Trước đó bé H.M.N (nam, 8 tháng tuổi, ngụ tại Đắk Lắk) được chuyển đến BV Nhi đồng 2 trong tình trạng nguy kịch. Qua quá trình thăm khám, các BS khoa Cấp cứu chẩn đoán bệnh nhi bị viêm phổi rất nặng trên nền bệnh tim bẩm sinh, tồn ống động mạch lớn gây tăng áp lực động mạch phổi. Theo các bác sĩ đây là một điểm mấu chốt vô cùng quan trọng giúp toàn bộ ê kíp của BV đi đúng hướng điều trị. Bởi, nếu chỉ chú ý đến bệnh tim bẩm sinh của bé thì khi thực hiện phẫu thuật về tim của bệnh nhi chắc chắn sẽ khó có thể qua khỏi.
Các bác sĩ đã phải đứng trước lựa chọn hết sức khó khăn, bởi hẹp khí quản bẩm sinh nặng kèm quai động mạch phổi trái cùng với tồn tại ống động mạch lớn gây tăng áp lực động mạch phổi nặng đã khiến bệnh nhi rơi vào tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”. Do vậy, phẫu thuật là cơ hội cứu sống duy nhất nhưng trong trường hợp này tỷ lệ tử vong có thể lên đến 90%. Ngay cả khi có ECMO (hỗ trợ tuần hoàn và trao đổi oxy qua màng ngoài cơ thể) giúp ổn định tình trạng bệnh nhân trước mổ thì nguy cơ tử vong sau mổ cũng còn rất cao.
Bệnh nhi được chuyển lên phòng mổ trong tình trạng bị ngưng tim và phải mất một thời gian hồi sức mới ổn định lại, cuộc phẫu thuật đã phải hoãn lại. Các bác sĩ trong Ekíp đã tiến hành hội chẩn ngay lập tức và tiên lượng cơ may sống sót của bệnh nhi chỉ có 10%. Và chính trong thời khắc ấy, nhìn bệnh nhi nằm thoi thóp, vô cùng tội nghiệp, các bác sĩ đã nhủ thầm với bé những lời như trên. Thế rồi, như có một phép lạ, bệnh nhi có dấu hiệu ổn định hơn sau 2 ngày theo dõi tại hồi sức. Và sau một đêm trực mệt mỏi, các BS lại tiếp tục thực hiện ca mổ khó khăn để tạo hình khí quản, xử lý ống động mạch và quai động mạch phổi trái cứu bệnh nhi. Cuộc phẫu thuật tiến hành khẩn trương để thiết lập máy tuần hoàn ngoài cơ thể trước khi bệnh nhi trở nặng và phải mất 6 giờ căng thẳng ê kíp mổ mới hoàn thành.
Bé N đã khỏe mạnh sau những ngày phải chống trọi với căn bệnh nguy kịch
Nhưng niềm vui chưa trọn vẹn bởi sau khi phẫu thuật xong bệnh nhi vẫn chưa thể ổn định ngay mà liên tục những cơn tím tái trong phòng mổ, phải mất thêm gần 2 tiếng sau Ê kíp phẫu thuật mới chuyển bé qua hồi sức một cách an toàn. Để rồi những ngày sau đó bệnh nhi dần ổn định lại và đã có thể cai máy thở 6 ngày sau trước sự vui mừng của toàn bộ ê kíp cũng như gia đình.
ThS.BS. Vũ Trường Nhân - Phó trưởng khoa Ngoại tổng hợp, BV Nhi đồng 2, người chịu trách nhiệm chuyên môn về phẫu thuật lồng ngực cho biết: Hẹp khí quản bẩm sinh là bệnh khá hiếm gặp với tần suất vào khoảng 1/65.000 và những trường hợp hẹp khí quản mà kèm bệnh tim bẩm sinh thì còn hiếm hơn nữa.
Trước đây tại Việt Nam, các bé bị hẹp khí quản hầu như không có cơ hội được phẫu thuật vì tỉ lệ tử vong sau mổ quá cao có thể lên đến 50%. Từ năm 2013, ê kíp phẫu thuật lồng ngực của bệnh viện Nhi đồng 2 với sự hỗ trợ chuyên môn của PGS.TS.BS. Vũ Hữu Vĩnh - trưởng khoa Ngoại lồng ngực BV Chợ Rẫy đã triển khai thành công phẫu thuật tạo hình khí quản cho các trường hợp hẹp khí quản bẩm sinh với tỉ lệ tử vong và biến chứng thấp. Từ đó, tạo tiền đề cho các trung tâm nhi khoa của cả nước tiếp tục thực hiện. Bệnh viện Nhi đồng 2 đến nay đã phẫu thuật tạo hình khí quản cứu sống cho gần 50 trường hợp bệnh nhi bị hẹp khí quản bẩm sinh.