'Nếu không được đi hiến tiểu cầu, lòng tôi cứ bồn chồn...'

15-01-2022 17:06 | Y tế
google news

SKĐS - Năm 2021, dù ảnh hưởng mạnh mẽ của dịch COVID-19, đặc biệt trong giai đoạn siết chặt giãn cách, nhưng chị Thu có tới 11 lần từ Hoà Bình xuống Hà Nội để hiến tiểu cầu. "Nếu không được đi hiến, lòng cứ bồn chồn, bứt rứt..." - chị nói.

Năm 2022 là năm thứ 22 chị Trịnh Thị Hồng Thu (47 tuổi, ở Lương Sơn, Hòa Bình) tham gia hiến máu. 17 năm đầu, cứ 3 tháng/lần, chị lại xuống Hà Nội hiến máu toàn phần. Từ 2018 đến nay, chị chuyển sang hiến tiểu cầu. Tần suất chị xuống Hà Nội nhiều hơn, có năm tới 16-17 lần, bởi khác hiến máu, khoảng cách giữa hai đợt hiến tiểu cầu rút còn 14-21 ngày.

"Khi chưa có ô tô, tôi đi xe máy một mình, có khi đi cùng chị gái. 60km nhằm nhò gì, chị gái tôi còn đi 90km! Nhưng cứ nghĩ hiến được là vui" - chị Thu nói vui bởi có lần chị lặn lội xuống Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương để hiến nhưng phải quay về vì sức khỏe không đủ điều kiện. "Từ đó tôi luôn tìm cách từ chối những cuộc vui để không ảnh hưởng tới sức khỏe, nhiều người bệnh đang cần mình", người phụ nữ làm kinh doanh này chia sẻ.

Năm 2021, dù ảnh hưởng mạnh mẽ của dịch COVID-19, đặc biệt trong giai đoạn siết chặt giãn cách, nhưng chị Thu có tới 11 lần xuống Hà Nội để hiến tiểu cầu. Chị tâm sự, nếu không được đi hiến, lòng cứ bồn chồn, bứt rứt... Có 1-2 lần "quá" mất 1 tuần, chị Thu cứ tiếc nuối mãi...

Chia sẻ bên lề chương trình Gặp mặt người hiến tiểu cầu tiêu biểu do Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương tổ chức ngày 15/1, anh Quốc Điệp tự hào năm 2021 trôi qua, dù dịch giã đi lại khó khăn, anh vẫn "hoàn thành" 4 lần hiến tiểu cầu và 2 lần hiến máu cùng vô số lần đích thân dùng xe nhà đưa hơn 40 người trong nhóm từ Thường Tín lên Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương hiến máu và thành phần máu.

Người đàn ông 42 tuổi kể lúc đầu vận động người tình nguyện hiến máu khó khăn vì mọi người có lòng tốt nhưng không hiểu hết ý nghĩa, lo sợ ảnh hưởng. Mỗi lần như thế, anh lại lấy chính bản thân mình: Khỏe mạnh, lạc quan... để "minh chứng". Trong năm 2021, vận động hiến máu trong đại dịch càng khó hơn khi các địa phương siết chặt đi lại trong giai đoạn giãn cách.

"Tôi phải đi đến tận từng xã để thuyết phục chính quyền cấp giấy đi đường cho bà con. Chỉ mong đến đâu cũng được ủng hộ nhiệt tình như xã Văn Tự chúng tôi" - anh Điệp chia sẻ.

"Nếu không được đi hiến tiểu cầu, lòng tôi cứ bồn chồn..." - Ảnh 1.

Chị Thu, anh Điệp là hai trong số 200 người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2021 được vinh danh trong chương trình Gặp mặt người hiến tiểu cầu tiêu biểu do Viện Huyết học tổ chức ngày 15/1.

Anh Điệp, chị Thu là hai trong số 200 người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2021 được vinh danh trong chương trình. Họ đại diện cho hàng ngàn người hiến tiểu cầu thường xuyên trên khắp đất nước ta. Nhiều người đã hiến máu và thành phần máu 60, 80, thậm chí hơn 100 lần. Riêng hiến tiểu cầu, năm 2021 có người đi hiến tới... 17 lần, nghĩa là đúng 21 ngày họ lại đi hiến. Có những gia đình mọi thành viên đều hiến máu, hiến tiểu cầu, không chỉ thế còn vận động người xung quanh cùng tham gia.

Tri ân những người đã dành "Giọt máu vàng - Trao ngàn hy vọng", TS. Trần Ngọc Quế - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm máu Quốc gia, xúc động khi mỗi người một hoàn cảnh, một nghề nghiệp khác nhau nhưng đều có điểm chung là tấm lòng nhân ái, sẻ chia, hết lòng vì người bệnh, vì cộng đồng.

huyet hoc.jpeg

200 người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2021 được vinh danh trong chương trình đại diện cho hàng ngàn người hiến tiểu cầu thường xuyên trên khắp đất nước ta.

TS. Quế cho biết, năm 2021, Viện đã điều chế được 41.267 đơn vị tiểu cầu, được tiếp nhận từ 33.314 lượt người hiến. Nhờ có lượng tiểu cầu tiếp nhận được từ người tình nguyện nên dù chịu nhiều ảnh hưởng của COVID-19, Viện cơ bản đáp ứng được nguồn tiểu cầu cho cấp cứu và điều trị của gần 180 bệnh viện tại 28 tỉnh, thành phía bắc.

Khác với những thành phần máu khác, tiểu cầu là tế bào rất nhỏ trong máu, được sinh ra từ tủy xương, làm nhiệm vụ cầm máu bằng cách tạo các cục máu đông bịt các vết thương ở thành mạch máu. Tiểu cầu cũng là thành phần máu có vai trò quan trọng trong điều trị những bệnh lý và người bệnh có liên quan đến những rối loạn đông cầm máu, thường là những trường hợp rất nặng nề, liên quan tới tính mạng người bệnh.

Khối tiểu cầu là một loại chế phẩm máu rất đặc biệt được sử dụng cho điều trị và dự phòng các biểu hiện chảy máu; nhưng chỉ có thời hạn bảo quản và lưu trữ rất ngắn (3 – 5 ngày).

Khác với hiến máu toàn phần, hiến tiểu cầu đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn về cân nặng, số lượng tiểu cầu và thời gian hiến cũng lâu hơn (từ 60 – 100 phút so với hiến máu toàn phần chỉ mất 5 phút). Nhưng chỉ sau hiến tiểu cầu 2-3 tuần là có thể hiến nhắc lại.

Hàng ngàn người tham gia chương trình hiến máu hỗ trợ miền NamHàng ngàn người tham gia chương trình hiến máu hỗ trợ miền Nam

SKĐS - Sáng ngày 9/10, Chương trình “Giọt máu nghĩa tình vì miền Nam ruột thịt” do Báo Sức khỏe và Đời sống phối hợp với Tỉnh đoàn Hà Tĩnh tổ chức đã thu hút hàng ngàn người đăng ký tham gia.


Võ Thu
Ý kiến của bạn