Hà Nội

“Nếu đi làm ngày lễ, em được trả lương bao nhiêu?”

30-04-2015 09:47 | Tin nóng y tế
google news

Tuần trước, chị chuyền trưởng mang một xấp “đơn xin đăng ký đi làm ngày lễ” xuống, yêu cầu công nhân ký vào. Trong chuyền của tôi có 40 người, đa số không xem kỹ bản đăng ký mà chỉ lướt qua cái tiêu đề, sau đó đặt bút luôn.

Đến phiên mình, tôi đọc xong cái tiêu đề, trong lòng bỗng nảy sinh tò mò nên đọc dần xuống phía dưới. Tôi thấy ở phần nghĩa vụ của người lao động (NLĐ) có ghi như vầy: “NLĐ sẽ được nghỉ bù vào các ngày do công ty sắp xếp sau lễ”. Ở phần tiền lương thì ghi: “NLĐ được hưởng lương đầy đủ theo quy định của pháp luật”.

Tôi hỏi chị chuyền trưởng: “Chị ơi, em có thắc mắc vì có những điểm trong này còn mơ hồ”. Chị chuyền trưởng nhăn mặt: “Gì nữa đây? Bảo ký thì ký đi, trước nay vẫn vậy mà”. Là vì lúc này tôi hay đọc báo, thấy nói nhiều trường hợp “bút sa, gà chết”; nhắm mắt, nhắm mũi ký đại, đến khi đụng chuyện mới biết mình cẩu thả, xớn xác, ký mà không đọc kỹ nên thiệt thòi quyền lời, không ai bảo vệ được mình.

“Chị giải thích giùm em, nếu em đi làm ngày lễ thì được trả bao nhiêu tiền? Công ty sẽ sắp xếp nghỉ bù nhưng không nói nghỉ bù vào ngày nào? Lỡ đến cuối năm hết hàng mới cho nghỉ bù thì không lẽ bây giờ tụi em đi làm ngày lễ mà không được trả lương đi làm ngày lễ hay sao?”.

Có lẽ câu hỏi của tôi khiến chị chuyền trưởng lùng bùng lỗ tai nên thấy mặt chị nghệch ra: “Ừ hén, cái bảng đăng ký này có nhiều điểm không rõ ràng. Thôi, để tôi đi hỏi lại”. Chị nói vậy rồi tất tả chạy đi. Độ chừng nửa tiếng đồng hồ sau, chị quay lại, lắc đầu: “Tôi hỏi anh quản đốc, ảnh cũng không biết, bảo để đi hỏi phó giám đốc sản xuất rồi sẽ thông báo lại”.

Đến đầu giờ chiều, trước khi bắt đầu làm việc, chị chuyền trưởng vỗ tay bộp bộp: “Mọi người im lặng nghe thông báo từ ban giám đốc công ty”. Chúng tôi im lặng chờ đợi. Chị chuyền trưởng chậm rãi rút một tờ giấy trong túi áo ra, vuốt phẳng phiu rồi bắt đầu đọc: “NLĐ đi làm ngày lễ, nếu sau đó được bố trí nghỉ bù thì công ty sẽ trả phần chênh lệch. Thời gian nghỉ bù công ty sẽ nghiên cứu và thông báo trong thời gian sớm nhất”.

Chị chuyền trưởng đọc xong, mọi người nhìn nhau. Ủa, đâu có gì rõ ràng đâu? Tôi chưa kịp lên tiếng thì cô bạn ngồi bên cạnh đã giơ tay: “Em có thắc mắc. Công ty trả phần chênh lệch nhưng cụ thể là bao nhiêu phần trăm? Năm trước đi làm ngày 30-4 và 1-5, công ty chỉ trả có 200% và không cho nghỉ bù. Theo em biết thì nếu nghỉ bù vẫn phải trả 300%, còn không nghỉ bù thì phải trả 400%”.

Mọi người bắt đầu lao xao. Chị chuyền trưởng lại vỗ tay bộp bộp: “Im lặng, mọi người im lặng. Để tôi đi hỏi kỹ chỗ này”. Nói rồi chị lại tất tả chạy đi. Chừng 20 phút sau khi mọi người đang làm việc thì chị chạy về: “Quản đốc nói trả theo quy định tức là quy định của công ty. Là 200% nếu không nghỉ bù và 100% nếu nghỉ bù”.

Lập tức mọi người ào ào lên phản đối: “Công ty trả như vậy là không đúng, là ăn gian của công nhân, là vi phạm luật. Đề nghị phải trả lời rõ ràng, nếu không thì chúng tôi sẽ không đi làm. Ai bảo giám đốc nhận đơn hàng gấp làm chi, tự đi mà làm lấy”. Thấy tình hình căng thẳng, chị chuyền trưởng hét lên: “Trật tự, trật tự. Mọi người tập trung làm việc đi, để tôi đi hỏi lại”. Nói rồi chị lật đật chạy đi.

Mấy chuyền bên cạnh thấy chúng tôi lao xao thì cũng chộn rộn theo. Mọi người sốt ruột chờ câu trả lời chính thức của giám đốc để có kế hoạch cho đợt nghỉ lễ dài ngày sắp tới. Khoảng 30 phút sau thì phó giám đốc phụ tách sản xuất xuất hiện. Ở công ty chúng tôi, ai cũng thích vị lãnh đạo đẹp trai, giỏi giang, ăn nói mềm mỏng và... chưa có vợ này.

Thấy ông xuất hiện, mọi người im bặt. Ông đưa tay chào chúng tôi và mời mọi người giữ trật tự: “Câu hỏi của anh chị em, tôi tạm thời trả lời như sau: Theo quy định của pháp luật thì NLĐ đi làm vào ngày lễ, ngày nghỉ có hưởng lương thì sẽ được trả 300% tiền lương, chưa kể tiền lương của ngày làm việc, tổng cộng là 400%. Tuy nhiên, do tình hình của công ty chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn, ban giám đốc sẽ cố gắng sắp xếp để anh chị em được nghỉ bù ngay sau khi hoàn tất đơn hàng, tức là ngay trong tháng 5 hoặc tháng 6... sau đó sẽ cân đối tài chính, quyết định trả bao nhiêu phần trăm. Mong anh chị em thông cảm, chia sẻ khó khăn với công ty”.

Giọng phó giám đốc thiệt là mềm mỏng, dễ thương. Chúng tôi nhìn nhau. Cuối cùng thì ai cũng ký vào bản đăng ký làm thêm ngày lễ dù mọi chuyện vẫn chưa ngã ngũ. Cô bé ngồi trước mặt tôi quay xuống thỏ thẻ: “Em thích phó giám đốc quá. Có người sếp như ảnh, em đi làm ngày lễ trả công như ngày thường em cũng chịu”. Nghe vậy, cô bạn ngồi cạnh tôi nạt: “Vớ vẩn. Đi làm thuê chứ đâu phải đi làm công quả mà không lấy tiền? Có điều là công ty cũng đối xử tốt với công nhân nên tạm thời chấp nhận”.

Cuối cùng thì chúng tôi vẫn chưa biết mình sẽ được trả lương bao nhiêu cho những ngày làm việc trong dịp lễ năm nay. Tuy vậy, mọi người cũng không thắc mắc gì nữa mà vẫn đi làm đầy đủ. Có nghĩa là tất cả chúng tôi đều biết luật nhưng đành phải “nhắm mắt” ký đại trong rất nhiều ràng buộc mơ hồ. Nếu giám đốc tốt thì còn đỡ, nếu họ cố tình o ép thì cũng đành chịu chứ biết sao? Chúng tôi đã cố thử thực hiện quyền của mình nhưng kết cục cũng không đi đến đâu. Bỗng dưng tôi thấy chán chán...

Chỉ có cô bé ngồi phía trên tôi thì vẫn hí hửng như mọi ngày. Cô quay xuống nói nhỏ với tôi: “Vô công ty làm việc vừa có cơm ăn, vừa có máy lạnh, vừa có lương chứ nghỉ lễ đi chơi thì chỉ có tốn tiền. Em thích đi làm ngày lễ”.

Tôi nhìn cô bé đầy thương cảm. Mới 21 tuổi mà cô đã có thâm niên 3 năm làm công nhân để nuôi người mẹ bệnh tật ở quê và 3 đứa em còn đang tuổi ăn học. Nghe đâu ba của em đã bỏ đi khi mấy chị em còn nhỏ xíu. Có lẽ đối với cô bé, đi làm, có lương đã là hạnh phúc; còn có thêm được khoản nào thì hạnh phúc được nhân lên theo cấp số cộng...

Theo Báo Người lao động

 


Ý kiến của bạn