![]() Cố Bộ trưởng Đặng Hồi Xuân. |
Cuối năm 1944 và năm 1945, được sự dìu dắt của đồng chí Đặng Xuân Thiều, người anh họ là một cán bộ cách mạng của Đảng vượt ngục trở về hoạt động tại địa phương, đồng chí đã sớm tham gia công tác Việt Minh, rải truyền đơn, đốt phòng thông tin của Nhật, treo cờ đỏ sao vàng...
Đến ngày kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, ở tuổi 17, đồng chí đã trở về quê nhà, hoạt động ở huyện Xuân Trường. Qua 3 năm hăng say công tác, đồng chí đã được kết nạp Đảng, rồi được bầu vào Huyện ủy và làm Bí thư Huyện đoàn Thanh niên cứu quốc.
Năm 1950 và năm 1951, đồng chí được điều động lên công tác ở Ủy ban kháng chiến tỉnh Ninh Bình, rồi lên Văn phòng Ủy ban kháng chiến liên khu III. Ở đó, đồng chí tham gia chiến dịch Quang Trung và Lý Thường Kiệt rồi được cử làm phái viên kiểm tra của Ủy ban kháng chiến liên khu và Tổng cục cung cấp.
Năm 1952, đồng chí được Liên khu ủy cử đi học khóa 4 Trường Y sĩ Việt Nam tại Thanh Hóa.
Năm 1954, sau khi tốt nghiệp y sĩ, đồng chí xung phong về công tác tại vùng căn cứ du kích và được cử làm Trưởng ty Y tế tỉnh Thái Bình. Ở đó đồng chí trực tiếp phụ trách nhiệm vụ phẫu thuật cấp cứu thương binh, ngày đêm bám sát trận địa, phục vụ thương binh tận tình chu đáo.
Tháng 10/1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hòa bình lập lại, đồng chí được phân công phụ trách tiếp quản các cơ sở y tế của thành phố Hải Phòng, chuẩn bị bộ máy cán bộ, đấu tranh chống địch cưỡng ép di cư và bảo vệ máy móc, dụng cụ và phương tiện y tế. Đồng chí đã không quản ngày đêm cùng cán bộ kháng chiến và cơ sở của ta trong các cơ quan nội thành làm tròn nhiệm vụ trước khi Pháp rút đi.
Sau khi hoàn thành xuất sắc việc tiếp quản, đồng chí được chỉ định ở lại thành phố công tác. Từ năm 1956 - 1959, đồng chí lần lượt làm Giám đốc Bệnh viện C điều trị cho cán bộ và làm Quản đốc Viện Điều dưỡng Hải Phòng. Với trình độ một y sĩ, dù có nhiều kinh nghiệm, đồng chí phải sưu tầm sách báo chuyên môn, nhiều đêm nghiên cứu, học tập thêm, đồng thời cùng đồng nghiệp rút ra nhiều bài học thiết thực từ những trường hợp điều trị những ca bệnh khó.
Trong 3 năm 1960, 1961, 1962, đồng chí công tác tại Khoa Nội, Bệnh viện Việt Tiệp (Việt Nam - Tiệp Khắc), đồng thời là Phó Bí thư Đảng ủy bệnh viện. Vừa công tác vừa học lớp Đại học Y khoa chuyên tu khóa 4. Cuối năm 1962, tốt nghiệp bác sĩ y khoa, đồng chí được cử làm Trưởng phòng Vệ sinh lao động, Sở Y tế Hải Phòng.
Từ năm 1963 - 1965, đồng chí Đặng Hồi Xuân vừa làm Trưởng phòng điều trị của Sở Y tế vừa tham gia điều trị bệnh nhân ở bệnh viện. Với nhiệm vụ đó, đồng chí đã kiên trì đi sâu nghiên cứu, nâng cao trình độ khoa học. Năm 1966, được cử đi nghiên cứu sinh ở Tiệp Khắc, đồng chí đã bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ năm 1969.
Bộ trưởng Đặng Hồi Xuân (người đứng thứ hai từ trái sang) kiểm tra việc xây dựng. Ảnh: TL |
Về nước, lần lượt đồng chí được cử làm Chủ nhiệm khoa Nội, Phó Giám đốc rồi Giám đốc Bệnh viện Việt Tiệp, giảng viên Đại học Y khoa Hà Nội.
Năm 1978, đồng chí Đặng Hồi Xuân được cử trở lại Tiệp Khắc làm nghiên cứu sinh cao cấp và đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Y khoa tháng 7/1978.
Với những kinh nghiệm phong phú về quản lý bệnh viện, với những kiến thức về y học, lòng tận tụy với ngành và tinh thần trách nhiệm cao, nhất là quyết tâm vượt mọi khó khăn để học tập và hoàn thành nhiệm vụ, tháng 11/1978, đồng chí được cử làm Thứ trưởng kiêm Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Xô. Đến tháng 4/1982, đồng chí được Quốc hội và Hội đồng Bộ trưởng cử giữ nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Y tế.
Trên cương vị Bộ trưởng Bộ Y tế, đồng chí đã có nhiều công lao trong việc củng cố mạng lưới y tế cơ sở, đặt đúng vị trí việc thực hiện các nội dung chăm sóc sức khỏe ban đầu do Hội nghị Alma Ata đề ra trong chiến lược bảo vệ sức khỏe nhân dân đến năm 2000.
Đồng chí thường xuyên xông xáo đi các cơ sở, đi lên biên giới, đi vào những nơi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Với tinh thần trách nhiệm cao dám làm, dám quyết định, đồng chí đã góp phần giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho cơ sở và địa phương, luôn luôn quan tâm đến sức khỏe của các tầng lớp nhân dân, nhất là ở các vùng xa xôi hẻo lánh. Coi kiểm tra là công việc trọng yếu để phát huy những kinh nghiệm tích cực và nhất là để khắc phục những mặt tiêu cực của ngành, đồng chí đã quyết định mỗi tuần cán bộ tuyến trên phải để một ngày xuống cơ sở.
Ở những cương vị khác như đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia dân số, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ, Chủ tịch Phân ban Hợp tác kinh tế và văn hóa Việt Nam - Ăng-gô-la, đồng chí đều làm tròn trách nhiệm.
Vũ Kiên