Hà Nội

Nếu đã từng mắc viêm tụy mà thấy các biểu hiện sau cần đến viện ngay

29-03-2022 16:11 | Y học 360
google news

SKĐS - Nang giả tụy là tổn thương dạng nang hay gặp nhất của tuyến tụy, được hình thành phần lớn khoảng 90% sau viêm tụy, chỉ có 10% sau chấn thương. Vì vậy, nếu đã từng mắc viêm tuỵ và có các biểu hiện đau bụng vùng thượng vị, buồn nôn, nôn, sụt cân… cần tới cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

1. Nang giả tuỵ

Nang giả tụy là sự tích tụ dịch xung quanh tuyến tụy. Đây là dịch dò rỉ từ ống tụy bị tổn thương, rất giàu Amylase và các Enzym khác của tuyến tụy. Gọi là nang giả vì vách nang không có lớp lót biểu mô như ở nang tụy thực thụ. Đây là một tổn thương dạng nang hay gặp nhất của tuyến tụy.

Theo nghiên cứu nang giả tuyến tụy được hình thành phần lớn sau viêm tụy cấp hoặc mạn tính và chỉ có 10% sau chấn thương. Bệnh có đặc điểm hay gặp ở người trẻ tuổi.

Sau viêm tụy cấp, thời gian xuất hiện u nang có thể sau ít ngày, sau ít tháng hoặc hàng năm sau. U nang phát triển vào trong tuyến hoặc phình ra ngoài theo mọi hướng, có thể gặp những hình thể sau: Giữa hai khe dạ dày và đại tràng, sau dạ dày, u nang đuôi tụy, u nang trên mạc treo đại tràng, u nang trong tụy...

Nang giả tuỵ cần cảnh giác với các biểu hiện đau bụng, buồn nôn, sụt cân… - Ảnh 2.

Nang giả tụy là tổn thương dạng nang hay gặp nhất của tuyến tụy.

2. Nguyên nhân gây nang giả tuỵ

Có nhiều nguyên nhân gây nang giả tuỵ nhưng thường gặp nhất là do viêm tuỵ. Sự hiện diện của sỏi mật gây kẹt ống mật tụy và uống nhiều rượu là hai nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm tụy, qua đó gây hình thành nang giả tụy. Ngoài ra, còn một số nguyên nhân khác như: Viêm tụy mạn, chấn thương, ung thư, nồng độ Triglyceride trong máu cao, tổn thương tụy do thuốc. Theo các nghiên cứu, nang giả tuỵ còn do các nguyên nhân của các bệnh lý tự miễn và bệnh lý xơ nang do di truyền.

Các nguyên nhân trên gây ra sự tắc nghẽn của các ống tuyến, làm tăng áp lực dẫn tới rách một số ống tuyến, gây tràn dịch tụy trong ống tuyến và máu trong các khoang của tuyến, tạo ổ viêm tụy cấp với những hoại tử thứ phát và hình thành nang giả. Thành của nang là những tổ chức hoại tử, tổ chức hạt, những sợi xơ có nguồn gốc từ phúc mạc, bề mặt thanh mạc của các tạng lân cận…

Nang giả tuỵ cần cảnh giác với các biểu hiện đau bụng, buồn nôn, sụt cân… - Ảnh 3.

Khi mắc nang giả tuỵ người bệnh thường có biểu hiện đau bụng vùng thượng vị.

2. Dấu hiệu nhận biết nang giả tuỵ

Khi mắc nang giả tụy người bệnh thường có biểu hiện đau bụng vùng thượng vị, đau lan ra xung quanh lưng. Kèm theo các biểu hiện khác như buồn nôn, nôn, người bệnh chán ăn, sụt cân. 

Có thể có sốt, vàng da, khối u vùng thượng vị (sờ được trong một số ít trường hợp). Nếu tình trạng viêm tụy nặng, hình thành nang giả tụy có thể gây mất nước, tụt huyết áp

Đôi khi tình trạng người bệnh trở nên nguy kịch một cách nhanh chóng, rối loạn chức năng các cơ quan và trụy tuần hoàn. Đồng thời, nếu nang giả tụy vỡ cũng gây ra các biến chứng tương tự.

3. Chẩn đoán nang giả tuỵ

Sự hình thành nang giả tụy có lúc không có bất kỳ triệu chứng gì. Khi có các biểu hiện nghi ngờ ở người bệnh đã từng mắc viêm tuỵ cấp, viêm tuỵ mạn… sẽ nghĩ đến mắc nang giả tuỵ.

Nhiều trường hợp được phát hiện tình cờ khi khảo sát hình ảnh học trong ổ bụng vì một bệnh lý khác.

Việc chẩn đoán nang giả tụy sẽ dựa trên bệnh sử viêm tuỵ, các triệu chứng lâm sàng và các xét nghiệm, bao gồm:

Xét nghiệm định lượng nồng độ men tụy trong máu và cả trong nước tiểu.

- Xét nghiệm đánh giá tình trạng chuyển hóa bên trong cơ thể như công thức máu, đo lường các chất điện giải natri, kali, canxi, glucose, triglyceride máu.

- Các chẩn đoán khác như: Siêu âm bụng là một xét nghiệm đơn giản với độ chính xác 90%. Việc chụp cắt lớp ổ bụng (CT scan) giúp phân biệt nang tụy và nang giả tụy, có thể chụp cộng hưởng từ (MRI) hay dụng cụ siêu âm đặc biệt là siêu âm qua nội soi.

Nang giả tuỵ cần cảnh giác với các biểu hiện đau bụng, buồn nôn, sụt cân… - Ảnh 5.

Có nhiều nguyên nhân gây nang giả tuỵ nhưng thường gặp nhất là do viêm tuỵ.

4.Điều trị nang giả tuỵ

Nang giả tụy khi có triệu chứng người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật. Tuỳ thuộc vào từng cá nhân, kích thước, vị trí và sự xâm lấn vào các cơ quan lân cận, nhất là vị trí xuất phát của nang giả mà các bác sĩ sẽ chỉ định các phương pháp phù hợp, có thể điều trị triệu chứng, dẫn lưu nang qua da, dẫn lưu nang qua nội soi hoặc phẫu thuật cắt nang…

5. Phòng ngừa nang giả tụy

Để phòng nang giả tuỵ, việc hạn chế nguy cơ gây bệnh là việc cần được lưu ý nhất là đối với bệnh viêm tụy nên hạn chế uống rượu, đặc biệt là khi có tiền sử nghiện rượu hoặc đã từng bị viêm tụy. 

Thực hiện phẫu thuật loại bỏ túi mật, nếu sỏi mật đang gây viêm tụy. Ngoài ra, thực hiện chế độ ăn ít chất béo, không nên dùng nhiều trà, cà phê, thịt cá nhiều mỡ, phủ tạng động vật, lòng đỏ trứng. 

Tăng cường đạm, rau xanh, hoa quả, protein nạc như nạc thăm lợn, thịt bò, cá quả, cá chép, các thực phẩm giàu Vitamin C và B để hạn chế nguy cơ hình thành sỏi mật.

Tóm lại: Nang giả tụy là một túi chứa dịch tụy khi đã bị rò rỉ ra ngoài. Tình trạng này có thể không có biểu hiện gì nhưng đôi khi cũng gây ra các vấn đề nghiêm trọng, có khi còn hơn cả tình trạng viêm tụy cấp nếu giải phóng ồ ạt men tụy vào trong phúc mạc. Chính vì thế, việc phát hiện sớm sự hiện diện của nang giả tụy sau biến cố viêm tụy cấp và chủ động can thiệp là điều cần thiết, giúp phòng ngừa biến chứng nặng nề về sau.

Mời độc giả xem thêm video:

Vận động để giữ sức khỏe trong mùa dịch COVID-19



ThS. BS. Nguyễn Hoàng
Ý kiến của bạn