tích cực.
- Tối giản mối quan hệ: Tập trung thời gian cho những mối quan hệ thân thiết, thiên về “chất lượng” hơn là “số lượng”.
- Tối giản giải trí: Chọn lọc những chương trình bên cạnh việc giải trí còn đem lại giá trị kiến thức…
Tôi muốn nói thêm rằng là LESS IS MORE – ít hơn có nghĩa là nhiều hơn. Giá trị cốt lõi của lối sống tối giản chính là giúp chúng ta ngưng chạy theo những nhu cầu phù phiếm để có một cuộc sống đơn giản, nhưng ý nghĩa hơn.
Lời cuối cùng, tôi mong bạn và những ai bạn có thể khuyên, hãy tìm đọc ngay 2 cuốn sách khá mỏng và dễ ứng dụng “Lối sống tối giản của người Nhật” của tác giả Sasaki Fumio tái bản đến 18 lần ở Việt Nam với vài chục ngàn cuốn đã được đến tay bạn đọc. Chúc bạn cũng có kết quả và hạnh phúc như tôi.