Trong những ngày cách ly đợt đầu của dịch COVID-19, tôi nhận được lời đề nghị của một bạn đồng nghiệp đang phải chăm sóc cho những bệnh nhân COVID-19 đầu tiên. Bạn nói: “Chị ơi, hôm nay là sinh nhật con em, cháu tròn 9 tuổi. Chị viết giúp em lời chúc để em gửi cho cháu, nhưng chị viết sao để bạn bè, hàng xóm khi đọc được không biết là em đang phải cách ly để chăm sóc bệnh nhân COVID-19, chứ không con em lại bị xa lánh, kỳ thị chị nhé”.
Tôi đã khóc khi đọc những dòng tin nhắn đó. Bởi để biết bao người khác được an toàn, được mạnh khỏe bên người thân ngoài kia, thì họ và gia đình, người thân của họ đã phải hy sinh từ những điều bé nhỏ như thế. Và còn biết bao cặp vợ chồng khác cùng làm việc tại bệnh viện nữa. Trong đợt cao điểm của dịch, họ phải gửi con nhỏ về quê cho ông bà trông giúp, để toàn tâm toàn ý chăm sóc cho người bệnh. Có những ca bệnh, nhân viên y tế phải kê ghế ngồi túc trực ngay bên giường bệnh để kịp thời xử trí khi có diễn biến phức tạp. Có những trường hợp ngày phải thay đến 8, 9 lần bỉm cho bệnh nhân. Có những bệnh nhân tưởng rằng phải đầu hàng số phận, nhưng với sự nhiệt huyết, tận tâm và trách nhiệm của đội ngũ nhân viên y tế, họ đã giành lại được sự sống. Còn biết bao con người lặng lẽ làm những công việc hậu cần đằng sau đó nữa….
Khi mà Vũ Hán đang là tâm dịch COVID-19. Khi mà châu Phi đang là lúc cao điểm của dịch bệnh. Khi mà cả thế giới còn đang chưa hiểu con virus ấy từ đâu ra và lây lan theo phương thức nào. Khi mà mọi người dân được khuyến cáo tránh xa những nơi có nguy cơ lây bệnh, phải tuân thủ các biện pháp phòng tránh dịch... Thì họ - những nhân viên y tế nhận được một nhiệm vụ cao cả, nhưng cũng muôn vàn nguy hiểm, đó là: Đón đoàn công dân Việt Nam từ Vũ Hán và từ Guinea Xích đạo trở về. Thử hỏi họ có sợ không ư? Chắc chắn là có rồi, bởi họ - những nhân viên y tế cũng là những con người bằng xương bằng thịt như tất cả mọi người khác. Có đắn đo, lấn cấn gì trước khi lên đường không ư? Có chứ, bởi đằng sau họ còn gia đình, người thân. Một điều lo lắng nữa tuy không nói ra, nhưng có lẽ khiến họ day dứt rất nhiều, đó là sự kỳ thị của mọi người dành cho họ và gia đình họ khi đó. Nhưng họ đã gạt bỏ những lo lắng đó sang một bên, lên đường thực hiện nhiệm vụ thầm lặng nhưng cao cả và rất đáng tự hào. Bởi họ là những nhân viên y tế vững tay nghề, có đạo đức, đã được đào tạo chắc về chuyên môn trong nhà trường và luôn tự nhắc nhở mình bằng lời thề Hippocrate. Nhưng trên hết, đó là tình thương yêu giữa những người được gọi là đồng bào, cùng chảy chung dòng máu đỏ, da vàng.
Để làm nên chiến thắng giữa thời bình, họ sẵn sàng bước vào cuộc chiến và quên đi sự an nguy đến tính mạng của mình. Nếu để đánh đổi, thử hỏi mấy ai trong số chúng ta sẵn sàng đánh đổi như thế? Nhưng nếu được lựa chọn, chúng tôi xin vẫn sẵn sàng.
Chúng tôi tự hào là nhân viên y tế.