Cụ thể, ở câu đọc hiểu bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ đề thi môn Văn kỳ thi THPT Quốc gia 2016, đoạn trích trong đề ở dòng thứ ba là “Ôi Tiếng Việt như bùn và như lụa”. Trong khi đó, theo nhiều giáo viên và các nhà thơ, bản gốc của câu trên phải là: “Ôi Tiếng Việt như đất cày, như lụa”.
Đề thi môn văn Kỳ thi THPT Quốc gia 2016 ngày 2/7, đã dẫn câu thơ trong bài “Tiếng Việt” của nhà thơ Lưu Quang Vũ có thể bị sai với văn bản gốc đang gây tranh cãi trong dư luận xã hội.
Liên quan đến vấn đề này, PV báo Sức khỏe & Đời sống đã liên hệ với nhà thơ Nguyễn Hữu Quý (Tạp chí Văn nghệ Quân đội) – người từng có bài bình luận, phân tích sâu sắc về bài thơ “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ đã được đăng trên tờ Văn hóa Quân sự. Theo nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, Lưu Quang Vũ không chỉ nổi tiếng là nhà viết kịch tài năng mà còn là thi sĩ có những bài thơ được bạn đọc nhớ lâu như Vườn trong phố, Tiếng Việt…Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý đọc bài Tiếng Việt đã lâu, nay vẫn thích bởi thi phẩm có tính khái quát cao, độ xúc cảm sâu và lấp lánh nhiều thi ảnh. Tiếng Việt, thứ ngôn ngữ đa thanh có sức biểu đạt phong phú mang trong nó những trầm tích lịch sử, văn hóa lâu dài và cực kỳ bền vững của dân tộc mình.
Nhà thơ quân đội Nguyễn Hữu Quý - người từng có bài bình luận, phân tích sâu sắc về bài thơ Tiếng Việt của Lưu Quang Vũ đăng trên tờ Văn hóa Quân sự
Đặc biệt, trong bài phân tích, bình luận bài thơ “Tiếng Việt”, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý khi dẫn thơ vẫn dùng câu “Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa”. Theo đó, trong bài bình luận có đoạn “Lưu Quang Vũ đã làm được một điều rất khó là phác họa những đặc trưng ngôn ngữ Việt bằng thơ. Đó là thứ tiếng tuy ngữ pháp khó như “phong ba bão táp” nhưng sức biểu đạt của nó rất phong phú lại giàu tính họa, tính nhạc. Thứ tiếng mà người nước ngoài cho là ríu rít như chim, bỗng trầm như hát khi nghe ta nói: “Chưa chữ viết đã vẹn tròn tiếng nói/ Vầng trăng cao đêm cá lặn sao mờ/ Ôi tiếng Việt như đất cày, như lụa/ Óng tre ngà và mềm mại như tơ/ Tiếng tha thiết nói thường nghe như hát/ Kể mọi điều bằng ríu rít âm thanh/ Như gió nước không thể nào nắm bắt/ Dấu huyền trầm, dấu ngã chênh vênh./ Dấu hỏi dựng suốt ngàn đời lưả cháy/ Một tiếng vườn rợp bóng lá cành vươn/ Nghe mát lịm ở đầu môi tiếng suối/ Tiếng heo may gợi nhớ những con đường”. Một số giáo viên sau khi biết đến câu thơ trong đề thi nói trên đã lên tiếng và cho truyền thông biết, lâu nay các trường THPT ra đề kiểm tra hoặc đề thi đều trích câu “Ôi Tiếng Việt như đất cày, như lụa”.
Với câu hỏi, “nếu việc đề thi ra sai câu thơ của Lưu Quang Vũ là Ôi Tiếng Việt như bùn và như lụa có khiến thí sinh làm sai ý tưởng của tác giả và ảnh hưởng đến kết quả thi không?”, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý khẳng định “Có. Hình ảnh thơ khác nhau sẽ dẫn tới sự hiểu và cảm nhận khác nhau. Phân tích câu thơ sẽ khác nhau”. Theo nhà thơ Nguyễn Hữu Quý, trong trường hợp đề thi văn dẫn sai câu thơ nói trên của Lưu Quang Vũ, thì trước hết, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải xin lỗi về việc này. Đây là một cái sai nghiêm trọng, thể hiện sự chủ quan trong ra đề thi và không chặt chẽ trong khâu kiểm tra. “Theo tôi, Bộ Giáo dục phải điều chỉnh lại thang điểm các câu trong đề thi ngữ văn và khi chấm bài phải hết sức linh hoạt” – Đại tá – nhà thơ quân đội Nguyễn Hữu Quý cho biết.
Liên quan đến việc dư luận đang phản ánh câu thơ trích trong đề thi văn kỳ thi THPT Quốc gia 2016 có thể sai sót, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo cho báo giới biết, lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo Cục khảo thí và Kiểm định Chất lượng làm việc với bộ phận ra đề thi môn Văn. Ngay sau khi kiểm tra và có kết luận chính thức, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công khai thông tin để thí sinh không hoang mang.