Hà Nội

Nếu điều tồi tệ xảy ra, chúng tôi nguyện đồng lòng bảo vệ Tổ quốc!

11-05-2014 13:03 | Thời sự
google news

Sáng 11-5, tại Hà Nội, Huế, TP.HCM, rất đông người dân đã tập trung xuống đường để phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc.

Sáng 11-5, tại Hà Nội, Huế, TP.HCM, rất đông người dân đã tập trung xuống đường để phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc.

Tại TP.HCM:

Chủ Nhật 11-5, tuy là ngày nghỉ nhưng ngay từ sáng sớm, rất đông người dân TP đã đổ về khu vực Nhà hát lớn TP với nhiều băng rôn, khẩu hiệu thể hiện tình cảm với biển đảo quê hương. Từ người già đến người trẻ, từ em thiếu nhi đến chị tiểu thương, triệu trái tim cùng hướng về Biển Đông những ngày dậy sóng.

Đúng 9 giờ, tại Nhà hát TP đã diễn ra buổi mít tinh phản đối việc Trung Quốc đưa giàn khoan vào biển Đông của Việt Nam. Hàng ngàn sinh viên và người dân đã đến tham dự buổi mít tinh trong không khí hừng hực sục sôi trước tình hình biển Đông những ngày qua.

Hầu hết biểu ngữ băng rôn đều ủng hộ việc nhà nước Việt Nam đấu tranh yêu cầu TQ đưa giàn khoan ra khỏi thềm lục địa của VN. Rất nhiều người đã phát biểu ý kiến bày tỏ thái độ lên án hành động khiêu khích, gây hấn của TQ.

Đại diện sinh viên ĐH Luật đã kêu gọi các sinh viên hãy cùng nhau ra sức học tập để xây dựng đất nước giàu mạnh, đồng thời kêu gọi đóng góp các công trình xây dựng biển đảo.

Đại diện Hội liên hiệp phụ nữ Quận 3 cũng bày tỏ sự bức xúc trước hành động ngang ngược của TQ và hứa kêu gọi các chị em phụ nữ cùng đồng lòng phản đối hành động của TQ, mỗi người tự hứa sẽ làm tốt các nhiệm vụ trên cương vị của mình để làm hậu phương vững chắc cho các chiến sĩ ngày đêm bảo vệ tổ quốc.

Phát biểu tại buổi mít tinh, TS Ngô Hữu Phước, Giảng viên Đại học Luật TP.HCM nói: "Trong thời gian qua Trung Quốc liên tiếp vi phạm chủ quyền Việt Nam, nghiêm trọng nhất là việc đặt giàn khoan trong thềm lục địa của Việt Nam.

Hành vi này đã vi phạm trắng trợn Luật biển quốc tế mà chính Trung Quốc là một quốc gia nằm trong Liên Hiệp quốc đã đặt bút ký mà lẽ ra Trung Quốc là thành viên thường trực phải tận tâm thực hiện".

“Hành vi này đã dẫm đạp lên luật pháp quốc tế và chính uy tín của Trung Quốc” – TS Phước nhấn mạnh.

Cũng theo TS Phước, Trung Quốc đang vi phạm trắng trợn luật pháp Việt Nam, đặc biệt là Luật Biển năm 2012 đã được luật pháp và cộng đồng quốc tế thừa nhận. Không những vậy, hành vi này còn làm leo thang căng thẳng. Bởi việc đặt giàn khoan với tàu chiến, tàu kiểm ngư, máy bay yểm trợ không phải là hành vi cản trở nữa mà là Trung Quốc đã vào nhà của Việt Nam ăn cướp tài nguyên của Việt Nam.

“Hành động này đi ngược lại đạo nghĩa yêu chuộng hòa bình trên thế giới nên chúng tôi cực lực phản đối về điều này”- TS Phước nói.

TS Phước cũng khẳng định hành vi này đi ngược lại tuyên bố DOC mà 10 quốc gia Asean và Trung Quốc đã ký kết, rằng các bên kềm chế không tiến hành thêm hành động xung đột.

Đặc biệt, trong năm 2011, Tổng Bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào đã thỏa thuận sáu điểm giải quyết tranh chấp ở biển Đông là hai bên kềm chế, giải quyết tranh chấp bằng hòa hình. Vậy nhưng vừa qua Trung Quốc đã tổ chức đâm va, thậm chí đâm va vào lực lượng chấp pháp biển của Việt Nam gồm cảnh sát biển, kiểm ngư là không thể chấp nhận.

“Truyền thông Trung Quốc đang bóp méo sự thật nên qua đây tôi muốn nói với người dân Việt Nam và những người Trung Quốc yêu chuộng hòa bình, nhà nghiên cứu, khoa học, trí thức Trung Quốc rằng chính Trung Quốc đã chủ động xâm phạm lãnh thổ Việt Nam. Tôi cũng kêu gọi người dân yêu nước Trung Quốc đừng bị lừa bịp để làm ảnh hưởng đến quan hệ đã được vun đắp, xây dựng quan hệ hòa bình của hai nước”- TS Phước kêu gọi.

Khoảng 11 giờ, buổi mít tinh kết thúc. Từng đoàn người ra về trong trật tự với tình cảm hướng về biển đảo quê hương chưa bao giờ sục sôi đến thế.

Trước đó, ngay từ sáng sớm, nhiều người dân đã tập trung và tuần hành theo các tuyến phố hướng về phía khu vực lãnh sự quán Trung Quốc để hô vang những khẩu hiệu phản đối, yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan 981 ra khỏi vùng biển của Việt Nam.

Sau khi bày tỏ nguyện vọng của mình, đoàn người trở về địa điểm xuất phát là khu vực Nhà hát lớn TP, cùng hát vang lời ca hào hùng "Dậy mà đi".

Việc tuần hành phản đối diễn ra trong trật tự, ôn hòa đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân khác và đã có hàng ngàn người tham gia.

Hàng ngàn người dân TP đã đứng quanh khu vực Tổng lãnh sự quán Trung Quốc để hô vang những khẩu hiệu phản đối hành động phi pháp của nhà cầm quyền nước này. Đoàn người cũng cùng chung nhịp hát vang bài ca "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng"...

Sau khi biểu lộ nguyện vọng, thái độ, tình cảm của mình, đoàn người đã trật tự quay trở lại điểm xuất phát là khu vực Nhà hát lớn TP. Những chiến sĩ cảnh sát cơ động cũng được huy động để đảm bảo trật tự cho việc bày tỏ tình cảm của người dân không gây ách tắc giao thông, ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường khác.

Lúc 8g30

Tại TP.HCM, đoàn người bắt đầu di chuyển theo đường Đồng Khởi hướng về phía địa điểm tọa lạc của Lãnh sự quán Trung Quốc.

Vừa đi, đoàn người vừa hô vang đả đảo Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan khỏi vùng biển của Việt Nam.

Lúc 8g46, đoàn người băng qua đường Nguyễn Du, ngang qua khu vực nhà thờ Đức Bà. Những tiếng hô Trung Quốc rút khỏi vùng biển Việt Nam vẫn vang lên theo những bước chân người.

Theo ghi nhận của PV, ngay từ sáng sớm, rất đông người dân TP.HCM đã tập trung tại khu vực Nhà hát TP.HCM (quận 1, TP.HCM) để bày tỏ thái độ phản ứng trước việc Trung Quốc ngang ngược đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Sáng nay, tại khu vực này diễn ra buổi biểu diễn nghệ thuật cuối tuần và từ rất sớm, người dân đã có mặt nhiều hơn thường lệ. Trong đó có rất nhiều người mang cờ đỏ sao vàng, băng rôn, biểu ngữ với các nội dung: “Trung Quốc rút giàn khoan khỏi Việt Nam”, “Trung Quốc cút khỏi vùng biển Việt Nam”, “China must gest out from Vietnam sea!”… Lúc này hàng trăm người dân đã tụ tập và đồng loạt hô lớn: "Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam. Đả đảo Trung Quốc, đã đảo Trung Quốc".

Đặc biệt bé Trần Minh Hòa Hiệp (học sinh trường Tiểu học Bắc Hải, quận 10) giăng cao biểu ngữ: “Toàn dân nghe chăng/ Sơn hà nguy biến/Hận thù đằng đằng/Biên thùy rung chuyển/Nên hòa hay chiến”….

Bé Hiệp kể, trước đây mấy ngày, bé nghe cha kể lại hành động hung hăng của Trung Quốc nên em đã tỏ ra bất bình, dù bé hiện chỉ 8 tuổi. “Cô giáo em đã dạy: Các vua Hùng đã có công dựng nước thì bác cháu ta phải giữ gìn lấy nước ”- bé Hiệp nói. Cũng chính vì vậy, sáng nay em đã nằng nặc đòi cha chở đến khu vực này.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Jacson Folkmanis của hãng tin BloomBerg, một người dân nhấn mạnh: "Chúng tôi yêu chuộng hòa bình, không muốn chiến tranh xảy ra nên tốt nhất là điều tồi tệ này đừng xảy ra. Tuy nhiên nếu điều tồi tệ này xảy ra, người dân Việt Nam chúng tôi sẵn sàng đồng lòng bảo vệ tổ quốc".

PV quốc tế phỏng vấn người dân TP.HCM.

Tại Hà Nội:

Từ sớm đoàn người từ mọi ngả đường đã kéo về khu vực vườn hoa Lê Nin với bao tình cảm hướng về biển đảo Tổ quốc những ngày không bình yên.

Hiện đám đông đã kín vườn hoa, rất nhiều đoàn đang kéo đến và đã phải đứng ở sân tượng đài. Nhiều nhóm đã hô vang "Việt Nam".

Đám đông đứng bên trong phía khuôn viên vườn hoa, được ngăn với đường Hoàng Diệu bằng một hàng rào dựng tạm. Phía đối diện, Đại sứ quán Trung Quốc vắng lặng, cửa đóng kín.

Phía đối diện, Đại sứ quán Trung Quốc vắng lặng, cửa đóng kín. Còn ở bên này, những người con từ mọi nơi, lần đầu gặp mặt đồng thanh hô vang khẩu hiệu "Việt Nam"', "Đả đảo Trung Quốc xâm lược", "Việt Nam muôn năm, Hồ Chủ tịch muôn năm, tướng Giáp muôn năm".

Chú bé sáu tuổi từ sáng sớm đã theo cha xuống đường. Vì quá nhỏ em phải ngồi trên vai cha để giơ khẩu hiệu hướng về phía bên kia đường.

Và có cả những cụ già cũng xuống đường biểu lộ thái độ phản đối mạnh mẽ với những hành động ngang ngược, phi pháp của Trung Quốc.

9 giờ 16'

Hà Nội nắng gay gắt nhưng dòng người vẫn tiếp tục dồn về, hòa vào nhau trong cùng một cảm xúc.

Họ hát vang bài ca hào hùng "Dậy mà đi", dòng máu con lạc cháu hồng cuộn chảy trong tim.

Lúc 9g45, đoàn người tiến về phố Điện Biên Phủ hướng về phía bờ hồ. Trong khi đó, một nhóm khác vẫn tập trung trước Đại sứ quan Trung Quốc để phản đối.

9g55, đoàn người đã dài gần 1 km. Họ tiến về phía Hàng Bông. Những người đi đường tự giác đỗ xe lại hai bên đường để nhường đường cho dòng người di chuyển.

10g15 dòng người đến bờ hồ, tiến dần đến quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục.

Ba cha con đi trên đường cùng hòa với dòng người hô vang hai tiếng Việt Nam.

Dòng người vòng về trước quảng trường Lý Thái Tổ.

10g53 dòng người tập trung trước cửa nhà hát lớn, tiếp tục hô vang khẩu hiệu phản đối Trung Quốc.

Khoảng 11 giờ, đoàn người giải tán. Họ trở về với nhịp sống thường ngày nhưng tình cảm đối với chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc vẫn cháy mãi trong tim và sẽ biến thành sức mạnh khi Tổ quốc cần.

Tại Huế:

Sáng 11-5, hàng trăm nhân sĩ, tri thức, văn nghệ sĩ và người dân Huế xuống đường tuần hành ôn hòa nhằm cực lực lên án hành vi ngang ngược của Trung Quốc xâm phạm trắng trợn hải phận của Việt Nam.

Đoàn người yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan HD981 ra khỏi hải phận Việt Nam. Đồng thời, khẳng định Hoàng Sa-Trường Sa mãi mãi thuộc tổ quốc thiêng liêng của Việt Nam, yêu cầu chính phủ kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế.

Ông Nguyễn Đắc Xuân, người tham gia tuần hành cho biết: “Hành vi đưa giàn khoan HD981 của Trung Quốc là xâm phạm hải phận Việt Nam một cách ngang ngược, ngạo mạn và xảo trá. Vì vậy, chúng tôi những người dân Huế nói riêng và người Việt nói chung lên án hành vi của Trung Quốc và yêu cầu Trung Quốc phải rút ngay giàn khoan HD981…”.

Dưới đây là những hình ảnh tuần hành, hô khẩu hiệu yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan HD981 của của nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ và người dân Huế trên các con đường TP Huế sáng 11-5.

Trước đó, 9g sáng 10-5, trước cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.HCM, nhiều tầng lớp nhân dân TP đã tụ họp lại, biểu thị những bức xúc của mình trước tình hình căng thẳng tại biển Đông. Những lá cờ Tổ quốc được phất lên, những biểu ngữ “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam”, “Trung Quốc vi phạm luật pháp quốc tế”, “Yêu cầu rút giàn khoan HD981 khỏi biển Đông” bằng ngôn ngữ Việt - Trung - Anh được giương cao, những bài hát truyền thống, khẩu hiệu nối tiếp nhau vang suốt dọc đường.

 

 


Ý kiến của bạn