“Nếu không có bộ đội tình nguyện Việt Nam, sẽ không có điều kỳ diệu ấy”

09-01-2009 16:22 | Quốc tế

Trong lịch sử quan hệ láng giềng Việt Nam - Campuchia, ngày 7/1/1979 đã trở thành mốc son, dấu ấn của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước trong khối đoàn kết 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Trong lịch sử quan hệ láng giềng Việt Nam - Campuchia, ngày 7/1/1979 đã trở thành mốc son, dấu ấn của tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước trong khối đoàn kết 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia.

Nhân chuyến thăm Việt Nam tháng 11/2008, Thủ tướng Campuchia Samdec Hunsen đã bày tỏ với các nhà lãnh đạo Việt Nam lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân Campuchia đối với nhân dân và Quân đội nhân dân Việt Nam đã cứu giúp Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pôn Pốt - Khơme đỏ, và khẳng định Nhà nước Campuchia sẽ tổ chức trọng thể kỷ niệm 30 năm đất nước Campuchia đánh đổ chế độ diệt chủng với quy mô hoành tráng long trọng nhất từ trước đến nay vào ngày 7/1/2009.

Em nhỏ Campuchia bên Bảo tàng chứng tích chiến tranh.
 
Thời gian đã trôi qua đúng 3 thập kỷ, nhưng nhân loại không bao giờ quên trên đất nước Campuchia đã từng diễn ra một cuộc “tắm máu” mang tính diệt chủng vô cùng tàn bạo của tập đoàn Pôn Pốt vào thập niên 70 của thế kỷ trước. Nhiều nhân chứng lịch sử nay nhớ lại ngày 17/4/1975, 2 tuần trước ngày nhân dân Việt Nam hoàn toàn giải phóng miền Nam, thì quân Pôn Pốt lấn chiếm thủ đô Phnôm Pênh - Campuchia và từ đó chúng áp đặt một chế độ tàn bạo chưa từng có trên đất nước này. Đầu năm 1976 chúng phế truất quốc vương Xihanuc, tuyên bố giải tán Chính phủ Vương quốc Campuchia, ban hành cái gọi là hiến pháp mới cấm các tôn giáo, đoàn thể hoạt động, thực hiện chính sách một xã hội Campuchia không tôn giáo, không trí thức, không trường học, không đô thị, không sử dụng tiền, không lập chợ. Đồng thời chúng xác định Việt Nam là kẻ thù truyền kiếp số 1 của chế độ Pôn Pốt, chúng chủ trương tiến hành chiến tranh tấn công tiêu diệt 60 triệu dân Việt Nam, và Pôn Pốt kỳ vọng sẽ đánh chiếm Sài Gòn khỏi bàn tay Việt Cộng. Để thực hiện mưu đồ ảo vọng ngông cuồng này, ngay sau khi quân dân ta giải phóng Sài Gòn 3 ngày, ngày 3/5/1975, Pôn Pốt xua quân đổ bộ lên đảo Phú Quốc và ngày 10/5/1975 đánh chiếm đảo Thổ Chu, đều thuộc chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, và chúng đã tàn sát, giết hại 520 đồng bào ta. Tiếp theo, quân Pôn Pốt liên tục tấn công các làng mạc Việt Nam qua biên giới trên bộ và các đồn biên phòng ở Gia Lai, Kon Tum. Đến ngày 30/4/1977 vào dịp Việt Nam kỷ niệm 2 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, Pôn Pốt ra lệnh quân Khơme đỏ mở cuộc tấn công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Ngay trong những ngày đầu chúng đã tấn công vào 13/15 xã và 13 đồn biên phòng của ta ở An Giang, giết 768 người, đốt phá hàng nghìn ngôi nhà. Vậy là Pôn Pốt chính thức tuyên chiến với Việt Nam bằng cuộc leo thang mới và chúng đã sát hại, thủ tiêu 22.000 người Việt Nam, đó là con số đã thống kê được về tội ác của chúng.

Trong khi đó ở trong nước, chúng đã biến cả cộng đồng nước này thành những trại tập trung lao động khổ sai như nô lệ thời trung cổ, không được quan hệ, giao lưu, không nhà cửa, chợ búa, chùa chiền, hành đạo, không hội họp, học hành, chỉ câm lặng chờ chúng gọi tên đưa đi hành quyết trong những nấm mồ tập thể khổng lồ. Nay sổ sách ghi tội ác man rợ của bọn diệt chủng Pôn Pốt sau 3 năm 8 tháng 20 ngày thống trị, chúng đã giết hại người dân Campuchia với con số làm cả thế giới kinh hãi bàng hoàng - 3,3 triệu người. Trong đó có 25.000 sư sãi, 18.000 thầy giáo, giáo sư, hơn 10.000 sinh viên, 1.000 trí thức, 600 bác sĩ, dược sĩ, 200 nhà văn, nhà báo, 1.000 nghệ sĩ... Tàn phá hủy diệt 6.000 trường học, 700 bệnh viện, cơ sở y tế, 2.000 ngôi chùa, 100 nhà thờ Thiên Chúa giáo và Hồi giáo, trong số đó nhiều nơi chúng biến thành nhà tù, trại giam, khu tập trung... để cai quản lao động khổ sai.

Đáp lại lời thỉnh cầu thống thiết của những người yêu nước chân chính Campuchia nhằm cứu dân tộc, đất nước này thoát khỏi cảnh địa ngục trần gian, thoát khỏi thảm họa diệt vong dưới bàn tay sắt tàn bạo man rợ của tập đoàn Pôn Pốt và bè lũ, ngày 8/12/1978 quân tình nguyện Việt Nam đã sang hợp sức với Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia và các đơn vị vũ trang yêu nước Campuchia mở chiến dịch phản công chiến lược đánh đổ cả tập đoàn phản động Pôn Pốt. Ngày 7/1/1979 giải phóng Thủ đô Phnôm Pênh tiêu diệt và làm tan rã cả phiên hiệu 21 sư đoàn quân Khơme đỏ, giải phóng toàn thể nhân dân Campuchia thoát khỏi “cánh đồng chết”, hồi sinh đất nước Campuchia.

Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thắng lợi này, khôi phục lại Vương quốc Campuchia, bảo vệ hoàng tộc, Quốc vương theo truyền thống của dân tộc, nguyên quốc trưởng nhà vua Norodom Xihanuc đã trân trọng bày tỏ: “Không có bộ đội tình nguyện Việt Nam giúp đỡ giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng thì con cháu nhà vua cũng không còn”. Và, sự thật lịch sử này đã được Thủ tướng Samdec Hunsen khẳng định lại nhiều lần với nhân dân Campuchia. Trong khi đó, ngài Hing Somrin - Chủ tịch danh dự Đảng nhân dân Campuchia, Chủ tịch Quốc hội Vương quốc Campuchia vừa trả lời báo chí Việt Nam: “Vì sao nhân dân Campuchia thường quen gọi Quân đội nhân dân Việt Nam là “quân đội nhà Phật”, bởi 30 năm trước đây dân tộc chúng tôi chịu muôn vàn đau khổ gần như tuyệt vọng, chỉ nghĩ đến bị sát hại của Pôn Pốt, thì đúng lúc ấy, các chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam có mặt kịp thời giúp chúng tôi tiêu diệt quân Pôn Pốt, đưa nhân dân Campuchia thoát khỏi họa bị diệt chủng. Rõ ràng nếu không có bộ đội tình nguyện Việt Nam sẽ không có điều kỳ diệu ấy”. Còn TS.Ch-hay Yitheng, học giả Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia đã viết: “Cái gì còn đọng lại trong trái tim người dân Campuchia về Việt Nam trong thế kỷ 20, đó chính là lòng biết ơn, là tình hữu nghị, là hình ảnh “đội quân nhà Phật” Việt Nam từ cõi thiện xa xôi đến cứu giúp nhân dân Campuchia”.

Đại tá Bùi Đình Nguyên


Ý kiến của bạn