Sơn kể, tháng 8/2018, trong một lần đi biển đánh bắt cá cùng gia đình (nghề chính của gia đình Sơn), không may em đã bị tai nạn lao động, khiến em gần như bất tỉnh. Gia đình vội quay thuyền đưa Sơn vào bờ để cấp cứu gấp. Suốt hơn 2 giờ đồng hồ lênh đênh vượt biển, Sơn được chuyển đến BVĐK tỉnh Nghệ An trong tình trạng toàn cơ thể chỉ còn khoảng 13% máu và hôn mê.
Hai bạn trẻ có nhóm máu hiếm Nguyễn Thanh Sơn và Vũ Hoàng Long cùng tham gia câu lạc bộ máu hiếm tỉnh Thanh Hoá tại hội nghị
“Qua là các xét nghiệm, bác sĩ cho biết em có nhóm máu hiếm A Rh D (-) và cho biết có tiền cũng không mua được nhóm máu này vì đây là nhóm máu hiếm. Lúc đó các bác sĩ đã trao đổi với gia đình em và cùng viết thông tin lên mạng xã hội để kêu gọi người có nhóm máu hiếm trùng với em đến hiến máu.
Ở xã Hải Thanh nơi gia đình em sinh sống, sau khi biết tin em cần có máu hiếm để cấp cứu đã có hàng trăm người dân đến trung tâm y tế để đăng ký hiến máu. Tuy nhiên không có ai trùng nhóm máu. Mãi đến vài tiếng sau, vào lúc gần 12h đêm cùng ngày mới có hai bạn có trùng nhóm máu với em ở Vinh biết thông tin đã đến hiến máu để cấp cứu cho em qua cơn nguy kịch”- Sơn kể lại và cho biết lúc đó em không biết những chuyện này mà sau đó gia đình kể lại cho Sơn.
Ngay sau khi được cấp cứu, gia đình đã xin đưa Sơn ra BV Việt Đức để phẫu thuật cánh tay bị tai nạn. Tại đây, bệnh viện chỉ có 2 đơn vị máu hiếm để phục vụ phẫu thuật lần 1, trong khi với nhóm máu của Sơn thì những lần phẫu thuật tiếp theo bắt buộc cũng phải có máu hiếm. Các thành viên của câu lạc bộ máu hiếm Hà Nội đã kêu gọi để có máu phục vụ cho các ca phẫu thuật của Sơn. Như vậy tổng 4 lần phẫu thuật, Sơn đã được nhận 11 đơn vị máu hiếm.
“Từ thực tế cuả mình, em rất cảm ơn các thành viên có chung nhóm máu hiếm như em đã không quản ngại khó khăn, xa xôi đến hiến máu để cứu em. Em và gia đình rất xúc động vì điều đó, vì vậy em đã đăng ký tham gia câu lạc bộ nhóm máu hiếm của tỉnh Thanh Hoá để sẵn sàng chia sẻ giọt máu của mình cho những trường hợp cần cấp cứu như em”- Sơn nói với chúng tôi và cho biết nhờ có máu của cộng đồng mà giờ em đã khoẻ mạnh và đi biển bình thường như trước đó.
Như một sự tình cờ, vừa dứt cuộc trò chuyện với Sơn, chúng tôi gặp ngay chàng trai trẻ Vũ Hoàng Long – 28 tuổi đến từ huyện Bá Thước- tỉnh Thanh Hoá, thành viên câu lạc bộ máu hiếm tỉnh Thanh Hoá vừa đến tham gia hội nghị gặp mặt câu lạc bộ người có nhóm máu hiếm các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc vừa tranh thủ hiến tiểu cầu.
Long và Sơn gặp nhau cùng trò chuyện vui vẻ, bởi theo lời kể của cả hai bạn, lúc biết tin Sơn cần máu hiếm cho cấp cứu, dù không phải là người quen nhưng do có cùng nhóm máu với Sơn nên Long đã bắt xe khách đi từ Thanh Hoá ra Hà Nội ngay trong đêm để kịp hiến máu. Tuy nhiên, do đã có nguồn máu của người hiến trước đó nên máu của Long đã được bệnh viện dùng để phục vụ cấp cứu trường hợp máu hiếm khác.
“Máu hiếm của em dùng cho Sơn hay cho bệnh nhân khác đều như nhau, em thấy vui vì mình giúp được cộng đồng có nhóm máu hiếm trong những lúc cần. Đến nay em đã hiến máu 6 lần và 1 lần hiến tiểu cầu. Mặc dù mới tham gia câu lạc bộ máu hiếm từ đầu năm 2018, nhưng cứ nhận được thông tin ai cần máu hiếm là em lên đường ngay”- Vũ Hoàng Long chia sẻ. Trước đó, tuần đầu tháng 11 vừa qua, chỉ trong hai ngày 7 và 8/11, gần 20 người có nhóm máu hiếm Rh(D) âm đã được mời tới Viện Huyết học – Truyền máu TW tham gia hiến máu để kịp thời duy trì nhu cầu dự trữ cho cấp cứu và điều trị.
Họ tình cờ biết mình mang nhóm máu hiếm, để rồi thấu hiểu ý nghĩa của những đơn vị máu "quý hiếm” của mình nên bất cứ thời gian sớm khuya, bất kể mưa nắng, cứ hễ được gọi là họ đều có mặt tham gia hiến máu.
Chị Chu Thanh Hiền (Hoàng Mai, Hà Nội) - nhóm máu O Rh(D) âm đến tham gia hiến máu đầu tháng 11. Ảnh: Viện Huyết học- Truyền máu TW cung cấp
Thảo Linh và Thùy Linh, đều có nhóm A Rh(D) âm, là 2 trong số những người đã có mặt sớm ngay khi được gọi. Hai cô gái cũng chỉ mới biết mình có nhóm máu hiếm được một năm nay. Có lẽ vì cũng mang nhóm máu "đặc biệt” nên Thảo Linh và Thùy Linh luôn thấu hiểu sự lo lắng của người bệnh khi không đủ máu để truyền.
Không chỉ hiến máu, dù đang là sinh viên năm cuối khá bận rộn, Thảo Linh không ngần ngại tham gia hiến tiểu cầu cho người bệnh.
Là một trong những người được kêu gọi đến hiến máu vừa qua, anh N.V.Đ (Hà Nội) cho biết bản thân bất ngờ phát hiện mang nhóm máu hiếm vào khoảng 4 năm trước trong lần đầu tham gia hiến máu. Với anh Đ., "mình mang nhóm máu hiếm, có thể là nguồn sống và tia hi vọng duy nhất cho người bệnh nên mỗi khi nhóm facebook của CLB người có nhóm máu hiếm đăng tin có người cần nhóm máu của mình là tôi đều cố gắng đến hiến máu ngay”. Chính tinh thần "gọi là có mặt” không ngại ngần hiến máu của anh Đ. đã giúp cho rất nhiều người bệnh có thêm một cơ hội được cứu sống.
Năm 2019, Hội Truyền máu quốc tế công nhận có tới 39 hệ nhóm máu hồng cầu với 367 kháng nguyên nhóm máu khác nhau; trong đó, hai hệ nhóm máu ABO và Rh là quan trọng nhất trong hoạt động truyền máu.
Mỗi hệ nhóm máu lại có các nhóm máu khác nhau do sự có mặt hay vắng mặt của kháng nguyên mang đặc tính di truyền trên bề mặt hồng cầu và kháng thể trong huyết thanh của người đó. Hệ nhóm máu Rh có hệ kháng nguyên đa dạng và phức tạp nhất với hơn 50 kháng nguyên, trong đó kháng nguyên D là phổ biến nhất.
Ví dụ:
- Hệ ABO có 4 nhóm máu: A, B, AB và O
- Hệ Rh có 2 nhóm máu thường gặp là Rh(D) dương và Rh(D) âm, hay còn gọi là Rh(D) và Rh(D)-
Chỉ tính riêng 2 hệ nhóm máu ABO và hệ Rh, đã có 8 nhóm máu khác nhau là: A ; A-; B ; B-; AB ; AB-; O ; O- (A nghĩa là người đó vừa có nhóm máu A thuộc hệ ABO vừa có nhóm máu Rh(D) thuộc hệ Rh).
Kháng nguyên nhóm máu có tỷ lệ rất khác nhau tùy thuộc vào chủng tộc, quốc gia và các vùng địa lý. Theo quy ước của Hội Truyền máu quốc tế, nhóm máu có tỷ lệ dưới 0,1% trong quần thể được coi là hiếm và dưới 0,01% được coi là rất hiếm.
Ở Việt Nam, những người có nhóm máu Rh(D) âm (bao gồm nhóm O-, A-, B-, AB-) ước tính chiếm khoảng 0,1% dân số (trong 1.000 người mới có 1 người), nên được coi là nhóm máu hiếm.
Trong khi đó, ở Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc... tỷ lệ nhóm máu Rh(D) âm trong cộng đồng cao hơn nhiều, chiếm khoảng 15% - 40% dân số.
Nhóm máu hiếm Rh(D) âm như các nhóm máu khác; người có nhóm máu hiếm có cuộc sống sinh hoạt, học tập, lao động như tất cả những người mang nhóm máu Rh(D) dương (trên 99% người Việt Nam)