'Nếu được, tôi đồng ý đóng thêm chút thuế, để bác sĩ đi học miễn phí như ngành Sư phạm'

16-02-2025 10:48 | Blog thầy thuốc

SKĐS - Nghe tin học phí nội trú sẽ tăng lên 92 triệu, không biết là học phí cho bác sĩ đa khoa có tăng không, nhưng tôi cũng có chút suy ngẫm về việc này từ lâu rồi, nhưng năm nay khi sắp đi hết hành trình là một bác sĩ nội trú, tôi cũng muốn nói lên một số quan điểm của mình.

Bố tôi từng nói, trên đời này có hai nghề là bố thấy rất tôn trọng, là nghề nhà giáo và nghề bác sĩ, một nghề dạy người, một nghề cứu người, tôi cũng thấm nhuần tư tưởng của bố từ bé, vốn đã định thi Sư phạm, nhưng lại thấy nghề giáo không thú vị lắm nên chọn sang học Y.

Hồi mới vào trường, tôi từng thắc mắc là sao học Sư phạm (theo tôi biết là trường Sư phạm I nơi bạn tôi học) miễn học phí cho sinh viên và gần đây còn trợ cấp hàng tháng, vậy sao nghề Y cũng cao quý và cần thiết vậy mà không được nhỉ. Phải chăng vì sau này làm bác sĩ nhiều người bảo giàu lắm, nên cần đóng học phí như một khoản đầu tư.

Tôi nói điều này không có ý gì đâu, chỉ là những suy nghĩ non nớt của một bé sinh viên mới vào trường, chứ vẫn nghĩ là bởi vì học y cần nhiều cơ sở vật chất và dụng cụ thí nghiệm,… nên cần đóng học phí để lo cho những chi phí đó.

Vừa rồi các trường Y đồng loạt tăng học phí, và mọi người bảo là giờ con nhà giàu mới học được Y. Tôi đã khá buồn khi nghe điều này. Thực tế tôi thấy thật ra trường tôi rất nhiều 'con nhà nghèo' (ý nghèo kinh tế) như tôi là một ví dụ. Nhà tôi cũng không khá giả gì, hành trang vào trường của tôi với rất nhiều ước mơ hoài bão đó là sẽ giúp đỡ người bệnh nghèo, giúp y tế đất nước phát triển hơn, hay thậm chí tìm ra phương pháp chữa bệnh hiểm nghèo, dù rằng thời gian học lâu hơn những ngành khác nhiều, nhưng tôi thấy nó thật sự xứng đáng.

Nhưng mấy năm nay học phí Y tăng cao quá, tôi nghĩ là đã có rất nhiều bạn học giỏi với trái tim muốn giúp đỡ bệnh nhân phải từ bỏ ước mơ này, và kể cả nếu mục đích là muốn một nghề mưu sinh, thì cũng rất lãng phí những tài năng ấy. Lúc học phí nội trú năm ngoái tăng, mọi người đều kêu than học y đã cực mà lại tăng học phí, thì có một chị nội trú khóa trước đã tỏ thái độ rất gay gắt và chị chỉ ra những điều lợi ích của học nội trú so với những cái khác như tăng tiền học phí. Chị bảo có các cách như kí hợp đồng với phòng khám hay bệnh viện khác để họ tài trợ học phí, và khoản chi phí đó là xứng đáng với với những gì nội trú học được.

'Nếu được, tôi đồng ý đóng thêm chút thuế, để bác sĩ đi học miễn phí như ngành Sư phạm'- Ảnh 1.

Buổi đăng kí chuyên ngành Bác sĩ nội trú khóa 49 (2024-2027) của trường Đại học Y Hà Nội. (ảnh minh hoạ)

Tôi cũng thấy dù học phí cao thì vẫn sẽ có người học và bằng cách này hay cách khác, cũng sẽ tìm ra cách giải quyết được. Nhưng, khi nghĩ kĩ hơn thì tôi thấy một số hệ luỵ, và đôi khi nó đi trái với mục đích ban đầu tôi vào Y: Điều hiển nhiên là khi chúng ta phải mất nhiều chi phí cho việc học, tiêu của bố mẹ rất nhiều tiền, thì khi được ra đi làm chúng ta cũng mong sẽ 'thu hồi' lại chi phí ban đầu, bởi không ai muốn bố mẹ khổ mãi vì mình.

Nhưng nghề Y luôn là nghề đặc thù, và chúng ta đều được dạy: Lương y như từ mẫu, vậy khi 'thu hồi'lại chi phí đó, nguồn tiền đó từ đâu, chẳng nhẽ từ người bệnh, điều này cứ luẩn quẩn trong đầu tôi mãi không thoát ra được.

Tôi kể một câu chuyện hôm đi trực (xin phép giấu tên bệnh viện), tôi chỉ thấy thương hơn cho nghề Y. Hôm đó bệnh nhân rất vắng, chị điều dưỡng rất vui và bảo ước gì hôm nào cũng như hôm nay. Nhưng anh bác sĩ trực đáp lại: "Hôm nào cũng như thế này thì cuối tháng nhận lương khóc hết với nhau à, phải mong có nhiều bệnh nhân chứ". Tôi chợt giật mình đau lòng và khá sốc khi nghe câu ấy, nhưng tôi cũng hiểu học Y tốn thời gian và phải đầu tư nhiều hơn ngành khác, nên ai cũng muốn được nhận công lao xứng đáng.

Thật như một vòng tròn nhân quả vậy, không biết bắt đầu và kết thúc ở đâu. Tôi thương những người bệnh, đặc biệt những người nghèo khó, vào viện vì bệnh nặng nhưng không có tiền chữa trị, nhiều người bán hết tài sản, vay nợ khắp nơi, nhiều người chọn cách từ bỏ điều trị vì tốn kém, nhiều người coi bác sĩ và bệnh viện như kẻ thù,.., nhưng tôi cũng thương các bác sĩ, các anh chị bạn bè và tôi thương cả chính bản thân tôi đã vất vả học hành và đầu tư nhiều chi phí để được thành nghề, nhưng cuộc sống vốn không dễ dàng. Tôi từng tiếp xúc nhiều bệnh nhân và người nhà, họ dù than thở chi phí điều trị đắt đỏ nhưng cũng rất hiểu rằng bác sĩ cũng rất vất vả, học lâu ra nghề và học phí cho ngành Y rất cao. Và điều này cũng an ủi tôi phần nào vì bệnh nhận cũng hiểu cho bác sĩ.

Chút trải lòng mình, khi hết hành trình là một sinh viên y và sắp trở thành một bác sĩ nội trú tôi trộm nghĩ nếu có thể tôi sẽ đồng ý đóng thêm chút thuế, để đầu tư cho Y tế, cho các bác sĩ đi học như ngành Sư phạm và tôi tin rằng sau khi ra trường, các bác sĩ với trái tim nhiệt huyết ban đầu là vào y để cứu người, sẽ không phụ công và hết lòng vì bệnh nhân.

Thầy tôi vẫn dậy phòng bệnh thì tốt hơn chữa bệnh, chi phí phòng bệnh cũng rẻ và dễ hơn rất nhiều chữa bệnh. Tôi mong Y học dự phòng phát triển và được mọi người chú trọng hơn. Tôi cũng mong rằng anh chị em bạn bè đã/đang/sẽ trở thành đồng nghiệp của mình ngày có cuộc sống tốt hơn và dù có ra sao vẫn mong mọi người vẫn giữ được lời thề Y Đức, giữ được trái tim sáng trắng như chiếc áo blouse của ngành mình vậy.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

Sự thật về việc học của sinh viên Y DượcSự thật về việc học của sinh viên Y Dược

SKĐS - Mỗi khi có ai đó nhắc đến sinh viên ngành Y là tất cả mọi người đều nghĩ, sinh viên Y Dược là những bạn học cực giỏi Toán, Lý, Hóa, Sinh ở mức tuyệt đối nên chuyện học đối với các bạn này là nhẹ nhàng, sau này tốt nghiệp đi làm được rồi sẽ sướng như tiên, tiền vào túi liên tục.

BS. Đoàn Ngọc Hiếu
Ý kiến của bạn