1. Ai không được dùng thuốc giảm đau hạ sốt paracetamol?
Paracetamol có tác động giảm đau hạ sốt theo cả cơ chế ngoại vi và trung ương. Thuốc không được khuyến cáo dùng trong các trường hợp đau do viêm vì không có tác dụng chống viêm.
Do paracetamol được chuyển hóa chủ yếu ở gan, nên các chống chỉ định chính của paracetamol là:
- Bệnh nhân quá mẫn với thuốc
- Bệnh nhân suy giảm chức năng tế bào gan
- Người nghiện rượu.
Điều này có nghĩa là những đối tượng nếu trên không dùng được paracetamol để giảm đau, hạ sốt.
Đối với trường hợp đã có tiền sử ngộ độc paracetamol cũng hết sức thận trọng sử dụng thuốc sau này. Khi không dùng được paracetamol để hạ sốt, giảm đau, cần dùng thuốc khác thay thế. Tuy nhiên cần có ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc nào.
2. Thay thế bằng thuốc nào?
Khi không dùng được paracetamol để giảm đau, hạ sốt, có thể thay thế bằng các thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs).
2.1 Giảm đau hạ sốt bằng Ibuprofen
Là thuốc thuộc nhóm kháng viêm không steroid (NSAIDs). Thuốc hoạt động bằng cách ngăn ngừa việc cơ thể sản xuất các chất tự nhiên nào đó gây viêm, từ đó giúp làm giảm sưng, đau hoặc sốt.
Thuốc ibuprofen được chỉ định để làm giảm đau do các tình trạng như: Đau đầu, đau răng, đau bụng kinh, đau do viêm khớp, đau nhức cơ bắp…
Thuốc được sử dụng để hạ sốt và giảm đau phổ biến trong các trường hợp đau nhức nhẹ do cảm cúm hoặc cảm lạnh.
Cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ hoặc khuyến cáo của nhà sản xuất.
Lưu ý:
+ Không cho trẻ dưới 6 tháng tuổi dùng ibuprofen mà chưa có chỉ định của bác sĩ.
+ Ibuprofen dùng cho trẻ thường ở dạng hỗn dịch, do đó cần sử dụng dụng cụ đong thuốc chính xác để tránh gây quá liều hoặc không đủ liều.
+ Lắc kỹ lọ thuốc trước khi sử dụng.
+ Không cho trẻ uống ibuprofen khi đang dùng các loại thuốc khác cũng có chứa ibuprofen.
2.2 Giảm đau hạ sốt bằng aspirin
Aspirin hay còn gọi là có tên gọi khác là acid acetylsalicylic. Thuốc cũng thuộc phân nhóm NSAIDs. Aspirin hoạt động bằng cách ức chế enzym COX (cyclooxygenase), ức chế tổng hợp các chất hóa học gây viêm, từ đó giảm đau hạ sốt…
Thuốc được sử dụng hạ sốt và giảm các cơn đau mức độ từ nhẹ đến vừa như đau cơ, đau răng, cảm lạnh thông thường và nhức đầu. Ngoài ra, thuốc còn có tác dụng giảm đau và sưng do viêm khớp; ngăn ngừa cục máu đông, hạn chế nguy cơ đột quỵ và đau tim.
Tuy nhiên thuốc có khá nhiều tác dụng phụ, do đó ít khi được chỉ định với triệu chứng giảm đau hạ sốt, đặc biệt là với trẻ em. Các tác dụng do dùng aspirin ở trẻ em bao gồm: Viêm gan có tăng transaminase, giảm thính lực thoáng qua, thiếu máu tán huyết liên quan đến thuốc, hội chứng Reye.
Trong đó, hội chứng Reye là bệnh lý não-gan rất nguy hiểm, tuy hiếm gặp, có thể dẫn đến hôn mê và tử vong. Hội chứng Reye gia tăng khi sử dụng aspirin điều trị các chứng bệnh do nhiễm virus cấp tính (cúm, thủy đậu…). Do vậy tránh dùng aspirin trẻ em và đặc biệt thận trọng trên các trẻ sốt do virus.
Ở người lớn, khi dùng một số loại thuốc giảm đau hạ sốt nhóm NSAIDs (ibuprofen, diclofenac...) có thể làm ảnh hưởng đến hiệu quả của aspirin và làm tăng nguy cơ chảy máu đường tiêu hóa. Do đó không tự ý dùng các thuốc này nếu không có chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, bệnh nhân cần phải kiểm soát nguy cơ rối loạn đông máu trước khi sử dụng thuốc. Nên uống vào lúc ăn no, hoặc uống kèm thuốc giảm tiết acid dạ dày để hạn chế tác dụng phụ gây viêm loét dạ dày.
2.3 Giảm đau hạ sốt bằng NSAIDs khác
Các thuốc giảm đau thuộc nhóm NSAIDs khác như meloxicam, piroxicam.... cũng có tác dụng giảm đau hạ sốt trong nhiều tình trạng khác nhau như đau đầu, viêm khớp, cảm cúm, nhưng hiệu quả không cao, chỉ dùng trong thời gian ngắn (1-2 ngày), khi không còn lựa chọn nào khác.
- Chỉ dùng liều thấp nhất có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất để hạn chế tác dụng bất lợi.
- Không dùng để hạ sốt quá 3 ngày, không dùng để giảm đau quá 5 ngày.
- Thời gian sử dụng thuốc kéo dài có thể làm tăng nguy cơ gặp biến cố bất lợi như loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa, độc tính trên gan, bệnh lý tim mạch.
Mời độc giả xem thêm video:
Suýt chết sau bữa rượu liên hoan - SKĐS