Chưa đầy hai tháng nữa, bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ chính thức diễn ra. Cho dù người chiến thắng là ai, chính sách ngoại giao của tân tổng thống cũng sẽ nhận được sự quan tâm của cả thế giới. Trong đó, vấn đề ngoại giao được quan tâm hàng đầu phải kể đến quan hệ Mỹ - Trung sau bầu cử, nhất là khi TQ đã có cách nhìn riêng về hai ứng viên này.
Với TQ, bà Hillary Clinton là “một kẻ phá bĩnh” như cách truyền thông nước này đã gọi. Ứng viên đảng Dân chủ đã nhiều lần có những hành vi chọc giận TQ.
Từ trái qua phải, bà Hillary Clinton, ông Tập Cận Bình, ông Joe Biden. Ảnh: AP |
Năm 1995, tại Hội nghị Quốc tế về Nữ giới của Liên hợp quốc ở Bắc Kinh, bài phát biểu có câu “quyền của phụ nữ cũng là quyền con người” của bà Hillary, trên cương vị Đệ nhất Phu nhân Hoa Kỳ, đã bị kiểm duyệt tại TQ. Tiếp đó, trong một phát biểu ủng hộ thế hệ nữ quyền trẻ bị cầm tù tại quốc gia đông dân nhất thế giới, bà Hillary đã gọi Chủ tịch Tập Cận Bình là “không biết xấu hổ” trên Twiiter cá nhân.
Trong vấn đề thương mại, bà Hillary cũng thể hiện quan điểm cứng rắn, buộc TQ phải chơi theo luật vì “xả hàng rẻ tiền bất hợp pháp tại thị trường chúng ta, ăn cắp bí mật thương mại của chúng ta, giở trò với tiền tệ của chúng ta, dành lợi thế không công bằng cho các doanh nghiệp nhà nước và phân biệt đối xử với các công ty Mỹ…”. AFP dẫn lời ứng viên đảng Dân chủ khi bà phát biểu trước công nhân tại Pennsylvania vào tháng 4/2016.
Về vấn đề Biển Đông, bà Hillary đã không ít lần làm TQ “nóng mặt” trên cương vị một trong những kiến trúc sư của chiến lược “xoay trục châu Á” dưới thời Tổng thống Obama. Bài phát biểu của bà Hillary tại Diễn đàn ASEAN về Biển Đông 2010 đã khiến Ngoại trưởng TQ Dương Khiết Trì tức giận và rời khỏi diễn đàn khi mạnh mẽ tuyên bố đường chín đoạn của TQ là “phi pháp”.
Không ngạc nhiên khi vào năm 2013, Hoàn Cầu Thời Báo công bố khảo sát xếp bà Hillary đầu bảng trong danh sách “chính trị gia Mỹ bị ghét nhất trên mạng ở TQ”.
Trong khi đó, mặc dù truyền thông TQ gọi Donald Trump là “tên hề miệng rộng”, nhưng vị tỉ phú này đang chiếm được nhiều cảm tình của TQ hơn là đối thủ.
Đầu tiên, trước bối cảnh khao khát làm giàu hiện nay ở TQ, thế hệ người dùng Internet trẻ xếp ông Trump vào “tầng lớp truyền cảm hứng” khi ứng viên tổng thống này đã tự xây dựng được sự nghiệp đồ sộ. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng khá tự tin khi sẽ được hưởng lợi từ chính sách kinh tế của Mỹ nếu Trump làm chủ Nhà Trắng.
Trên trang Diplomat, chuyên viên TQ tại Trụ sở Liên hiệp quốc New York Zhibo Qiu cho rằng những chính sách buộc công ty Mỹ rời bỏ các thị trường lớn như TQ để tập trung vào thị trường nội địa của ông Trump sẽ tạo khoảng trống để các doanh nghiệp TQ có thể nhảy vào. Hơn thế, việc dọa rút khỏi TPP sẽ là một chiến thắng không chỉ về mặt kinh tế, mà còn về mặt chiến lược khi sáng kiến này được xây dựng để nhắm vào TQ.
Ông Donald Trump (trái) và ông Tập Cận Bình. Ảnh: CNN |
Về lĩnh vực an ninh, TQ khá hài lòng trước việc ông Trump không mặn mà lắm với chiến lược “xoay trục châu Á”, như vị tỉ phú này chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times. Ngoài ra, việc liên tục chỉ trích Nhật Bản lợi dụng Mỹ và đề xuất Nhật Bản, Hàn Quốc tự chế tạo vũ khí hạt nhân và thôi dựa dẫm vào Hoa Kỳ hẳn cũng khiến TQ “mở cờ trong bụng”.
Tất nhiên Bắc Kinh không thích nhìn thấy láng giềng phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng lãnh đạo TQ vui mừng vì hành động “gây hấn” với đồng minh thân cận của ông Trump có thể khiến cho cấu trúc an ninh châu Á của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương bị lung lay.
Thậm chí, ông Trump sẽ trở thành “người bạn tốt” của TQ nếu thực hiện việc rút quân khỏi châu Á. Trong bối cảnh ông Trump mong muốn thực thi chính sách ngoại giao “tự cô lập”, TQ đang nỗ lực để chuyển mình từ “một người chơi” thành “người tạo luật chơi” trong hệ thống quốc tế, bắt đầu từ Liên hiệp quốc.
Trước phán quyết của tòa trọng tài về vụ kiện của Philippines và TQ, cả hai ứng viên Tổng thống Mỹ đều kêu gọi các bên tôn trọng phán quyết của Tòa.
Tờ Philstar dẫn lời ông Trump: “Chúng tôi kêu gọi kêu gọi các bên tranh chấp tôn trọng phán quyết của tòa trọng tài và giải quyết các vấn đề một cách hòa bình”.
Tương tự, bà Hillary cũng cho rằng các quốc gia có yêu sách nên tôn trọng phán quyết: ““Mỹ có lợi ích lớn và lâu dài tại Biển Đông, cũng như đối với hoạt động thương mại không bị ngăn cản. Do đó, việc hoạt động thương mại tự do tại khu vực Biển Đông có ý nghĩa then chốt với nền kinh tế Mỹ. Điều quan trọng là tất cả các bên phải tuân thủ phán quyết này và tiếp tục theo đuổi các biện pháp đa phương-hòa bình để giải quyết tranh chấp”.
Tuy vậy, thông qua phát biểu này có thể thấy sự khác biệt. Ông Trump không quá mặn mà với vấn đề Biển Đông. Trong khi đó, bà Hillary lại luôn xem Biển Đông là một phần của lợi ích Hoa Kỳ.
Mặc dù nhận xét ông Trump khó đoán hơn bà Hillary, nhưng trước mắt, các nhà lãnh đạo TQ có lẽ sẽ thích ứng viên Cộng hòa đắc cử hơn đối thủ. Tờ Times trích lời bình luận viên chính trị của kênh truyền hình Phượng Hoàng (Hong Kong) Wu Jun nhận định ông Trump “về thực tế là Tổng thống tốt nhất cho TQ” còn bà Hillary là “Tổng thống kém thân thiện nhất đối với TQ”.
Tuy nhiên, phát biểu này chắc chắn sẽ còn điều chỉnh dựa trên các hành động thực tế của hai ứng cử viên khi cái hẹn tháng 11 đến gần.